Làm giàu nguồn dữ liệu để xây dựng, phát triển ĐTTM

Giờ đây, những vấn đề chung đặt ra đối với việc phát triển các đô thị thông minh, thành phố thông minh (ĐTTM/TPTM) tại Việt Nam luôn là cần thiết và để đạt hiệu quả gia tăng tối đa các lợi ích phát triển, thụ hưởng, nhà nước cần ban hành thêm các quy định, cơ chế, thể chế phù hợp …

 Đó là một phần quan điểm nhận định của TS. Phạm Thái Sơn, chuyên gia cao cấp về phát triển đô thị, UN-Habitat Việt Nam, đồng thời cũng là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển đô thị Việt Nam.

Xây dựng, phát triển ĐTTM/TPTM cần bám sát Nghị quyết số 06-NQ/TW

Theo ông Sơn, việc phát triển ĐTTM/TPTM ở Việt Nam hiện nay cần các giải pháp thực tế, áp dụng  phù hợp với từng địa phương, đặc biệt, gắn liền với các yêu cầu, quy định của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

20221103-pg8.jpg

"Khi chúng ta thực hiện đúng theo các yêu cầu Nghị quyết số 06-NQ/TW, việc chúng ta mở rộng đô thị hay tái phát triển đô thị hoặc hướng đến vận hành, khai thác các ĐTTM/TPTM lâu dài mới bền vững, đáp ứng xu thế của sự phát triển, tiến bộ xã hội", ông Sơn khẳng định.

Cũng theo ông Sơn, để chúng ta thực hiện tốt nhiệm vụ và đạt các mục tiêu phát triển, bước đi quan trọng không thể thiếu chính là sự cần thiết phải đảm bảo có đường hướng cụ thể nhằm lấp đầy các khoảng trống về việc quy hoạch, đồng thời, cần chiến lược phát triển không gian; các đối tác có chuyên môn cao về phát triển đô thị, nhà ở…

Hơn nữa, chúng ta cần hiểu khi phát triển ĐTTM/TPTM, nghĩa là chúng ta đang thực hiện công việc trên nền mặt đất cho nên không thể không có kiến thức, lý thuyết chuyên sâu, chuyên môn về đất. Đất ở đây được hiểu là đất xanh (greenfield) và đất nâu (brownfield).

"Các nhà khoa học đã có những nghiên cứu, nhận định khi phát triển đô thị cần dựa vào các tính chất của 02 loại đất này, vì hai loại đất luôn có những đặc điểm, đặc trưng, tính chất riêng", ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn nhấn mạnh thêm, ở 02 loại đất này luôn có những điểm mạnh, yếu, thách thức tương ứng. Điều này có nghĩa, khi chúng ta phát triển ĐTTM/TPTM dựa trên quan điểm đất xanh hiện nay vẫn chưa phát triển bao gồm (đất nông nghiệp, mặt nước, đất rừng…) và chủ yếu khu vực ven đô, trong khi đó, phát triển ĐTTM/TPTM dựa trên đất nâu hiện nay đã phát triển, bao gồm (đất công nghiệp, thương mại, nhà kho, đất ở…), chủ yếu ở khu vực nội đô.

Với những thuộc tính cơ bản nêu trên, việc phát triển ĐTTM/TPTM khi sử dụng mặt đất xanh thường tạo ra xu hướng phát triển dàn trải và mở rộng đô thị theo phương ngang, có thế mạnh, lợi thế thu hút đầu tư (thủ tục, quy hoạch, bồi thường…).

Tuy nhiên, việc phát triển đô thị theo mặt đất xanh có nhiều điểm yếu: Suy giảm diện tích đất nông nghiệp, diện tích đất tự nhiên; nhu cầu đi laị, sử dụng phương tiện giao thông cá nhân có chiều hướng gia tăng; sử dụng quá mức nguồn lực và các vấn đề liên quan tới ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, việc sử dụng phát triển, xây dựng ĐTTM/TPTM trên nền đất nâu thường theo hướng tái phát triển, chủ yếu phát triển theo hướng đô thị nén (có mật độ hỗn hợp cao) và điểm mạnh được tạo ra là có hiệu quả sử dụng đất và ảnh hưởng tối thiểu tới điều kiện tự nhiên & phát triển đô thị; hướng đến sử dụng giao thông công cộng, đầu tư hạ tầng tập trung hiệu quả.

Nêu ra các điểm mạnh, ông Sơn cũng chỉ ra những điểm yếu, tồn tại đi cùng khi xây dựng ĐTTM/TPTM trên nền đất nâu cần quy hoạch, quản lý, đầu tư công nghệ xây dựng khắt khe, tiêu chí cao và chi tiết, đồng thời, đòi hổi quy trình phức tạp và tiến độ kéo dài.

Như vậy, có thể nói, bên cạnh những điểm mạnh và yếu từ thuộc tính của 02 loại đất nêu trên, ông Sơn thêm quan điểm nhấn mạnh, việc xây dựng các ĐTTM/TPTM tại Việt Nam hiện nay nhất thiết cần phải cẩn trọng, từng bước, đảm bảo có sự tính toán hợp lý và có lộ trình thực hiện để tránh việc thực hiện  theo hướng dàn trải hoặc khi "tái" phát triển thì cái cũ phải tương xứng với cái mới và đồng nhất, đồng bộ.

Cần trao thêm quyền cho các địa phương thực hiện

Ở quan điểm khác trước khi hướng đến các giải pháp đề xuất nhằm phát triển, xây dựng, vận hành bền vững các khu ĐTTM/TPTM của Việt Nam hiện nay và tương lai, ông Sơn còn cho rằng, giờ đây muốn công tác này phát triển, chúng ta cũng cần tập trung lấp đầy các "khoảng trống" trong quy hoạch đô thị, bởi vì hiện nay gần như chiến lược tái phát triển đô thị trong các đồ án quy hoạch chung cho các thành phố tại Việt Nam chưa được tập trung và chưa được thực hiện trọng tâm trọng điểm.

Thực tế ở một số địa phương mới chỉ coi việc tái phát triển đô thị như là các dự án riêng lẻ hoặc các chương trình phát triển cấp ngành (ví như về nhà ở). Hơn nữa, các chỉ tiêu quy hoạch vẫn còn thấp (chủ yếu tại các khu trung tâm đô thị vẫn hiện hữu dừng lại ở con số thấp).

Cùng với đó, các hệ thống pháp lý vẫn chưa đầy đủ, tập trung ưu tiên cho để hỗ trợ cho các công cụ nắm bắt giá trị tăng thêm của đất (Land Value Capture); các chính sách hiện tại vẫn chỉ dừng lại ở một phía khuyến khích phát triển các khu vực "đất xanh" (sử dụng đất/phát triển nhà ở/quy hoạch không gian..)

"Hơn nữa, chúng ta vẫn còn những thách thức, hạn chế trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị đó là: Năng lực kỹ thuật hạn chế; thể chế có liên quan chưa đầy đủ; dữ liệu mỏng; cách tiếp cận tích hợp chưa đồng bộ" ông Sơn phân tích.

Từ quan điểm, góc nhìn trên ông Sơn cho rằng, muốn phát triển ĐTTM/TPTM cần triển khai theo hướng: Bổ sung, làm giàu nguồn dữ liệu phục vụ, hỗ trợ công tác quản trị, quy hoạch và phát triển đô thị; cần trao, tăng cường thêm quyền tự quyết, năng lực cho cấp chính quyền địa phương; tiếp cận tích hợp cho các sở, ngành, địa phương, cơ quan chức năng có liên quan; tối ưu hoá hệ thống giao thông công cộng và hệ thống thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu (GIS) cho hệ thống thoát nước…

Không chỉ vậy, với tư cách là công ty có thế mạnh chuyên về nhà ở, phát triển đô thị, UN-Habitat luôn mong muốn trở thành đối tác hỗ trợ các địa phương xây dựng, tái phát triển, nâng cấp đô thị.

"UN-Habitat luôn mong muốn, sẵn sàng hợp tác cùng các bộ, ngành, địa phương tổ chức, đào tạo, nâng cao năng lực liên quan đến việc quy hoạch, phát triển… Tất cả vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, người dân ngày một văn minh, hiện đại, bền vững", ông Sơn nhấn mạnh./.