Bình Dương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh

Đến thời điểm này, các ban ngành tỉnh Bình Dương chủ động triển khai Tháng cao điểm tiêm vắc xin ngừa COVID-19, phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) và các bệnh truyền nhiễm khác. Qua đợt ra quân, số ca nhiễm SXH giảm đáng kể, tuy nhiên công tác tiêm vắc xin COVID-19 vẫn còn gặp nhiều khó khăn do dân số biến động, thiếu lực lượng nhập liệu nên tỷ lệ tiêm chủng của tỉnh nhập liệu lên hệ thống còn chậm và thấp hơn nhiều so với thực tế.

20221101-m01-ncovi.jpeg

Ảnh minh họa

Hiện nay, ngành Y tế tỉnh Bình Dương đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin liều nhắc lại cho tất cả các đối tượng, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với biến thể mới, phương án thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, bố trí phương tiện, vật tư y tế, thuốc men để có thể đáp ứng tình huống dịch bệnh, đặc biệt các bệnh nhân nặng tại tầng 2, tầng 3. Ngoài ra, ngành Y tế cũng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh SXH nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tập trung vào những nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát dịch. Đối với bệnh tay chân miệng, ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Y tế các địa phương thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn bề mặt bàn ghế, đồ dùng, đồ chơi... tại các trường học trước khi học sinh tựu trường.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, xác định vai trò quan trọng của ngành GD&ĐT trong Tháng cao điểm, Sở đã chủ động ban hành kế hoạch, thống kê nhu cầu tiêm để phân bổ và đăng ký điểm tiêm, tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin cho học sinh, học viên, cán bộ, giáo viên cao điểm từ ngày 17-19/8/2022. Tuy nhiên thực tế cho thấy thời điểm hiện nay học sinh chưa tựu trường nên công tác vận động phụ huynh gặp khó khăn; xảy ra tình trạng thiếu vắc xin, hết vắc xin tại một số điểm tiêm do công tác thống kê đối tượng chưa chính xác. Theo thống kê sơ bộ, đến nay đã tiêm được khoảng 40% tổng số đối tượng. Ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Y tế triển khai tiêm vắc xin cho học sinh, giáo viên đến hết tháng 8/2022.

Theo báo cáo của Sở Y tế, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng, do xuất hiện các biến thể phụ của Omicron có khả năng lây lan nhanh. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 93.720 ca mắc COVID-19, có 20 trường hợp nhiễm biến thể phụ của Omicron, gồm: 04 trường hợp nhiễm BA.1, 09 trường hợp nhiễm BA.2, 01 trường hợp nhiễm BA.4 và 06 trường hợp nhiễm BA. 5. Riêng trong tháng 8/2022, tỉnh ghi nhận 493 ca mắc COVID-19 được công bố, tăng 179% so với tháng 7 (176 ca).

Số bệnh nhân mắc COVID-19 cần điều trị tại bệnh viện cũng đang có xu hướng gia tăng, từ đầu tháng 8 đến nay thu dung điều trị cho 72 bệnh nhân mắc COVID-19, tăng gấp 6 lần so với tháng 7/2022 (12 bệnh nhân) và ghi nhận 01 trường hợp tử vong. Hiện còn 36 bệnh nhân đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện, trong đó tầng 1: 08 bệnh nhân, tầng 2: 17 bệnh nhân và tầng 3: 11 bệnh nhân.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch cao trong khi kết quả tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19 chưa đạt yêu cầu, tỉnh đã kịp thời triển khai Tháng cao điểm phòng, chống dịch và tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trên địa bàn tỉnh; triển khai đợt cao điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh, học viên, cán bộ, giáo viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục.Tính đến ngày 22/8/2022, tỉnh Bình Dương đã triển khai tiêm được 7.274.883 liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó mũi 1: 2.807.323 liều, mũi 2: 2.417.716 liều, mũi 3: 1.733.424 liều và mũi 4: 316.420 liều.

Đối với các dịch bệnh truyền nhiễm khác, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 10.582 ca mắc SXH, tăng 75,6% so với cùng kỳ năm 2021 và đã có 18 ca tử vong (tăng 17 ca so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 10 ca tử vong là trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm 55,5%).

Toàn tỉnh ghi nhận 2.413 ca mắc tay chân miệng (tăng 86,3% so với cùng kỳ năm 2021) và đã có 01 trường hợp tử vong tại TP.Thuận An. Tỉnh chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, Rubella, cúm mùa... có diễn tiến bình thường.

Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế phối hợp với các ngành, địa phương chủ động sắp xếp, tổ chức điểm tiêm vắc xin khoa học, an toàn. Đồng thời rà soát, đánh giá tình hình, xác định nhu cầu tiêm để lên kế hoạch tiêm theo nhu cầu thực tế. Các địa phương căn cứ vào kế hoạch của tỉnh để xây dựng kế hoạch cụ thể cho địa phương mình. Trong công tác tuyên truyền, tiếp tục có chuyên đề, chuyên mục về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân chủ động tiêm vắc xin. Cùng với đó phối hợp tham mưu kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch nói chung, quản lý cơ sở dữ liệu tiêm vắc xin nói riêng./.