Vải thiều Lục Ngạn sẽ được ưu tiên "luồng riêng" vào Trung Quốc

Dự tính từ 15/6 trở đi, Lục Ngạn sẽ thu hoạch vải thiều chính vụ và sẽ kết thúc khoảng cuối tháng 7/2022, với sản lượng ước khoảng 75.000 tấn. Tuy nhiên vấn đề về giá, thị trường tiêu thụ... vẫn luôn là trăn trở của lãnh đạo huyện...

h18.jpg

Thời gian qua, lãnh đạo huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã làm việc với phía Trung Quốc, nước bạn đã đồng ý dành riêng luồng xanh cho vải thiều, nhằm “hóa giải” những khó khăn khi thông quan tại cửa khẩu, tránh ách tắc khi xuất khẩu vải thiều. Xe chở trái vải sau khi làm thủ tục kiểm dịch xong, sẽ được đi đường riêng sang bên kia biên giới, không phải xếp hàng lần lượt như xe chở các loại trái cây và nông sản khác…

Để hiểu rõ hơn về câu chuyện tìm đường ra cho trái vải thiều, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. 

Xin ông cho biết đôi nét về tình hình sản xuất, tiêu thụ trái vải của huyện Lục Ngạn năm nay?

Toàn huyện Lục Ngạn có khoảng 16.000 ha vải thiều, trong đó hơn 12.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; gần 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU; 100% diện tích vải của huyện đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Hiện Lục Ngạn có 35 mã số vùng trồng được Trung Quốc chấp thuận, với diện tích 11.423 ha và 237 cơ sở đóng gói. Ngoài ra, huyện cũng có 30 mã vùng trồng được Nhật Bản chấp nhận, với diện tích 224,5 ha và 1 cơ sở đóng gói.

Dự tính từ 15/6 trở đi, Lục Ngạn sẽ thu hoạch vải thiều chính vụ và sẽ kết thúc khoảng cuối tháng 7/2022, với sản lượng ước khoảng 75.000 tấn. Tính đến ngày 10/6, toàn huyện có 96 điểm cân, thu mua vải. Hiện nay, địa phương đã ký kết biên bản ghi nhớ với nhiều tổ chức, doanh nghiệp về việc tiêu thụ vải thiều với sản lượng khoảng 45 nghìn tấn. Huyện đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về dịch vụ ngân hàng, bến bãi, đá cây, thùng xốp... 

Năm 2022, do tình hình thời tiết khá thuận lợi, cây vải ra hoa, đậu quả tỷ lệ từ 70-90%; dự báo sản lượng quả tươi toàn huyện Lục Ngạn đạt hơn 95.000 tấn. Trong đó, riêng đối với vải chín sớm, năm nay Lục Ngạn thu hoạch 21.000 tấn, đến ngày hôm nay đã tiêu thụ được trên 15 nghìn tấn, giá bán từ đầu vụ đến nay rất ổn định và cao hơn giá năm ngoái.

Mọi năm, cứ sau ngày 5/5 thì thường giá giảm đi, nhưng năm nay giá vẫn ổn định từ đầu vụ đến bây giờ, giá bán sản phẩm dao động từ 20.000 đồng/kg - 35.000 đồng/kg. Nhìn chung, việc tiêu thụ sản phẩm đến nay cơ bản thuận lợi, người sản xuất phấn khởi vì vải thiều được mùa, được giá.

Từ cuối năm ngoái đến nay, Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero-Covid”, khiến trái cây của Việt Nam xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Xin ông cho biết, năm nay huyện Lục Ngạn đã “hóa giải” khó khăn, thách thức này như thế nào?

Nắm nay, chúng tôi xác định thị trường Trung Quốc khó khăn bởi nước bạn đang thực hiện chiến dịch Zero Covid. Vào thời điểm này năm ngoái, Lục Ngạn là tâm dịch Covid, nhưng cũng đã tiêu thụ trót lọt được mùa vải, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá cho năm nay.

Lường trước được những khó khăn đó, năm nay, chúng tôi đã sớm làm việc với nước bạn, trước tiên là một cuộc họp với đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, sau đó tổ chức hội nghị trực tuyến với các đầu mối và các tham tán, lãnh sự quán của ta ở Trung Quốc.

Cuộc thứ 3 là UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến thương mại vải thiều, với trên 60 điểm cầu, riêng nước bạn Trung Quốc có 18 điểm cầu tham gia, để chúng ta thông tin về sản lượng, về chất lượng trái vải, phương thức bán hàng.

Năm nay, phía Trung Quốc thực hiện kiểm dịch rất gắt gao, gồm cả kiểm dịch thực vật và kiểm dịch Covid. Dẫn đến chậm tiến độ thông quan tại cửa khẩu, như ở Cửa khẩu Hữu Nghị quan năng lực kiểm dịch mỗi ngày hiện tại chỉ được 200 xe. Trung Quốc không khống chế lượng hàng chúng ta đưa sang bao nhiêu xe, mà phụ thuộc vào năng lực kiểm dịch của cả 2 bên.

Chúng tôi cũng đã đi xúc tiến làm việc tại các cửa khẩu ở các tỉnh biên giới: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang để mở rộng các cửa khẩu thêm nhiều điểm đưa hàng sang nước bạn.

Chúng tôi là làm việc với nước bạn, họ đồng ý dành riêng luồng xanh cho vải thiều. Xe chở vải thiều lên các cửa khẩu sẽ được tập kết vào bãi đỗ riêng, không chung với các trái cây và nông sản khác. Khi xe nào làm thủ tục kiểm dịch xong,  sẽ được đi đường riêng sang ngay bên kia, chứ không phải xếp hàng lần lượt như xe chở các loại trái cây và nông sản khác.

Chúng tôi cũng thống nhất với các doanh nghiệp, thương nhân thu mua vải, trước khi đưa hàng lên cửa khẩu phải đảm bảo quy chuẩn theo yêu cầu của nước bạn là: không còn lá, cuống ngắn từ 10 cm trở xuống. Thực hiện điều này, kiểm dịch sẽ nhanh. Nhiều năm trước, khi nước bạn chưa có những quy định khắt khe, thì chúng ta vẫn để lẫn lá, cuống quá dài nên khâu kiểm dịch mất nhiều thời gian.

Cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu, thì thị trường trong nước cũng rất quan trọng. Vậy, Lục Ngạn đã có kế hoạch cụ thể gì?

Từ năm ngoái, khi xuất khẩu trái vải sang Trung Quốc gặp khó khăn, chúng tôi đã hướng đến thị trường 100 triệu dân trong nước. Xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm 2018 trở về trước thường chiếm 60-70% tổng lượng vải của Lục Ngạn, tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 30-40%. Nhưng đến năm 2021 thì xuất khẩu chỉ còn 50%, tiêu thụ nội địa chiếm 50%. Năm nay chúng tôi xác định thị trường tiêu thụ trong nước có thể lên đến 60-65%, xuất khẩu chỉ 30-35%.

Mấy tháng qua, lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn đã trực tiếp đi đến các chợ đầu mối ở miền Nam để chào hàng và kết nối tiêu thụ, trong đó có các chơ đầu mối ở Sài Gòn, Đồng Nai, Cần thơ, Sóc Trăng.

Năm ngoái, vải ở Lục Ngạn chỉ bán 15-20 nghìn đồng/kg, nhưng đưa vào Sóc Trăng bán với giá 60-65 nghìn đồng/kg. Nên cán bộ và người dân ở Sóc Trăng nói riêng, miền Nam nói chung rất trông chờ vải thiều từ Lục Ngạn đưa vào.

Nông dân bán vải ở Lục Ngạn thường than phiền việc thương lái trừ lùi khi cân hàng. Quan điểm của Lãnh đạo huyện về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là hàng rào kỹ thuật khi đưa vải thiều đi xuất khẩu. Cụ thể, tại thị trường châu Âu, vải thiều được yêu cầu cắt sát đến từng quả. Tại thị trường Trung Quốc, vải thiều không được để lá, cuống phải cắt ngắn dưới 10cm. Ngược lại, thị hiếu của thị trường trong nước là vải phải có lá mới đẹp. Do đó, khi người dân chưa biết mang vải đi bán cho ai, họ để cuống dài khi thu hoạch, hoặc không phân loại quả khi bó (túm).  

Những năm trước, nếu người dân gặp thương lái Trung Quốc và được trả giá cao hơn, họ có hai lựa chọn. Hoặc là thuê người ngắt lá, cắt cuống, phân loại, dẫn đến hao hụt so với số lượng ban đầu. Hoặc chấp nhận bán ngay 100 kg vải, nhưng bị trừ lùi 5-7 kg, thậm chí nhiều hơn. Việc trừ lùi cân là một giao dịch dân sự, được thỏa thuận giữa hai bên nên không thể xử phạt. Tuy nhiên, huyện cũng có những biện pháp nhằm kiểm soát vấn đề này, đảm bảo lợi ích cho bà con.

Năm nay, huyện Lục Ngạn khuyến cáo doanh nghiệp không trừ lùi cân với những sọt vải chất lượng, mẫu mã tốt. Cùng với đó, tất cả các xã trên địa bàn huyện đều thiết lập tổ công tác, đường dây nóng. Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, Trưởng Công an xã làm tổ phó. Người dân nếu phát hiện sai phạm, có thể thông báo qua đường dây nóng để đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra.

Con đường từ TP Bắc Giang vào đến trung tâm huyện Lục Ngạn và các xã trên địa bàn còn rất chật hẹp, gây khó khăn cho vận chuyển trái vải. Xin ông cho biết địa phương có kế hoạch mở rộng tuyến đường này hay không?

Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Dự án mở rộng nâng cấp quốc lộ 31, từ TP Bắc Giang lên đến xã Hồng Giang có tổng chiều dài 46 km sẽ được đầu tư với số tiền 897 tỷ đồng. Hiện nay tuyến đường đang có bề rộng 7 mét rưỡi, Dự án sẽ mở rộng nâng cấp theo đúng chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với bề rộng 12 m.

Đến thời điểm này, chúng tôi đã giải phóng xong mặt bằng, đang bàn giao mốc giới cho Nhà đầu tư. Nếu không có gì thay đổi thì cuối tháng 6/2022 sẽ khởi công dự án nâng cấp con đường này, và phấn đấu trong 2 năm 2022-2023 sẽ thi công xong.

Năm ngoái, huyện Lục Ngạn đã chủ đông làm làm con đường 289 đi từ thị trấn Chũ sang Tân Mộc để nối với đường 293; và làm tiếp một đường nhánh từ đường 293 vào Mỹ An, đi tiếp đến Nam Dương để tạo ra con đường tránh cho quốc lộ 31. Cùng với đó, địa phương đã và đang mở rộng các tuyến đường nội huyện, giúp cho các phương tiện vào tận từng làng để mua vải, tránh việc thu mua vải trên đường quốc lộ, để giảm tải cho quốc lộ 31.