Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Từ nơi lưu giữ tài liệu báo chí thành điểm đến hấp dẫn

Sáng 16/8, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học “Bảo tàng Báo chí Việt Nam - định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Bảo tàng hiện trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật quý của báo chí cách mạng Việt Nam.

Bao-tang-bao-chi-VN.jpg

Hơn 35.000 hiện vật trưng bày, 18.000 lượt khách tham quan

Ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Lễ công bố Quyết định và ra mắt Bảo tàng đã được tổ chức ngày 16/8/2017. 

Với diện tích gần 1.500m2, sau 5 năm thành lập, các tài liệu, hiện vật trưng bày tại bảo tàng đã dày dặn và hấp dẫn hơn. Bảo tàng gồm 5 nội dung trưng bày, với từng giai đoạn lịch sử rõ ràng: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.

Ngoài các tài liệu, hiện vật quý hiếm như: Tờ Gia Định báo - tờ báo đầu tiên xuất bản bằng chữ Quốc ngữ; Báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam, bảo tàng còn trưng bày rất nhiều hiện vật quý, là những trang thiết bị của người làm báo cách mạng qua các thời kỳ.

Bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc bảo tàng, cho biết tính đến tháng 7-2022, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm trên 35.000 tài liệu. Ngoài ra, tại đây đã tổ chức 20 cuộc trưng bày chuyên đề và tọa đàm khoa học về báo chí. Đến nay, bảo tàng đã thu hút hơn 18.000 lượt khách tham quan, trong đó có hơn 150 lượt khách nước ngoài; hàng nghìn lượt theo dõi trên Facebook, website của bảo tàng.

Năm 2021, chỉ sau 6 tháng hoạt động, bảo tàng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì “đã có thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa báo chí cách mạng Việt Nam”.

“Bảo tàng không chỉ là nơi dành cho việc nghiên cứu mà còn đón tiếp nhiều du khách phương xa. Bảo tàng đã trang bị thêm nhiều thiết bị thông minh để khách có thêm trải nghiệm mới như: Hệ thống màn hình tra cứu số hóa, phòng tra cứu hiện vật, tư liệu bản gốc”, bà Kim Hoa chia sẻ.

Để Bảo tàng Báo chí thành điểm đến hấp dẫn

Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua 5 năm hình thành và phát triển, bước đầu đã xây dựng được không gian lưu trữ thông tin giá trị cho những người làm báo và công chúng cả nước. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều bảo tàng chuyên ngành khác, Bảo tàng Báo chí Việt Nam gặp những vướng mắc, tồn tại, đặc biệt là trong khâu lưu trữ, bảo quản; công tác quảng bá còn hạn chế nên việc hấp dẫn du khách còn khiêm tốn.

Đóng góp cho định hướng phát triển của bảo tàng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam Triệu Hiển cho rằng, trước mắt, bảo tàng cần tiếp tục tổ chức sưu tầm kiện toàn kho hiện vật gốc. 

“Hiện vật tại bảo tàng đa phần là các văn bản (báo chí), do đó, cần ưu tiên sưu tầm các hiện vật thể khối, đó là các công cụ hoạt động báo chí, các phương tiện làm việc của các nhà báo lão thành, các công cụ liên quan đến hoạt động in ấn, phát hành báo chí qua các thời kỳ. Ngoài ra, nguồn tư liệu phong phú về thời kỳ báo chí hoạt động bí mật đang nằm trong kho lưu trữ nước ngoài, vì thế cần có kế hoạch thu thập, sưu tầm những hiện vật này. Để thu hút du khách, Bảo tàng cần tăng cường tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện”, ông Triệu Hiển gợi ý.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho rằng, thời gian tới, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cần hoàn thiện công tác sưu tầm để phát triển như kỳ vọng, trở thành “Ngôi nhà di sản của các thế hệ làm báo”. Đồng thời, bảo tảng cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong cách thức hoạt động, tổ chức các sự kiện để trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút công chúng trong và ngoài nước.

Tại buổi tọa đàm, Hội Nhà báo Việt Nam đã tặng bằng khen của Hội cho tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp ra đời, phát triển của Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Nguồn: Theo Báo Hà Nội Mới