Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể trong chuyển đổi số, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

1943306-images1358539-a22-11173917.jpg 

Chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu của thời đại, xác định rõ tầm quan trọng, ý nghĩa, hiệu quả, tiện ích của mà chuyển đổi số mang lại đối với mọi lĩnh vực, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai các giải pháp chuyển đổi số tích cực, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền, kiến tạo đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh.

Hiệu quả từ chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính

Ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, định hướng 2030. Một trong những lĩnh vực chuyển động mạnh mẽ là chuyển đổi số trong lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Theo đó, tại các trung tâm hành chính công các cấp, bộ phận một cửa cấp xã trong tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đến nay số lượng hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến đã tăng mạnh. 9 tháng năm 2022 có 462.064 hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến (đạt tỷ lệ 75,5%) trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và quốc gia.

Được biết, từ ngày 1/6-14/10/2022, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện số hóa 13.600 hồ sơ, trong đó có 1.706 hồ sơ (thuộc 5 lĩnh vực thí điểm) được bóc tách dữ liệu và lưu vào cơ sở dữ liệu chuyên dùng. Từ đầu tháng 10/2022, tất cả các địa phương, sở, ban, ngành trong tỉnh triển khai số hóa, bóc tách dữ liệu đối với các thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Hải Hà, Trưởng phòng Giải quyết thủ tục hành chính trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh cho biết: Khi toàn bộ kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa, được đưa lên kho dữ liệu của tỉnh, của trung ương, chia sẻ cho kho dữ liệu của các sở ban ngành và gửi vào kho dữ liệu của các tổ chức doanh nghiệp thì toàn bộ kết quả giải quyết thủ tục hành chính này đã được công khai minh bạch trên cơ sở dữ liệu quốc gia và như vậy, toàn bộ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp người dân có thể truy cập để kiểm tra bất kỳ lúc nào, bất kỳ thời điểm nào chỉ cần có kết nối internet. Việc này nhằm đảm bảo cho việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh, minh bạch, thuận tiện nhất cho công dân.

Theo Đề án 06 về việc triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu, đến hết ngày 10/10/2022 tỉnh Quảng Ninh có 639.453 người có thẻ Bảo hiểm y tế được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 60.448 người sử dụng Căn cước công dân gắn chíp thay thẻ Bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh, tra cứu trả kết quả.

Đặc biệt, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng được chú trọng, đến nay, 100% bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm hành chính công, trường đại học, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 65,77% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, 22,89% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp huyện thanh toán không dùng tiền mặt; 85,75% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt với giá trị thanh toán chiếm 97,2%; 77,7% số doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt với giá trị thanh toán chiếm 87,44%; 98,4% số thu ngân sách nhà nước (thuế, phí, lệ phí) bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt …

Theo Trung tá Nguyễn Sỹ Trúc, Giám đốc Viettel Quảng Ninh cho biết: Chuyển đổi số đã làm thay đổi trong công việc, đời sống của người dân, giúp cho người dân tiết kiệm tiền, thời gian, công sức đi lại khi làm thủ tục hành chính. “Thời gian qua, để đồng hành với công cuộc chuyển đổi số của tỉnh, đơn vị đã phủ song 4G rộng khắp cả tỉnh, cả ở vụng biên giới hải đảo. Năm 2023, khi đã có giấy phép 5G, đơn vị sẽ tập trung lắp đặt phục vụ người dân. Ngoài ra, đơn vị cũng đang triển khai chợ 4.0 tại các chợ trên địa bàn tỉnh…” – ông Trúc chia sẻ.

Để thúc đẩy xây dựng chính quyền số, từ đầu năm 2022 tỉnh Quảng Ninh đã triển khai phần mềm ISO điện tử theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Hiện phần mềm này đã được triển khai đến 25 sở, ban, ngành, 12 chi cục; 13/13 Ủy ban nhân dân cấp huyện, 177/177 Ủy ban nhân dân cấp xã trong tỉnh.

Đáng chú ý, toàn tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng ở 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố với 11.255 thành viên tham gia. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt xây dựng, hình thành công dân số thời gian tới.Ngoài ra, các địa phương đã tổ chức ra mắt, công bố hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân các nội dung về chuyển đổi số, định danh điện tử, Đề án 06; cài đặt ứng dụng định danh điện tử VNEID.

Cùng với đó, một số mục tiêu cũng có tỷ lệ triển khai thực hiện cao, như: Thu thập, gắn mã địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số cho hơn 367.000 địa chỉ trên địa bàn tỉnh (tỷ lệ trên 90%); 86% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh; 79,8% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng và sóng viễn thông di động…

Tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Quảng Ninh là một trong 6 tỉnh triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1, để đảm bảo 100% đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp cận và sử dụng hóa đơn điện tử, Cục thuế tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như phối hợp với 6 nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có cam kết với Cục thuế hỗ trợ cho người nộp thuế, tổ chức các hội nghị triển khai, hướng dẫn về hóa đơn điện tử, hướng dẫn trực tiếp các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, ví điện tử trên hóa đơn. Nhờ đó, giúp doanh nghiêp giảm thời gian, chi phí liên quan đến các thủ tục hành chính về thuế, in ấn, vận chuyển và lưu trữ, khách hàng có thể nhận hóa đơn qua email hoặc tin nhắn. Cơ quan thuế cũng dễ dàng hơn trong công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Hiện đã có 10.679 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, đạt 100% đơn vị đủ điều kiện đăng ký hóa đơn điện tử. 2.219 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử.

Ông Mai Chiến Thắng – Phó Cục trưởng Cục thuế Quảng Ninh cho biết: “Trong thời gian qua, Cục thuế Quảng Ninh đã phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện chuyển đổi số thông qua các dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử. Trong năm 2021-2022, đơn vị đã triển khai thành công hóa đơn điện tử và được đánh giá là một trong những địa phương hoàn thành sớm và chất lượng. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong nội bộ cơ quan thuế”.

Tại Thành phố Hạ Long, đầu năm 2022, thành phố khai trương vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành thành phố thông minh, đây được coi là bước đột phá để Hạ Long vươn lên trong hành trình chuyển đổi số. Từ khi triển khai Trung tâm này, người dân đã có thể gửi phản ánh về mọi lĩnh vực trong đời sống hằng ngày. Đến nay có hơn 31.924 lượt tải App Hạ Long Smart, trong đó có hơn 11.746 tài khoản đăng ký thành công để thực hiện các phản ánh trên App.

Những hiệu quả đem lại từ chuyển đổi số đã đạt được sẽ là nền tảng quan trọng để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng, thúc đẩy hành trình chuyển đổi số về đích sớm, góp phần phát triển nhanh, bền vững, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Nguồn: Báo Công Thương