Phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chuyển đổi số tại Phú Thọ: Nỗ lực và bài bản

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề cập tới việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương với mục tiêu đáp ứng và giải quyết mọi nhu cầu để đảm bảo lợi ích của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số đang ngày càng mạnh mẽ.

23.jpg 

Phát triển hạ tầng số

Trong xu thế phát triển nhanh và liên tục của công nghệ thông tin, hạ tầng số cũng phải không ngừng phát triển với các yêu cầu ngày càng cao hơn, đi trước mở đường cho quá trình chuyển đổi số. Do đó, xây dựng và phát triển hạ tầng số luôn được Phú Thọ xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tạo nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số, đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường mạng. 

Ông Trịnh Hùng Sơn - TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Các thành phần của hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số liên quan và tác động lẫn nhau như kết nối liên thông phải đi cùng chia sẻ dữ liệu. Công tác xây dựng hạ tầng số là việc cần kiên trì, cần sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số ở các địa phương, hạ tầng số phải được xem là yếu tố nền tảng cần được quan tâm, ưu tiên đầu tư sớm đảm bảo sự đồng bộ, hiện đại. Do đó, trong thời gian tới, quan điểm của tỉnh là tập trung tăng cường chất lượng kỹ thuật và khả năng đáp ứng của hạ tầng số, bảo đảm khả năng tích hợp, chia sẻ, quản lý và vận hành hiệu quả phục vụ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Ngày 5/10/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Phát triển hạ tầng số tỉnh Phú Thọ đến năm 2025. Trong đó, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng số, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng viễn thông cho chuyển đổi số. Tập trung phát triển hạ tầng kết nối, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu vực nông thôn; đồng thời thúc đẩy phát triển internet băng rộng cố định đến hộ gia đình, triển khai các chương trình hỗ trợ giá cước, hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo để người dân có công cụ giao tiếp với chính quyền trên môi trường số. Cùng với đó, tập trung phát triển mạng truyền số liệu chuyên dùng chất lượng cao theo hướng thuê dịch vụ từ các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo kết nối thông suốt 4 cấp từ Trung ương đến xã, sử dụng đồng bộ, tập trung các dịch vụ cung cấp trên mạng truyền số liệu chuyên dùng. Đặc biệt, chú trọng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin cơ sở, truyền thông qua mạng xã hội, Tổ công nghệ số cộng đồng để tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi triển khai phát triển hạ tầng số, trạm BTS công nghệ mới.

“Để phục vụ quá trình chuyển đổi số, Phú Thọ đang nỗ lực thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các ngành, chính quyền các cấp với các Tập đoàn, Tổng Công ty viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số để huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển hạ tầng số của tỉnh; chú trọng dịch chuyển theo hướng các cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ, thuê hạ tầng số của doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục nâng cấp, mở rộng Kho dữ liệu số và Cổng dữ liệu mở của tỉnh để quản lý thống nhất việc lưu trữ, sử dụng hiệu quả dữ liệu dùng chung của tỉnh để phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trịnh Hùng Sơn cho biết thêm. 

Phú Thọ đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% số thôn, bản được phủ sóng di động; mạng di động 5G phủ sóng tại 100% trung tâm các huyện, thành, thị, các khu công nghiệp, khu du lịch; tốc độ truy nhập trung bình trên mạng di động đạt 100Mb/s; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%; 100% các thôn, bản có hạ tầng Internet băng rộng cáp quang, tốc độ truy nhập trung bình đạt 200Mb/s; 100% các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng và liên thông 4 cấp. Phấn đấu đưa Phú Thọ trở thành tỉnh có hạ tầng số thuộc nhóm dẫn đầu các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, làm cơ sở thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Xây dựng “công dân số”

“Trong quá trình chuyển đổi số, hạ tầng công nghệ được cho là phương tiện còn con người là yếu tố quyết định sự thành công. Do đó, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực số là yếu tố then chốt trong việc xây dựng lực lượng nòng cốt để dẫn dắt, tổ chức, lan tỏa tiến trình chuyển đổi số góp phần bảo đảm công cuộc chuyển đổi số địa phương một cách nhanh, hiệu quả, bền vững và thành công. Việc đào tạo nhân lực chuyển đổi số không chỉ là việc dạy cách làm chủ công nghệ, máy móc mà còn phải giúp họ thay đổi cả tư duy, hiểu đúng về giá trị của con người trong từng khâu chuyển đổi số của tổ chức. Điều này quan trọng với cả những người lao động phổ thông đến cấp quản lý, lãnh đạo” - Tiến sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Hùng Cường - Giảng viên Trường Đại học Hùng Vương chia sẻ.

Trong lộ trình triển khai chuyển đổi số, khó khăn, thách thức lớn nhất đối với người dân hiện nay là thay đổi thói quen, nhận thức. Do đó, để người dân có điều kiện tham gia vào các hoạt động trên môi trường số, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cấp huyện, xã đang nỗ lực số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; thành lập các bộ phận thường xuyên giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Công an tỉnh đã và đang đẩy mạnh triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân. Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập 2.356 Tổ công nghệ số cộng đồng với 7.454 thành viên, bao phủ 225/225 xã, phường, thị trấn, 2.328/2.328 thôn, bản, khu dân cư.

Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Phú Thọ xác định nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng; cung cấp tài liệu, thông tin phục vụ tuyên truyền để các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân cài đặt, sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số tương tác với chính quyền; đồng thời tăng cường hướng dẫn người dân các kỹ năng khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Từ đó hình thành nên thói quen, thay đổi nhận thức của người dân để bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số.

Tại huyện Yên Lập, huyện đã có kế hoạch triển khai cụ thể, dành nguồn lực tương đối cho việc tập huấn, tuyên truyền, nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, người dân trong năm 2022 và cả giai đoạn 2022 - 2025. Phó Chủ tịch UBND huyện Đinh Hải Nam cho biết: "Chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông để tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai mã QR tại các khu dân cư để tuyên truyền đến người dân về chuyển đổi số; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về dịch vụ công, các nền tảng chuyển đổi số cho người dân qua hệ thống loa truyền thanh và đội ngũ Tổ công nghệ số cộng đồng, cán bộ các khu dân cư, thôn, xóm".

Ông Phạm Hữu Vũ - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gạch men TASA cho biết: "Cùng với sự hỗ trợ của các sở, ngành, chúng tôi đang tích cực hướng dẫn công nhân viên người lao động sử dụng các ứng dụng trong điều hành, kết nối giữa các nhà máy, phòng, ban, các khâu trong quy trình quản trị, sản xuất với nhau giúp quản lý, kết nối với 46 nhà phân phối và gần 10.000 điểm bán hàng trên cả nước và thị trường quốc tế. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên các nền tảng số như xây dựng website, fanpage “Tasa Group” và “Công đoàn Tasa”, ứng dụng quét mã QR để giúp khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm, phối cảnh phù hợp với nhu cầu sử dụng, tra cứu được tất cả thông tin liên quan đến sản phẩm một cách nhanh chóng và thuận tiện".

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, tỉnh còn rất nhiều việc phải làm, bởi quá trình chuyển đổi số diễn ra liên tục, xuyên suốt với nhiều nhiệm vụ mới, khó. Năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam có Ngày chuyển đổi số Quốc gia (10/10) với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Với tinh thần “càng đi sớm thì càng có lợi thế”, Phú Thọ quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm định hình tổng thể, toàn diện về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất, thực sự mang lại nhiều tiện ích, giá trị cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Sở TT&TT Phú Thọ