An Giang phát triển nguồn nhân lực thúc đẩy chuyển đổi số

Cùng với cả nước, An Giang đang tập trung các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số. Bên cạnh những yếu tố: Nhận thức; thể chế; hạ tầng số; nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng thì việc phát triển nguồn nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng để chuyển đổi số thành công.

3thao.jpg 

Xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh.

Nâng cao nhận thức và hành động

“Chuyển đổi số là một nhiệm vụ mới và là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, ngay khi bắt tay vào quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, An Giang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tạo sự đồng thuận và đảm bảo sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, (DN) trong thực hiện chuyển đổi số; nhất là trong việc sử dụng các phương tiện thông minh để tương tác với chính quyền, hình thành tầng lớp công dân điện tử”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy chia sẻ.

Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của tỉnh, thời gian qua, các cơ quan truyền thông trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, giúp người dân và toàn xã hội nâng cao nhận thức, hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, mục tiêu của chuyển đổi số; lợi ích sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính và tiếp cận, khai thác các dịch vụ số để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của đời sống. Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp các sở, ngành, địa phương tập huấn về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho cán bộ làm việc tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã. Qua đó, từng bước thay đổi tư duy và phát huy mạnh mẽ vai trò của người đứng đầu về chuyển đổi số tại địa phương, đơn vị; kịp thời cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử - chính quyền số.

Tại các địa phương, đơn vị, DN trong tỉnh, việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số, xã hội số cũng được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Thời gian qua, nhiều cán bộ chuyên môn của các đơn vị, DN, hợp tác xã được trang bị kiến thức, hướng dẫn sử dụng mã số, mã vạch, tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa và quản lý chất lượng sản phẩm… góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.

Xây dựng và phát triển nhân lực số

Để phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh; phát triển nguồn nhân lực then chốt để thực hiện hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân để thúc đẩy chuyển đổi số. Theo đó, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 616/KH-UBND, ngày 30/9/2022 triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”  trên địa bàn tỉnh An Giang.

Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 thực hiện đạt các mục tiêu, gồm: Lãnh đạo các cấp, ngành trong cơ quan, tổ chức, DN trên địa bàn tỉnh nhận thức sâu sắc về chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Mọi người dân trên địa bàn tỉnh được cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về chuyển đổi số trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước hàng năm được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số. 100% cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số và được đánh giá trực tuyến kết quả đào tạo qua Hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số quốc gia. 

Trong đó, phấn đấu có 70% số người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; cơ bản nắm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu. Thông qua các lớp tập huấn nhằm thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, từng người dân, gắn với cuộc sống của người dân; tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số. Qua đó, để mỗi người dân trở thành tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn; giúp nhân dân sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản tương tác với chính quyền, tham gia phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và thực sự trở thành công dân số.

An Giang phấn đấu đến năm 2030, tỉnh có 90% số người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số của các ngành, các lĩnh vực khác khi có nhu cầu. 80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/ STEAM và kỹ năng số.

Nguồn: Cổng TTĐT An Giang