Người nông dân Lạng Sơn và mùa na đầu tiên trên sàn TMĐT Voso

Vụ na năm nay huyện Chi Lăng có hơn 1.800 ha thu hoạch, sản lượng ước đạt hơn 18.000 tấn. Trong đó na trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là hơn 613 ha, diện tích còn lại sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn.

2210h12_1.jpeg

Mặc dù phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt về phòng, chống dịch Covid-19, nhưng việc thu hái, tiêu thụ na trên địa bàn huyện Chi Lăng về cơ bản  diễn ra thuận lợi, giá cả ổn định. Bên cạnh các thương lái thu mua, một số hộ dân đã quảng cáo, bán hàng trên mạng xã hội cũng như thông qua sàn thương mại điện tử Vỏ sò (voso.vn). "Huyện Chi Lăng hiện đứng đầu trong 11 huyện tỉnh Lạng Sơn về kinh tế số. Trái na và nông sản Chi Lăng được nhiều người dân biết đến", ông Vi Nông Trường - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, Lạng Sơn tiết lộ.

Ngoài ra, để việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT diễn ra thuận lợi, huyện không ngừng tổ chức việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nâng tầm thương hiệu na Chi Lăng. Lãnh đạo huyện vận động người dân trồng na theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để đảm bảo chất lượng. Sản phẩm khi xuất ra thị trường có dán nhãn truy xuất nguồn gốc để người dân nhận diện rõ thương hiệu, phân biệt được na Chi Lăng với những giống na từ nơi khác, mang lại sự tin tưởng, đảm bảo cho khách hàng.

Anh Duy tại thôn Chục Quan, xã Yên Vượn, Lạng Sơn cũng là 1 hộ chịu ảnh hưởng do dịch cũng đã từng bước chuyển đổi số, đăng ký bán hàng trên sàn TMĐT Vỏ Sò. Anh chia sẻ “Khác với các loại hoa quả, nông sản khác, na là loại quả khó vận chuyển và bảo quản nhất vì thời gian sử dụng ngắn, quả mềm dễ hư hỏng. Đợt dịch này kéo dài tôi cũng rất lo lắng vì nguồn bán ra bị chậm, trước đây tôi chỉ bán hàng trên facebook, điều chỉnh giá bán theo ngày. Sau khi lên sàn TMĐT Vỏ Sò, tôi cũng đã được các anh chị tại đây hỗ trợ từng bước đăng ký, hỗ trợ vận chuyển từng chuyến hàng lên xe, nhờ dịch vụ vận chuyển của Viettel Post, tôi cũng an tâm khi na được đóng gói, bảo quản an toàn đến tay người tiêu dùng. Đợt này tôi bán được hơn 4 tấn, chủ yếu là bán trên sàn. Trong thời gian tới hy vọng sẽ có doanh thu tốt hơn, tôi cũng hy vọng sàn sẽ có thêm nhiều chính sách riêng dành cho hàng hoa quả.”

Theo thống kê sơ bộ của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng triển khai chương trình phát triển kinh tế số giai đoạn 1, với khoảng 7.400 gian hàng số, tài khoản thanh toán điện tử; tăng gần 5.000 gian hàng so với một tuần trước đó. Hầu hết sản lượng nông sản tiêu thụ qua sàn Vỏ Sò đạt gần 1,5 tấn/ngày chủ yếu là na.