Quảng Ninh: Áp dụng TMĐT vào sản phẩm OCOP, bước ngoặt trong xây dựng nông thôn mới

Ngoài việc tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các kênh tiêu thụ truyền thống như siêu thị, cửa hàng bán lẻ… Hiện nay, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đã áp dụng các trang thương mại điện tử (TMĐT) như: postmart, shope, tiki, sendo và teqni.gov.vn…

2010h6.jpg

Mặc dù giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng đây là là bước ngoặt trong chiến lược phát triển của các hợp tác xã (HTX), thông qua các kênh thương mại điện tử, các HTX có thể đưa sản phẩm ra thị trường một cách hiệu quả nhất, từ đó hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế chung của địa phương và đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đề ra.

Kênh phân phối, phát triển sản phẩm bền vững

Điển hình cho việc áp dụng các sàn thương mại điện tử tại Quảng Ninh có thể kể đến HTX Nông lâm ngư nghiệp Thái An (TP Móng Cái), HTX này có sản phẩm khoai lang lim tươi đạt OCOP 3 sao và sản phẩm khoai lang sấy, ống hút khoai lang, trà khoai lang, tỏi đen, tinh dầu tỏi... Các sản phẩm này đã có mặt ở các sàn thương mại điện tử, nhờ đó, HTX đã xây dựng được các đại lý phân phối trên nhiều tỉnh, thành. Hai năm gần đây, HTX có doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng. HTX cũng đứng ra bao tiêu hàng trăm ha khoai lang của người dân.

 

Năm nay, mặc dù vẫn đang tích cực đầu tư sản xuất, chế biến các loại nông sản nhưng HTX Thái An đã lên phương án, tính toán các giải pháp với kỳ vọng có thể tiêu thụ 70-80% sản phẩm thông qua thương mại điện tử.

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc HTX cho biết, lợi thế của địa phương là có nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng nếu không tính toán phù hợp thì đầu ra rất khó khăn. HTX cũng đã bị tồn hàng do tập trung vào phương thức kinh doanh truyền thống, nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhưng chính khó khăn này đã giúp HTX tìm được hướng đi mới.

“Thông qua sàn thương mại điện tử mà HTX không chỉ liên kết được với người tiêu dùng mà còn ký được các hợp đồng với doanh nghiệp, ông Thái nhấn mạnh.

Tại HTX Thảo mộc Tuệ Lâm, đại diện HTX cho biết, khi đưa lên các trang thương mại điện tử, 16 sản phẩm sản xuất từ thảo mộc, trong đó có 1 số sản phẩm đạt 3 sao OCOP của HTX được tiêu thụ tốt hơn, thị trường được rộng mở. Hoạt động sản xuất của HTX từ đó cũng hiệu quả hơn. Nhờ đầu ra thuận lợi, HTX đã đầu tư thêm dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhằm giúp các HTX nối lại mạch hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm vừa bị "đứt gãy" do 2 năm bị dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức nhiều hội chợ nhằm tạo thêm lòng tin và đưa thêm nhiều sản phẩm đến với người dân, du khách, phát triển kinh tế địa phương.

Theo đại điện UBND tỉnh Quảng Ninh, thông qua các hội chợ sẽ trở thành "cầu nối" hiệu quả kết nối giữa "3 nhà" (nhà sản xuất - đầu mối tiêu thụ - người tiêu dùng) và là nơi định hướng phát triển sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu và yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Các buổi hội chợ sẽ đem lại cho người dân và du khách những trải nghiệm mới mẻ khi tham quan và mua sắm. Đồng thời tạo cơ hội để HTX, doanh nghiệp tìm hiểu, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh theo hướng hiện đại, theo kịp xu hướng của thời đại mới, của nền công nghiệp 4.0. Từ đó, tạo ra các chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, đóng góp không nhỏ cho quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao.

Chất lượng sản phẩm là ưu tiên hàng đầu

Khi đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, bên cạnh các ưu điểm, thuận lợi thì các HTX có sản phẩm OCOP tại Quảng Ninh cũng phải đối mặt thêm với nhiều tiêu chí, thách thức đó là chất lượng sản phẩm cao hơn, sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn so với được phân phối tại các kênh truyền thống.

Chia sẻ về nội dung trên, đại diện một số HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi tham gia vào các sàn thương mại điện tử, đơn vị đã phải tiến hành đầu tư thêm các trang thiết bị máy móc, kỹ thuật, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng, phục vụ người tiêu dùng.

Điển hình như HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Húc Động, huyện Bình Liêu, đại diện đơn vị cho biết với đặc sản miến dong OCOP, toàn bộ diện tích dong riềng của HTX đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và có một phần theo hướng hữu cơ.

Đại diện các HTX cũng bày tỏ mong muốn được các cơ quan ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục có những quy hoạch chiến lược phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ HTX, người dân nâng cao chất hàng hóa nhiều hơn nữa để tăng sao cho sản phẩm.

Năm 2022 là năm nền tảng quan trọng của chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 56 triệu đồng/năm, góp phần đưa tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Do đó, năm nay, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả OCOP gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, hướng mạnh việc sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị; xây dựng nhãn hiệu, bảo đảm quy mô, tính chuyên nghiệp để khẳng định thương hiệu.

Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển mới ít nhất trên 50 sản phẩm, đánh giá phân hạng thêm từ 70-100 sản phẩm đạt từ 3 sao đến 4 sao, phấn đấu có 2-4 sản phẩm tiềm năng 5 sao để tham gia dự thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, phát triển mới ít nhất 15 đơn vị kinh tế tham gia chương trình. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị kinh tế đã tham gia.

Ban Chỉ đạo OCOP phổ biến chính sách về OCOP của tỉnh theo các nghị quyết của HĐND tỉnh, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở sản xuất đảm bảo 85-90% sản phẩm được dán tem điện tử hoặc có mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc. Để triển khai Đề án OCOP giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh cũng chú trọng các giải pháp nhằm hướng tới sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, cơ cấu lại các sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, tích cực ứng dụng KHCN, vệ sinh an toàn thực phẩm, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, chuỗi liên kết có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp, HTX gắn với du lịch, dịch vụ, chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng.

Với những giải pháp cụ thể, bài bản, đồng bộ, OCOP sẽ tiếp tục khẳng định là chương trình kinh tế, thương hiệu riêng của Quảng Ninh, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.