Thành phố Thái Nguyên: Chuyển đổi số để phát triển nhanh và bền vững

Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện chuyển đổi số (CĐS) đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Thời gian qua, TP. Thái Nguyên đã nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ Chương trình chuyển đổi số. Từ đó, đời sống của người dân và doanh nghiệp được nâng cao, từng bước đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

ttxvn-ung-dung-cong-nghe-chong-covid.jpg

Chuyển đổi số - xu thế tất yếu

Nhận thấy vai trò, hiệu quả của mô hình camera giám sát đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự. Hơn một năm qua, Công an TP. Thái Nguyên đã chủ động phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương xây dựng, triển khai, nhân rộng mô hình tại các xã, phường trên địa bàn.

Đến nay, toàn TP. Thái Nguyên đã nhân rộng mô hình “Tổ tự quản đảm bảo ANTT gắn với cụm camera an ninh” ra 9 địa bàn với gần 200 camera an ninh được lắp đặt. Từ hình ảnh, tài liệu do hệ thống camera an ninh cung cấp, các vụ việc vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng đã giúp lực lượng Công an kiểm tra, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trên 100 trường hợp.

Trung tá Đặng Thị Nga, Trưởng Công an phường Đồng Bẩm, TP. Thái Nguyên cho biết: “Hệ thống camera giám sát được triển khai đã giúp cho lực lượng Công an chủ động hơn trong công tác nắm tình hình, việc quản lý, giám sát địa bàn cũng được sâu sát hơn. Tất cả dữ liệu từ camera an ninh sẽ được Công an phường thu nhận phục vụ công tác phòng ngừa, phòng, chống tội phạm”.

Trước xu thế tất yếu của chuyển đổi số đang diễn ra trên nhiều ngành, nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau trên địa bàn TP. Thái Nguyên, Trường Mầm non Túc Duyên, TP. Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, từ đó hỗ trợ đổi mới phương thức dạy và học cho các bé. Trong công tác quản lý, trường cũng đặt ra nhiệm vụ mới, đó là bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường. Theo đó, 100% giáo viên được bồi dưỡng thêm về kỹ năng thiết kế phần mền, như dựng video gửi cho các phụ huynh để phối hợp chăm sóc giáo dục cho bé, nâng cao các kỹ năng khai thác phần mềm chuyên môn.

“Đến nay, Trường Mầm non Túc Duyên đã hoàn thiện thu thập thông tin cơ sở dữ liệu dùng chung ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên, kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung với các phần mềm nghiệp vụ trong nhà trường như: quản lý học sinh, quản lý sức khỏe, y tế học đường, quản lý nhà trường… Việc triển khai dạy học kết hợp ứng dụng CNTT trong trường như phối hợp với cha mẹ trẻ dạy trẻ qua các video, các chương trình chăm sóc giáo dục trẻ được đăng tải trên website của nhà trường, chia sẻ trên các trang hội nhóm của lớp như Zalo, Facebook, kênh Youtube… để phụ huynh dễ dàng truy cập. Từ đó, tạo sự tương tác để quản lý việc học tập của con em tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”, cô Tống Thị Hồng Phúc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Túc Duyên chia sẻ.

Chuyển đổi số để đưa TP. Thái Nguyên trở thành đô thị văn minh

Nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, thời gian qua, TP. Thái Nguyên đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai lắp đặt, kết nối hệ thống camera giám sát tại 32/32 xã, phường. Thực hiện khảo sát hiện trạng hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn. Để hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, UBND TP. Thái Nguyên đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại 401 xóm, tổ dân phố, với trên 2.697 thành viên. Thông tin, hướng dẫn người dân thực hiện trực tuyến các thủ tục hành chính; sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh như: C-Thái Nguyên, Thái Nguyên ID.

Từ năm 2021 đến nay, người dân TP. Thái Nguyên đã được tiếp cận, sử dụng ứng dụng C-ThaiNguyen với 8 tính năng chính, gồm: hệ thống phản ánh hiện trường; hệ thống thông tin cảnh báo; thông tin từ chính quyền UBND tỉnh; hệ thống tích hợp thông tin y tế, giáo dục; hệ thống ứng cứu khẩn cấp; hệ thống cổng hỗ trợ các dịch vụ công ích; camera trực tuyến và hệ thống thông tin điều hành chính quyền.

Bà Nguyễn Thị Nga, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi được tổ trưởng dân phố đến tận nhà hướng dẫn cài đặt ứng dụng C- Thái Nguyên. Với ứng dụng này, chúng tôi có thể phản ánh ngay, trực tiếp các ý kiến, kiến nghị đến các cơ quan chức năng, thay vì đơn thư, thủ tục rườm rà như trước”.

Theo lãnh đạo UBND TP. Thái Nguyên: “Qua C-Thái Nguyên, chúng tôi tiếp nhận và giải quyết trên 90% ý kiến phản ánh của người dân, với tỷ lệ hài lòng trên 80%. Hiện nay, bộ phận một cửa, các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo Thành phố với người dân đều được dân giám sát, phản ánh và lãnh đạo thành phố được tiếp nhận, xử lý kịp thời những tồn tại, hạn chế”.

Nhờ quá trình chuyển dổi số nhanh, gọn, hiệu quả, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân TP. Thái Nguyên được nâng cao hơn trước. Người dân đã chủ động thay đổi phương thức thực hiện các giao dịch, như thuế, điện nước, học phí, viện phí… từ thanh toán trực tiếp sang thanh toán trên website hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh. Các Hợp tác xã đã tham gia giới thiệu sản phẩm trên Website: thainguyentea.gov.vn, từ đó nâng cao giá trị và phát triển nông nghiệp địa phương. Cùng với đó, từ 01/01/2022 đến nay, TP. Thái Nguyên đã giải quyết 230/232 phản ánh của công dân qua Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh, được công dân đánh giá ở mức độ hài lòng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Thái Nguyên, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị, công tác CĐS trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã đạt được những kết quả bước đầu. Hiện nay, TP. Thái Nguyên đang triển khai hiệu quả Đề án ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2030, TP Thái Nguyên trở thành đô thị văn minh, hiện đại, “đầu tàu” phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc bộ.

Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển