Công nghệ đồng hành cùng đổi mới sáng tạo trong giáo dục

Các vấn đề về chính sách, chiến lược và công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) nhanh hơn, hiệu quả hơn cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo đã được thảo luận sôi nổi tại EDU 4.0 2022

 CĐS giáo dục, đào tạo Việt Nam - Chiến lược đã được định hình

Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm Học đường 4.0 năm 2022 (EDU 4.0 2022) đã chính thức khai mạc sáng ngày 25/11/2022 với chủ đề "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS tạo đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo tại Việt Nam". Sự kiện do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam và BHub Group phối hợp tổ chức.

Diễn ra trong 2 ngày (25 - 26/11), sự kiện được kết cấu với 4 hoạt động chính bao gồm: hội nghị, tọa đàm, triển lãm và lễ trao Giải thưởng Công nghệ giáo dục 2022. Đây là dịp để đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ và các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này cùng chia sẻ, thảo luận và đóng góp các ý tưởng cho việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và tăng cường CĐS trong việc dạy và học, qua đó tạo nên những bước đột phá mới nền giáo dục nước nhà.

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Trang Bùi, Giám đốc BHub Group, sáng lập EDU 4.0, cho biết: "EDU 4.0 là mô hình sự kiện truyền thông, kết nối hiệu quả giúp nâng cao nhận thức về CĐS giáo dục tại Việt Nam, từ đó tăng cường ứng dụng công nghệ giáo nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2022 và mục tiêu của Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCHTW Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo".

Tại Việt Nam, việc ứng dụng CNTT vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Trong đó, tháng 1/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 117/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025". Tiếp đến, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, giáo dục trở thành 1 trong 8 ngành/lĩnh vực cần được ưu tiên CĐS. Đây là những cơ sở và động lực cho việc nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, sản phẩm cho giáo dục được phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cũng như là tiền đề tạo cơ chế cho việc ứng dụng rộng rãi tại các nhà trường, đơn vị giáo dục đào tạo.

Tại phiên khai mạc, ông Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo - mang đến cái nhìn toàn cảnh về "CĐS giáo dục và đào tạo tại Việt Nam giai đoạn 2022-2025".

Ông Nam chia sẻ: Hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành (2021 – 2022) đã gây ra nhiều biến động lớn trong đời sống kinh tế - xã hội, nhưng cũng đồng thời là một cú huých đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp và những đợt giãn cách xã hội diện rộng trong nhiều ngày mang đến áp lực và cơ hội để các đơn vị đào tạo, các DN cung cấp dịch vụ giáo dục cũng như giáo viên, học sinh học nhanh chóng bắt nhịp với môi trường dạy và học trực tuyến.

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, xu thế phát triển của công nghệ nói chung, trong đó có công nghệ dành cho giáo dục nói riêng, đã và đang tạo nên những phương thức, mô hình đào tạo mới. Có thể thấy, các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thâm nhập ngày càng sâu vào chương trình giảng dạy ở các cấp học, các môi trường học tập khác nhau, mang đến những giải pháp và công cụ như: lớp học ảo, video, thực tế tăng cường (AR), rô-bốt, các trợ lý ảo tương tác với người dạy và người học… Cùng đó, việc hệ thống hóa kiến thức, xây dựng cơ sơ dữ liệu về tri thức, về người dạy – người học đã bắt đầu được đặt nền móng tại nhiều trường đại học, cơ sở nghiên cứu.

Công nghệ không chỉ làm cho lớp học sinh động hơn mà còn có thể tạo ra môi trường học tập hòa nhập hơn, thúc đẩy sự cộng tác và tính ham học hỏi, đồng thời cho phép giáo viên thu thập dữ liệu về hiệu suất học tập, năng lực tiếp thu của học sinh.

Bàn thảo những vấn đề thiết thực trong CĐS giáo dục – đào tạo

EDU 4.0 2022 không chỉ là diễn đàn mở về CĐS ngành Giáo dục, mà còn đề cập đến câu chuyện thực thi những nhận thức đó trong thực tiễn, làm sao để "đi nhanh, đẩy mạnh", tạo đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.

Đề cập đến "đầu ra" của quá trình đào tạo là nguồn nhân lực không chỉ được trang bị kiến thức chuyên môn mà còn phải nắm vững các kỹ năng số là báo cáo chuyên đề "Tương lai của việc làm và giáo dục trong nền kinh tế số toàn cầu" do ông Christopher Lee (Aik Sern) - Giám đốc, Tư vấn Quản lý - Chuyển đổi nguồn nhân lực, PwC Việt Nam – trình bày. Qua đó, ông chia sẻ về những thay đổi toàn diện trên thị trường lao động tương lai, với những vị trí công việc mới, lĩnh vực ngành nghề mới,… đặt ra nhiều yêu cầu mới cho việc đào tạo cũng như tâm thế học tập chủ động, học tập suốt đời của mỗi cá nhân.

Tiếp đến là các vấn đề về CĐS cho giáo dục ở các góc nhìn từ quốc tế và Việt Nam, với báo cáo về "CĐS giáo dục: Kinh nghiệm quốc tế và lời khuyên cho Việt Nam" do bà Rebecca Ball - Phó tổng lãnh sự, Tham tán Thương mại và đầu tư cấp cao, Cơ quan thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia – trình bày.

Phần trình bày về "CĐS giáo dục Việt Nam: Năng lực số, văn hóa số và tính mở là điều kiện tiên quyết để thành công" của diễn giả Lê Trung Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở (InOER), Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (AVU&C) - nhấn mạnh về năng lực số và tính mở. Theo ông Nghĩa, đối với ngành giáo dục, CĐS không chỉ là việc chuyển đổi các hoạt động nghiệp vụ giáo dục và đào tạo vào môi trường số. Vấn đề quan trọng là giáo dục để các tổ chức, DN và người dân có đầy đủ các năng lực số (NLS), phục vụ cho Chương trình CĐS quốc gia.

20221208-pg33.jpeg

Để thảo luận sâu về các giải pháp và kinh nghiệm xây dựng môi trường giáo dục 4.0, cũng như sự liên kết giữa giáo dục và các ngành nghề khác, EDU 4.0 2022 cũng có những phiên tọa đàm chuyên sâu theo từng chủ đề cụ thể. Qua đó, các chuyên gia không chỉ bàn về thực trạng mà còn đi sâu vào giải pháp, cũng như đưa ra các thông điệp, khuyến nghị về chiến lược, chính sách phát triển ngành Giáo dục cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, nhận xét: "Có sự khác biệt căn bản về chất giữa 2 nền giáo dục: một là các nền giáo dục trước đó dựa trực tiếp vào sức người - sức của người dạy (thầy), của đội ngũ nhà giáo và các lực lượng làm công tác giáo dục là chính. Phạm vi, hiệu quả khá hạn hẹp. Còn nền giáo dục CĐS, hiệu quả nhiều hay ít của nó lại dựa vào các thành tựu của công nghệ số mới, sản phẩm số mới, mô hình số mới, dịch vụ số mới có sự tham gia của AI. Các nền tảng tri thức cần truyền tải cho con người được lưu trữ trên đám mây và chỉ cần một cú nhấp chuột, người ta có thể tiếp cận nhanh chóng trong vòng vài giây trong khi trước đây, quy trình để có được các tri thức này có khi phải mất vài ngày, thậm chí hàng tháng".

GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú cho rằng, cần phát huy tính chủ động tự đào tạo của các địa phương, của các ngành, nghề, DN, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, gia đình, dòng họ và chính của từng người, không chờ đợi, không ỷ lại vào nhà nước, tự tìm kiếm con đường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thích hợp theo khả năng của mình, thích ứng nhanh với đòi hỏi cao của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nhà nước, phải bằng các thể chế, chính sách, chế tài cụ thể buộc các DN, xí nghiệp gắn kết với các nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Các hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp cần phải đóng góp mạnh mẽ và có hiệu quả cho quá trình đào tạo nhân lực này.

Nhiều phiên thảo luận chuyên đề diễn ra tại sự kiện với những nội dung thiết thực như: Bài trình bày về "Thúc đẩy ứng dụng công nghệ Make in Viet Nam cho CĐS giáo dục tại Việt Nam" của đại diện Bộ TT&TT; các báo cáo chính về kinh nghiệm đầu tư công nghệ giáo dục tại các tập đoàn giáo dục lớn; các khung năng lực số và nền tảng số mở cho CĐS giáo dục tại Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế trong CĐS giáo dục; thanh toán học phí và các dịch vụ về giáo dục không dùng tiền mặt. Phiên Tọa đàm cấp cao với chủ đề: "Kết nối hợp tác, thúc đẩy ứng dụng CNTT tại các trường học của Việt Nam" nhằm giúp tháo gỡ tình trạng "quả trứng con gà" trong vấn đề đầu tư ứng dụng công nghệ giáo dục của các trường hiện nay.

Cái mà cuộc cách mạng CĐS giáo dục đem đến cho loài người nói chung, cho đất nước ta nói riêng còn ở phía trước. Con đường đi thì đã rõ. Các thành tựu của công nghệ mới, sản phẩm mới, mô hình mới trong giáo dục rồi sẽ có, quan trọng là chúng ta sẽ chấp nhận nó và sáng tạo tiếp như thế nào./.