Câu chuyện khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao

Nông trại Thiên Nông của anh Đặng Dương Minh Hoàng (ở Bù Gia Mập, Bình Phước) có diện tích 50 ha, trong đó có 30 ha cao su trồng xung quanh có vai trò như vùng đệm hữu cơ, vùng lõi có 8 ha tiêu và 12 ha bơ được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và Asean GAP. Hiện Bơ Ông Hoàng đã có mặt tại những siêu thị hữu cơ tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và xuất khẩu ra một số nước Đông Nam Á như Thái Lan và Campuchia

h15_3.jpg

Những cây bơ được gắn mã code để người trồng và người tiêu dùng đều nắm rõ được quá trình sinh trưởng, phát triển của trái bơ từ lúc trồng cho đến khi được đặt lên bàn ăn thưởng thức là cách làm mà anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc trang trại Thiên Nông (thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước đã và đang thực hiện.

Chia sẻ về quá trình từ một du học sinh có công việc tốt với mức lương cao nhưng cuối cùng anh lại trở về quê hương và bén duyên với nông nghiệp công nghệ cao, anh Hoàng cho biết: “Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông, có lẽ từ nhỏ tôi đã có mối lương duyên với ngành nông nghiệp, từ chính những buổi theo bố vào vườn lượm điều và thu hoạch những loại cây ăn trái khác. Tôi chứng kiến sự cơ cực của bố mẹ và bà con xung quanh là động lực để tôi quyết tâm học tập và may mắn khi nhận được học bổng qua Pháp du học chuyên ngành Tự động hóa.

Những kiến thức về ngành Tự động hóa ở nước Pháp hay ở nước Nhật giúp tôi tiếp cận với ngành công nghiệp thứ 6. Ở đây, người nông dân đóng vai trò như một chủ thể, một chủ doanh nghiệp sẽ làm tất cả tác vụ từ trồng, trọt, chăn nuôi cho đến việc bán các sản phẩm của mình thông qua việc sơ chế hoặc chế biến sâu hay gắn với mô hình nông nghiệp sinh thái để có thể đưa sản phẩm của mình theo phương châm “từ trang trại đến bàn ăn””.

Ban đầu khi trở về quê hương, Hoàng đã cải tạo, đưa về những giống bơ địa phương, giống bơ bản địa chưa được làm thương hiệu, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, có độ béo, dẻo, ngọt thanh để làm thương hiệu Bơ Ông Hoàng.

 Anh Hoàng cho biết bơ được trồng theo phương pháp hữu cơ. Vì hoàn toàn không sử dụng thuốc hóa học nên việc chăm sóc khá khó khăn, cần phải chăm sóc một cách rất cẩn thận, theo dõi sát sao quá trình phát triển của cây để có những phương án chăm sóc hiệu quả nhất.

Hiện anh Hoàng áp dụng số hóa từng cây, mỗi cây là một trang web, một nhật ký điện tử thông qua hệ thống các phần mềm thông minh để khách hàng có thể biết được chính xác quá trình sinh trưởng của quả bơ và con đường vận chuyển quả bơ đến tay người tiêu dùng ra sao…

Anh Hoàng tâm sự: Thực sự đã có những lúc anh gặp những lúc khó khăn, nhất là thời điểm dịch bệnh COVID-19 xảy ra và thậm chí hiện nay khi giá nguyên nhiên liệu tăng, thị trường xuất khẩu chịu nhiều ảnh hưởng, giá nông sản giảm cũng khiến Hoàng và nhiều chủ trang trại khác tại Bình Phước gặp khó khăn. Thế nhưng anh Hoàng đi theo phương châm xây dựng giá trị thương hiệu nên thời điểm hiện tại nông trại của Hoàng vẫn đảm bảo lợi nhuận và sinh kế bền vững cho người lao động và các đối tác.

Hiện Hoàng quản lý trang trại bằng chuyên môn hóa, mỗi người được giao cho một công việc cụ thể, Hoàng ngoài phụ trách chung còn phụ trách về vấn đề bán hàng, anh cũng sử dụng công nghệ internet vạn vật trong tưới tiêu, hệ thống camera quản lý từ xa… nhờ vậy mà trang trại vận hành hiệu quả.

Hiện anh Hoàng đã phối hợp cùng các tổ chức, cơ quan, chính quyền địa phương và nhà phân phối để đưa Bơ Ông Hoàng  siêu thị, cửa hàng lớn tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bên cạnh đó, sản phẩm này được bán ở rất nhiều kênh khác nhau, như ở các siêu thị thực phẩm sạch: DalatFoodie, Green Food, Foodmap, Wefarmer, Nam An hay các siêu thị lớn như Mega Market, Co.op extra… Ngoài ra, bơ cũng đã được xuất khẩu sang Thái Lan và Campuchia.

Ngoài “Bơ Ông Hoàng Bình Phước” nổi tiếng, anh Hoàng còn sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Sản phẩm hồ tiêu đã ký kết hợp đồng bao tiêu với Nedspice - tập đoàn gia vị hàng đầu của Hà Lan.

Với mong muốn hiện thực hóa quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, tháng 3/2021, Thiên Nông đã kết nối những nông dân tiên tiến trên địa bàn tỉnh để thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước.

Hợp tác xã này chính là đại diện triển khai nền tảng AutoAgri dùng để quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số nông nghiệp. Hợp tác xã đã thí điểm số hóa hơn 1.400 cơ sở gia công chế biến sản phẩm điều của Bình Phước và ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước để hỗ trợ chuyển đổi số cho các nông hộ, doanh nghiệp, kết nối chuỗi nông sản nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu bền vững. 

Với những nỗ lực không ngừng, anh Hoàng vinh dự nhận nhiều giải thưởng giá trị như: Giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn dành cho thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu năm 2021; Đại biểu chương trình Đồng sáng tạo tri thức dành cho lãnh đạo trẻ của JICA năm 2022 trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp;  Giải thưởng “Chọn nước Pháp, chọn thành công” năm 2022 của Tổng Lãnh sự quán Pháp nhằm tôn vinh cựu du học sinh Việt Nam trở về từ Pháp và thành công trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững…/.

 

 

Nguồn: theodangcongsan.vn