Hà Nội: Xúc tiến thương mại nông sản trên nền tảng số - Hướng đi hiệu quả

Xúc tiến thương mại nông sản trên nền tảng số là hướng đi hiệu quả, mở ra một kênh bán hàng bền vững và phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay cho ngành Nông nghiệp Hà Nội.

3010h1.jpg

Cùng với việc tổ chức các hoạt động hội chợ, hội thảo, festival sản phẩm nông nghiệp, làng nghề… theo phương thức truyền thống, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang phối hợp với các địa phương cũng như cơ quan chức năng xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại nông sản trên nền tảng số. Đây là hướng đi hiệu quả, mở ra một kênh bán hàng bền vững và phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Kênh bán hàng hiện đại, tính kết nối cao

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam (xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ) Doãn Văn Thắng cho biết, từ việc tham gia các hội chợ, festival trái cây của Hà Nội và cả nước, chuối Vân Nam đã được kết nối, tiêu thụ trực tiếp và qua nền tảng số đến nhiều cửa hàng, siêu thị ở các tỉnh, thành phố. Hiện nay, hợp tác xã đang nghiên cứu, đầu tư máy móc để chế biến chuối sấy dẻo, chuối sấy lạnh..., qua đó nâng cao giá trị và nâng hạng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), mở hướng xuất khẩu tới các thị trường quốc tế...

Không chỉ chuối Vân Nam, nhiều sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Phúc Thọ cũng được “định danh” trên thị trường từ việc tích cực tham gia hoạt động xúc tiến thương mại điện tử. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn thông tin, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, huyện đã phối hợp với ngành Nông nghiệp Hà Nội hướng dẫn nông dân, hợp tác xã, chủ trang trại, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận với công nghệ số nhằm tạo ra các kênh bán hàng hiện đại, có tính kết nối cao. Mới đây, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã hỗ trợ 12 hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện tiếp cận với sàn thương mại điện tử Postmart.vn - Tổng công ty Bưu điện Việt Nam...

Cũng về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh) Lê Văn Tám cho hay, khi bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường, hợp tác xã đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của ngành Nông nghiệp Hà Nội và UBND huyện Đông Anh trong các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá trên nền tảng số. Từ việc giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, diễn đàn mà đến nay nông sản của hợp tác xã đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố và một số quốc gia...

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức hơn 10 hội nghị, hội thảo kết hợp với trưng bày, giới thiệu sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản trên nền tảng số. Để kết nối, xây dựng kênh bán hàng điện tử, ngành Nông nghiệp Thủ đô xác định việc đẩy mạnh số hóa là nhiệm vụ có tính đột phá, cần triển khai quyết liệt. Đến nay, ngành Nông nghiệp thành phố đã tổng hợp được danh sách hộ sản xuất đủ điều kiện theo tiêu chuẩn để hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử... Đặc biệt, cùng với việc tổ chức thành công hội thảo “Chuyển đổi số cho chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội”, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã khớp nối các đơn vị sản xuất với đơn vị tiêu thụ sản phẩm, ký kết 10 hợp đồng và biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực này. Trong đó nổi bật là hợp đồng của các sàn thương mại điện tử với một số doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp để tiêu thụ nông sản.

Tạo đột phá từ ứng dụng công nghệ số

Theo PGS.TS Mai Quang Vinh, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, công nghệ số là giải pháp đột phá cho các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản. Bên cạnh đó, Hà Nội cần hình thành các chuỗi sản xuất khép kín, chất lượng cao, cho ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí ứng dụng công nghệ số.

Xác định giải pháp công nghệ số trong sản xuất cũng như xúc tiến thương mại là yêu cầu có tính tất yếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, đầu năm 2022, UBND huyện Đông Anh đã ban hành kế hoạch về việc hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Bưu điện thành phố Hà Nội Bùi Văn Hoàng thông tin, để hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, Bưu điện thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với các bên liên quan thực hiện một số nhiệm vụ như: Rà soát, đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn; kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn Postmart.vn/ Agri-postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng; đồng thời, phối hợp xây dựng dữ liệu về các hàng hóa, nông sản an toàn, chất lượng cao…

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, để đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung phát triển các kênh xúc tiến thương mại điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số. Cụ thể là tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP; đa dạng hóa các phương thức truyền thông, quảng bá để mở rộng đối tượng khách hàng tham gia các hoạt động giao thương; đồng thời, phát triển chuỗi cửa hàng sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của địa phương trên các kênh thương mại điện tử và điểm du lịch trên địa bàn thành phố… Với các sản phẩm chủ lực, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ xây dựng những thông số về vùng trồng, quy trình sản xuất, chủ thể… tạo điều kiện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Và vấn đề mang tính nền tảng là phối hợp triển khai đồng bộ công nghệ số trong nông nghiệp tại các địa phương; đồng thời nâng cao nhận thức cũng như năng lực ứng dụng kỹ thuật, công nghệ số cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh…