Lan toả chuyển đổi số tại hợp tác xã

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh về năng suất chất lượng để phát triển và thích ứng với thị trường.

h6_1.jpg

Đã có không ít hợp tác xã vượt lên khó khăn nội tại áp dụng chuyển đổi số đáp ứng những yêu cầu mới, hướng tới hội nhập và phát triển bền vững. 

*Những câu chuyện thành công

Là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng chuyển đổi số và mang lại hiệu quả cao, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đã nâng cao sản lượng dưa lưới nhờ chuyển đổi số trong sản xuất.

Ông Nguyễn Quang Kiệt, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn chia sẻ: Với điều kiện sinh trưởng và phát triển trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ trung bình hơn 30 độ C nên hợp tác xã đã đầu tư hệ thống nhà lưới trên diện tích 1.200 m2, có hệ thống tưới nước phun sương tự động. Đặc biệt, bên trong nhà lưới là môi trường vô trùng, trước khi trồng được khử khuẩn, người ra vào phải thay đồ bảo hộ để ngăn vi khuẩn xâm nhập.

Theo ông Nguyễn Quang Kiệt, dưa lưới là loại cây khó trồng, yêu cầu kỹ thuật rất cao từ khâu gieo giống, chăm sóc đến thường xuyên điều chỉnh nhiệt độ, chế độ phân bón khoa học, nhiệt độ phải điều chỉnh theo giai đoạn sinh trưởng.

Hiện tại, hợp tác xã đang trồng 3 loại dưa lưới là Inthenol Hà Lan, King Khang Nguyên, Queen Khang Nguyên. Đây là những loại dưa chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, nhờ khí hậu nắng nóng đặc trưng của địa phương đã tạo nên độ ngọt và hương vị riêng cho sản phẩm dưa lưới của hợp tác xã.

Còn với Hợp tác xã Best One cũng tại tỉnh Quảng Nam đã ứng dụng chuyển đổi số theo hướng lan tỏa sản phẩm đến thị trường chủ yếu bằng phương pháp online, thương mại điện tử. Hợp tác xã đã xây dựng trang website “nonibestone.com” và đây được xem là tài sản vô hình của thương hiệu.
Hợp tác xã còn đăng ký, bán hàng trên Lazada, Shopee, Sendo, chăm sóc, quảng bá bán hàng trên các kênh Facebook, Fanpage, Zalo, Tiktok, Google map, Youtube cũng như xây dựng hệ thống bán hàng online thông qua nhà phân phối.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn có một số mô hình như Hợp tác xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn; Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc; Hợp tác xã Nông - dược Trường Sơn Xanh, huyện Tây Giang hay Hợp tác xã Nấm công nghệ cao miền Trung tại thành phố Tam Kỳ cũng đang chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường trên ứng dụng số, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.

Đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam đánh giá, chuyển đổi số trong kinh tế tập thể là số hóa quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, sử dụng thương mại điện tử. Đặc biệt, hiệu quả từ chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đã được minh chứng và được ví như xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan của sự phát triển.

*Trang bị kỹ năng

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất, mà còn phải ứng dụng công nghệ trong toàn bộ chuỗi giá trị như truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế, quy mô hợp tác xã còn nhỏ lẻ, chủ yếu kinh doanh truyền thống. Sở dĩ vậy bởi cán bộ và thành viên nhiều hợp tác xã có độ tuổi từ 35 trở lên nên ngại cập nhật các ứng dụng kỹ thuật mới, trong khi hạ tầng công nghệ thông tin tại các hợp tác xã còn thiếu.

Thực tế cho thấy, công nghệ số đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bằng chứng là ở miền Trung Tây Nguyên, nhiều hợp tác xã đã bắt đầu phòng chống cháy rừng bằng thiết bị viễn thám; thực hiện kế toán qua các phần mềm; chăm sóc cây trồng, vật nuôi bằng camera; chào bán sản phẩm qua điện thoại thông minh nhằm bắt nhịp công nghệ số trong mọi quy trình sản xuất.

Theo đại diện Hợp tác xã HueTechCo.op,  tỉnh Thừa Thiên-Huế, để chuyển đổi số thành công, các hợp tác xã nên số hóa thông tin khách hàng cũng như sản phẩm - dịch vụ.

Song song đó, các hợp tác xã cần tham gia các sự kiện truyền thông, tích cực quảng bá trên Internet và tham gia các sàn thương mại điện tử như Kinh tế hợp tác (miễn phí), Shopee, Tiki, Lazada, Alibaba, Amazon…

Còn tại thành phố Đà Nẵng, nhằm giúp các hợp tác xã tiếp cận và phát triển công nghệ số, các đơn vị chức năng đã kiến nghị cho hợp tác xã vay vốn tại Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Cùng với đó, thành phố thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý hợp tác xã về nội dung chuyển đổi số và các lớp học tập kinh nghiệm thực tế của hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi số thành công.

Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã Đà Nẵng còn tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ thông qua chuyển đổi số để giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định: Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ xây dựng Đề án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ các hợp tác xã theo từng bước cụ thể.