Điện Biên: Khó khăn khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất trong việc quảng bá, mở rộng thị trường, đặc biệt là các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương. Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương bằng kênh TMĐT, các ngành chức năng, doanh nghiệp viễn thông của tỉnh đã phối hợp, nỗ lực đưa các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham

h7_2.jpg

Tín hiệu tích cực

Đẩy mạnh quảng bá, mở rộng thị trường và bán sản phẩm nông sản qua kênh TMĐT, tháng 4 vừa qua, Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel chi nhánh tỉnh Điện Biên đã trực tiếp đến huyện Mường Chà để hỗ trợ các hộ sản xuất đưa sản phẩm dứa Mường Chà tiêu thụ trên sàn giao dịch điện tử. Theo đó, cán bộ Công ty đã trực tiếp hỗ trợ các hộ sản xuất việc khởi tạo gian hàng, tài khoản giao dịch trên sàn giao dịch điện tử Voso.vn, đồng thời lên đơn hàng, đóng gói và vận chuyển, giao hàng đến tay người tiêu dùng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Công ty đã giúp các hộ trồng dứa tại huyện Mường Chà tiêu thụ trên 9 tấn dứa với trên 2.500 đơn hàng bán lẻ trên sàn giao dịch TMĐT.

Chị Lò Thu Trang, phụ trách kênh TMĐT, Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: Bên cạnh việc hỗ trợ bán hàng, Công ty đã lồng ghép tập huấn, giới thiệu về giao diện sàn TMĐT Voso.vn, những tính năng ưu việt, sự thuận tiện và hiệu quả trong việc bán hàng trên sàn TMĐT để người dân, hộ sản xuất tiếp cận và tham gia giao dịch. Cùng với đó, Công ty cũng đã hướng dẫn các hộ sản xuất cách sử dụng, vận hành và quản lý tài khoản, gian hàng trên nền tảng số. Đến nay, đã có nhiều hộ sản xuất dứa tìm hiểu, đăng ký mở gian hàng, tài khoản trên sàn TMĐT Voso.vn.

Ông Lê Minh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Dứa Na Sang (xã Na Sang, huyện Mường Chà) cho biết: Đưa sản phẩm lên sàn giao dịch TMĐT là một giải pháp giới thiệu, quảng bá và bán hàng hiệu quả, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Từ sàn TMĐT, khách hàng trên cả nước sẽ biết, tìm hiểu và sử dụng sản phẩm dứa Mường Chà, qua đó giúp mở rộng thị trường sản phẩm. Thời gian tới, song song với phương pháp bán hàng truyền thông, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp, Hợp tác xã dứa Na Sang sẽ chú trọng đẩy mạnh việc bán lẻ sản phẩm trên sàn TMĐT. Đồng thời, Hợp tác xã sẽ phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tổ chức tập huấn, hướng dẫn các thành viên tiếp cận, tham gia giao dịch trên các sàn TMĐT.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh ta, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất đã quan tâm và đưa các sản phẩm nông sản lên các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Sendo, PostMart.vn, Voso.vn. Đồng thời đa dạng hóa các kênh bán hàng qua các giao diện mạng xã hội như facebook, zalo… Đây được coi là giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm đến rộng rãi và gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sau khi Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông đưa nông sản của tỉnh lên 2 sàn giao dịch TMĐT là PostMart.vn, Voso.vn đã mang lại chuyển biến tích cực. Đến nay, tại sàn PostMart.vn đã có 787 hộ sản xuất được kích hoạt tài khoản; 129 gian hàng được khởi tạo và có 51 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn. Đối với sàn Voso.vn đã có 98 gian hàng và 100 sản phẩm lên sàn.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực song việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận, tham gia giao dịch trên sàn TMĐT vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Vũ Văn Cảnh, Phó phòng Bưu chính - Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông) cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh, Sở đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa nông sản lên sàn TMĐT. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn là: Bưu điện tỉnh và Công ty Cổ phần bưu chính Viettel chi nhánh tỉnh Điện Biên trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp cận và tham gia. Tuy nhiên, qua theo dõi, đến hết ngày 15/4/2022, việc triển khai thực hiện Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử của hai sàn TMĐT PostMart.vn và Voso.vn của 2 đơn vị này còn chậm. Bưu điện tỉnh chỉ mới tổ chức tập huấn được 2/6 huyện (Điện Biên; Nậm Pồ) tại trung tâm các huyện, chưa tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ nông dân tại các xã. Bưu chính Viettel chưa triển khai đào tạo, tập huấn cho các huyện (4 huyện).

Trao đổi về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Dũng, Phó phòng Kế hoạch - Kinh doanh (Bưu điện tỉnh) cho biết: Hiện nay, việc đưa nông sản trên địa bàn tỉnh lên sàn TMĐT vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, sản phẩm nông sản của tỉnh chủ yếu đang sản xuất với quy mô nhỏ, mang tính thời vụ; thông tin về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế nên rất khó để đưa lên sàn TMĐT. Bên cạnh đó, đa số hộ sản xuất đang giữ thói quen bán hàng truyền thống nên việc tiếp cận hình thức bán hàng trên nền tảng số còn rất hạn chế. Chính quyền các huyện, thị xã, thành phố chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong việc đưa sản nông sản lên sàn TMĐT. Hiện nay, UBND cấp huyện giao nhiệm vụ cho Phòng Văn hóa - Thông tin là đấu mối liên hệ, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho người dân, hộ sản xuất. Tuy nhiên, công tác phối hợp chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên nên rất khó tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn tại huyện, xã, phường, thị trấn.

Ông Lê Đình Thịnh, Phó Giám đốc Dịch vụ số và Thương mại điện tử (Công ty Cổ phần bưu chính Viettel chi nhánh tỉnh Điện Biên) cho biết: Năm 2021, Công ty đã xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn tại 4/4 huyện, thị xã, thành phố được giao phụ trách hỗ trợ, song do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên chưa thể tổ chức. Hiện nay, Công ty đang kết nối, phối hợp với chính quyền cấp huyện để tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất về việc đưa nông sản lên sàn TMĐT.