Tỉnh Kiên Giang: Gắn kết Chương trình OCOP với du lịch cộng đồng

Sự gắn kết giữa sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và du lịch cộng đồng sẽ góp phần nâng cao giá trị, mang lợi ích kinh tế cho người dân. Đến nay, đã có trên 60 sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử như Postmart.VN; kiengiangpromotion.vn; Kigi.com.vn...

h21_2.jpg

Sự gắn kết giữa sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và du lịch cộng đồng sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng địa phương, quảng bá du lịch, mang lợi ích kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Kiên Giang, đến nay, toàn tỉnh đã có 108 sản phẩm được đánh giá và công nhận sản phẩm đạt hạng từ 3 sao trở lên. Trong đó, công nhận chủ yếu ở 3 nhóm sản phẩm: Nông sản tươi sống và nông sản chế biến hiện có 78 sản phẩm, chiếm 72,22%; sản phẩm đồ uống có 12 sản phẩm, chiếm 11,11%; sản phẩm lưu niệm với 18 sản phẩm, chiếm 16,67%. Đặc biệt, trong năm 2021, có 6 sản phẩm nước mắm Phú Quốc đạt hạng tiềm năng 5 sao, Sở NN&PTNT đã trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia xem xét đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia.

Để quảng bá sản phẩm OCOP, trong thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan đưa sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sản phẩm OCOP giới thiệu, trưng bày, quảng bá tại các khu, điểm du lịch. Đến nay, đã có trên 60 sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử như Postmart.VN; kiengiangpromotion.vn; Kigi.com.vn...

“Se duyên” cùng du lịch cộng đồng

Kiên Giang là một trong 4 tỉnh/thành phố được Bộ NN&PTNT lựa chọn ưu tiên thực hiện Đề án Trung tâm thiết kế sáng tạo và Phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Đây là một lợi thế để tỉnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP.

Hiện nay, tỉnh đang phát triển khá mạnh về loại hình du lịch cộng đồng, trong đó tập trung nhiều tại huyện U Minh Thượng, Kiên Hải, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Kiên Giang chưa công nhận được sản phẩm OCOP nào về dịch vụ du lịch cộng đồng. Nguyên nhân là do các cơ sở dịch vụ du lịch chưa quan tâm nhiều về Chương trình OCOP, một số điểm du lịch cộng đồng còn nhỏ lẻ, chưa liên kết các dịch vụ với nhau để cùng phát triển, đa phần các điểm du lịch cộng đồng đều phát triển dựa trên nguồn lực sẵn có như rừng, núi, biển,..

Để có thể khai thác lợi thế sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn trong thời gian tới, đại diện Sở NN&PTNT cho biết, sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu và nâng số lượng sản phẩm được công nhận đến năm 2025 từ 120 sản phẩm lên 290 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên. Trong đó, sẽ tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm của hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ... Đặc biệt, sẽ phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng của từng địa phương, nâng cao chất lượng, giá trị, mẫu mã sản phẩm gắn với phát triển du lịch nông thôn; khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các combo quà tặng, quà lưu niệm từ sản phẩm OCOP gắn với các điểm, khu du lịch cộng đồng tại địa phương và thành phố du lịch như Phú Quốc và Hà Tiên.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương về phát triển mô hình kinh tế du lịch nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ mới, kết hợp với du lịch trải nghiệm và phát triển thương mại điện tử… nhằm nâng cao mức sống người dân nông thôn, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển du lịch nông nghiệp, đặc biệt tại các làng nghề truyền thống, mở rộng không gian du lịch về địa bàn các huyện, thành phố khai thác giá trị văn hóa bản địa gắn với giới thiệu, quảng bá sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm OCOP.

Để phát triển du lịch cộng đồng trong Chương trình OCOP có hướng đi bền vững, cần đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch phù hợp, đồng bộ với mục tiêu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phối hợp tốt các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh liên kết chặt chẽ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn, gắn với các chủ thể OCOP, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý du lịch, quản lý nông nghiệp. Tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối với chủ thể hoạt động du lịch nông thôn đưa du khách đến tham quan, lưu trú, mua sản phẩm OCOP; góp phần phát triển sản phẩm gắn với nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.