Nền tảng "Make in Viet Nam" sẵn sàng cùng Thừa Thiên - Huế CĐS SME

Ông Trần Văn Viển, đồng sáng lập kiêm Giám đốc khu vực miền Nam Base.vn, nhận định Thừa Thiên - Huế là địa phương có nhiều lợi thế để thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và đơn vị này sẵn sàng đồng hành.

 Thông tin trên được ông Trần Văn Viển chia sẻ tại chuyên đề "CĐS DN SME - động lực phát triển kinh tế số" trong Tuần lễ CĐS - Huế 2022 được tổ chức mới đây. 

Là một trong những đơn vị được UBND Thừa Thiên - Huế tin tưởng và lựa chọn để giới thiệu với cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh, Base.vn đã mang đến hội thảo góc nhìn tổng quan và thực tế nhất, được tích lũy từ kinh nghiệm "thực làm - thực học - thực chiến" trong suốt quá trình đồng hành CĐS với hơn 7000 DN trên khắp cả nước.

Quy mô, thâm niên DN không ảnh hưởng đến quá trình CĐS

Sau 6 năm hình thành và phát triển, đồng hành cùng cộng đồng SME đi qua nhiều thay đổi đến từ xu thế thị trường, hành vi khách hàng, nguồn nhân lực mới… đội ngũ Base.vn đã đúc kết được nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế, xác định rõ những yếu tố quyết định sự thành bại của DN khi tiến hành số hóa, đồng thời khẳng định quy mô và thâm niên của một tổ chức không phải là chìa khóa của hành trình xây dựng DN số.

20221031-pg15.jpg

Để làm sáng tỏ nhận định trên, ông Trần Văn Viển đã chia sẻ câu chuyện của chính những khách hàng của mình. Đó là Vemedim Corporation với hơn 30 năm phát triển, đã áp dụng đồng thời ba bộ giải pháp Base Work+, Base Info+ và Base HRM+. Để rồi chỉ sau hơn 1 tháng khởi động dự án Kiến tạo môi trường làm việc số cùng Base, DN này đã tiến hành số hóa toàn bộ dữ liệu, hơn 780 nhiệm vụ trên 79 quy trình được hoàn thành trên ứng dụng Base Workflow, 547 đề xuất được xử lý trên Base Request, 34 phòng ban được thiết lập và gần 2800 công việc được khởi tạo trên Base Wework, và hơn 100 mẫu văn bản được số hóa trên Base Office. Bên cạnh đó, dữ liệu của 100% nhân sự được đưa lên hệ thống và quản lý trên Base HRM.

Đó còn là Đảo Hải Sản - một trong những công ty bán lẻ hải sản lớn và chuyên nghiệp nhất TP. Hồ Chí Minh với 7 năm tuổi. Sau hơn 1 năm sử dụng phần mềm của Base, hiện công ty này đang áp dụng đồng thời hai bộ giải pháp Base Work+ và Base HRM+, với hơn 30 quy trình được chuẩn hóa, tất cả các phòng ban được liên kết trên cùng một mặt phẳng, tiết kiệm 50% thời gian so với cách thức làm việc truyền thống.

Kết quả CĐS của Vemedim và Đảo Hải Sản cho thấy, theo đại diện Base.vn, cơ hội số hóa thành công được "chia đều" cho mọi DN, không phụ thuộc vào quy mô nhân sự, thâm niên, cơ cấu tổ chức hay vị trí địa lý. "CĐS là nhu cầu tất yếu của mọi DN trong bối cảnh mới, dù là DN toàn quốc hay DN tại Thừa Thiên Huế", ông Viển nhận định.

70% DN CĐS thất bại khi cơ hội được chia đều

Theo một báo cáo của Harvard Business Review, trong năm 2021 vừa qua, trên toàn thế giới có tổng 70% ngân sách dành cho việc CĐS bị lãng phí, tương đương 900 triệu USD đã "bay màu" vì các dự án chuyển đổi số. Còn theo số liệu được chính đại diện Base chia sẻ tại hội thảo, cứ mỗi 10 khách hàng triển khai nền tảng Base thì có 2 DN phải tạm ngưng dự án hoặc bỏ ngang giữa chừng.

Lý giải về những trường hợp khách hàng chưa thành công trong khi cơ hội được chia đều cho mọi DN, ông Viển chỉ ra 5 nguyên nhân chính: Lãnh đạo thiếu quyết liệt, ban tiên phong chưa sẵn sàng, khả năng cải tiến quy trình thấp kém, năng lực truyền thông yếu và kỳ vọng sai.

"Là đơn vị cung cấp giải pháp, chúng tôi thực sự rất trăn trở trong việc thấu hiểu và tìm ra giải pháp cho những bài toán của khách hàng. Thậm chí, nhiều DN còn không biết khi nào hoặc điều gì của DN cần CĐS", đại diện Base nhấn mạnh.

Trong số những nguyên nhân khiến hành trình số hóa tại một DN gặp nhiều khó khăn, đồng sáng lập Base nêu rõ tất cả những yếu tố liên quan đến con người là yếu tố quyết định.

"CĐS không phải là DN tiến hành áp dụng công nghệ, đơn vị cung cấp nền tảng triển khai phần mềm cho khách hàng, mà trước hết, đó là phát triển con người và tư duy về quản trị, vận hành tổ chức", ông Viển nhận định.

DN CĐS thành công nằm ở khâu "chuyển đổi"

Hiểu được rằng có đến có đến 92% DN Việt mong muốn hoặc có ý định tìm hiểu CĐS, nhưng phần lớn đều không thực sự hiểu CĐS là gì và nên bắt đầu từ đâu, cũng như hiểu được rằng nội bộ DN còn tồn tại nhiều "nỗi đau" vô hình như khó khăn khi thay đổi tư duy, ban tiên phong chưa sẵn sàng, khả năng cải tiến quy trình thấp, thiếu sự hỗ trợ, đồng hành xuyên suốt, ông Viển đã đề xuất 3 giải pháp giúp lãnh đạo DN tự tin hơn trong hành trình số hóa: hoạch định chiến lược tổng thể, tập trung vào nguồn nhân lực hiện tại và loại bỏ rào cản tư duy.

"CĐS cần phải gắn với chiến lược tổng thể của DN. Tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp lãnh đạo mua ứng dụng dụng công nghệ với mong muốn tối ưu vận hành, nhưng hoạt động này hoàn toàn không liên quan đến chiến lược kinh doanh chung của công ty", đại diện Base giải thích.

Tiếp đó, do công cuộc số hóa tổ chức có tác động đến toàn bộ nhân sự, làm thay đổi thói quen, năng suất và cách thức làm việc, tương tác của họ, lãnh đạo DN cần chắc chắn rằng xuyên suốt quá trình CĐS, đội ngũ nhân viên luôn được đảm bảo về quyền lợi, phúc lợi và nhận được sự đồng hành, giải đáp kịp thời trong mọi trường hợp.

Cuối cùng, để loại bỏ rào cản trong tư duy, lãnh đạo cần xác định rõ mục tiêu CĐS của DN mình và kiên định với nó, đồng thời xác định rõ tư tưởng rằng đầy là một hành trình khó và gian nan, cần sự kiên trì và cần nhiều thời gian. 

"Lãnh đạo cần đặt con người là trọng tâm và coi việc thay đổi tư duy là nhiệm vụ đầu tiên, thay vì tập trung quá nhiều vào giải pháp công nghệ. Suy cho cùng, lý do khiến phần lớn DN CĐS thất bại không nằm ở yếu tố "số", mà nằm ở khâu "chuyển đổi" tư duy của con người", đồng sáng lập Base.vn kết luận./.