Tiếp cận thị trường Halal: Cơ hội và thách thức

Thị trường Halal ngày càng được chú trọng, doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu tiếp cận thị trường Halal toàn cầu, song vẫn chưa tương xứng với lợi thế sẵn có.

u4.png

Trong bối cảnh giao thương quốc tế phát triển nhanh chóng,thị trường Halal ngày càng được chú trọng do dân số Hồi giáo đang tăng nhanh. Doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu tiếp cận thị trường Halal toàn cầu, song vẫn chưa tương xứng với lợi thế sẵn có.

Với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ…; thị trường rộng lớn và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu… Đây là những yếu tố thuận lợi và Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển ngành Halal. Hiện, thực phẩm Halal xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là nông, thủy sản thô và sơ chế.

Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đánh giá, thời gian qua, nhiều nông sản của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu chứng nhận Halal và được người Hồi giáo ưa chuộng. Tuy nhiên, thực phẩm Halal xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là nông, thủy sản thô và sơ chế. Nhiều lĩnh vực như dược, mỹ phẩm, du lịch... Halal còn chưa được quan tâm khai thác.

Theo các chuyên gia, điểm nghẽn lớn nhất để xuất khẩu sản phẩm Halal Việt Nam vào thị trường toàn cầu là việc đạt chứng nhận Halal đa dạng, phù hợp với yêu cầu riêng của từng thị trường. Nhiều sản phẩm của địa phương Việt Nam đã đạt các tiêu chuẩn như OCOP, chứng nhận nông nghiệp hữu cơ... nhưng chưa có chứng nhận Halal. Hơn nữa, đối với tổ chức chứng nhận Halal, lãnh đạo và các chuyên gia đánh giá phải theo đạo Hồi... trong khi nguồn nhân lực đáp ứng các tiêu chí này còn rất hạn chế.

Trong khi đó, các địa phương phản ánh, khó khăn đối với sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Halal là sự thiếu thông tin về thị trường, tiêu chuẩn Halal, đồng thời chi phí trong đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị để sản xuất sản phẩm Halal hiện tương đối cao. Mặt khác, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế xúc tiến thương mại riêng đối với sản phẩm Halal và đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều nước có cơ cấu xuất khẩu tương đồng...

Quy mô thị trường thực phẩm Halal thế giới dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Chi tiêu cho thực phẩm Halal sẽ tăng 3,1%, từ 1.400 tỷ USD năm 2020 lên mức 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Nhu cầu các sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người Hồi giáo mà còn do xu hướng tiêu dùng mới.

Các chuyên gia đề xuất, khả năng hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong lĩnh vực Halal có thể thông qua: Thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương; ký kết các thỏa thuận về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực Halal; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất sản phẩm Halal đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín và các đối tác trên thế giới... Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương… của Việt Nam hướng dẫn quy trình, thủ tục để được cấp chứng nhận Halal; hỗ trợ xúc tiến thương mại vào các thị trường Halal và hỗ trợ thông tin về các hàng rào thương mại, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Hồi giáo.