Tổ công nghệ số cộng đồng "Cánh tay nối dài" của Nghị quyết 18

Xác định công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Giang là lấy người dân làm trung tâm, chính vì vậy, những lĩnh vực liên quan đến người dân được xác định ưu tiên trong chuyển đổi số như giải quyết thủ hành chính, y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, môi trường, văn hóa... Để triển khai những vấn đề này, ngày 8.7.2022, UBND tỉnh ban hành công văn về việc thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Việc thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ giúp các xã, phường, thị trấn triển khai công tác chuyển đổi số của tỉnh Hà Giang đến với nhân dân. Đây được xem là "Cánh tay nối dài" để đưa Nghị quyết 18 của BCH Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số vào cuộc sống.

Việc mỗi người dân có 1 chiếc điện thoại thông minh thì không còn hiếm, nhưng để ứng dụng nó cho công tác chuyển đổi số thì còn rất mơ hồ. Đây là thực trạng chung, không chỉ người dân thành phố Hà Giang mà người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Như vậy, nền tảng thiết bị đã có, nhưng để người dân hiểu và ứng dụng các tiện ích của chuyển đổi số thì không hề dễ dàng. Buộc cấp ủy, chính quyền phải có những giải pháp để đưa ứng dụng hữu ích gần với dân theo kiểu “mưa lâu thấm dần”.

20221014-pg2.jpg

Ảnh minh hoạ

Tại phường Minh Khai (thành phố Hà Giang), 22 tổ dân phố thành lập 22 tổ công nghệ số cộng đồng và được chỉ đạo thực hiện ngay các phần việc của mình sau khi thành lập. Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ giúp UBND phường thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, cửa hàng số, thanh toán điện tử, xã hội số. Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch. Hướng dẫn các hộ kinh doanh, sản xuất khai thác các ứng dụng của nền tảng số để thay đổi tư duy, phương thức, quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trên nền công nghệ.

Có mặt tại nhà văn hóa các tổ dân phố những ngày cuối tuần, chưa khi nào hết sôi động. Cụ ông, cụ bà, cái tuổi thấp thập cổ lai hy nhưng vẫn tích cực đến để được Tổ công nghệ số cộng đồng của phường cài đặt, tạo tài khoản trên dịch vụ công trực tuyến cấp Quốc gia, cấp tỉnh và hướng dẫn kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản như định danh điện tử cá nhân, sổ sức khỏe điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4... Và cài các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt qua mã QR. Ban đầu còn nhiều lúng túng, nhưng thao tác nhiều lần rồi cũng quen.

Bà Trương Tuyết Hồng, tổ 15, phường Minh Khai chia sẻ: Do gia đình có siêu thị bán hàng tạp hóa và hàng tiêu dùng nên tôi đăng ký 3 mã QR tương ứng với 3 tài khoản ngân hàng của mình và được Tổ công nghệ số cộng đồng của phường hướng dẫn, cài đặt. Khách hàng muốn thanh toán không dùng tiền mặt thì chỉ việc quét mã QR là chuyển tiền được ngay. Vừa thuận lợi cho khách hàng, vừa quản lý được hàng hóa và tiền thu về. Việc tạo thanh toán qua mã QR cũng khá đơn giản, giúp người dân quản lý đồng tiền của mình, tránh rủi ro khi cầm tiền mặt.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Tổ công nghệ số cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong triển khai dịch vụ công trực tuyến. Theo cán bộ 1 cửa của phường Minh Khai chia sẻ, việc triển khai, tuyên truyền đến nhân dân về lợi ích, ý nghĩa về chuyển đổi số được phường thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng, tuy nhiên trong quá trình thực hiện về chính quyền số còn những khó khăn, đó là một số bộ phận người dân đã được đăng ký tài khoản trên hệ thống dịch vụ công Quốc gia, và của tỉnh nhưng không hay sử dụng dịch vụ nên quên tài khoản hoặc quên mật khẩu.

Bên cạnh đó, trong quy định về dịch vụ công, mỗi người dân có 3 phương án lựa chọn để nộp hồ sơ. Một là gửi hồ sơ qua bưu điện, hai là nộp hồ sơ điện tử, ba là nộp trực tiếp. Theo ghi nhận ở bộ phận một cửa tại phường Minh Khai, đến nay chưa có 1 hồ sơ điện tử chứng thực nào giao dịch. Việc này cũng dễ hiểu, một phần là người dân chưa quen với các thao tác trên dịch vụ công trực tuyến, phần còn lại là một số bộ phận người dân thích giao dịch trực tiếp do nhà không xa trụ sở.

Ở thành phố Hà Giang, nơi trình độ dân trí cao còn gặp những khó khăn khi triển khai dịch vụ công trực tuyến thì ở các xã, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn hơn. Chủ tịch UBND xã Lũng Cú (Đồng Văn) Ma Doãn Khánh, cho biết: Trên địa bàn xã, Tổ công nghệ cộng đồng các thôn, bản đã được thành lập và triển khai các phần việc do xã, huyện và tỉnh triển khai. Tuy nhiên, đến nay một bộ phận nhỏ người dân mới dừng ở việc thanh toán điện tử, còn phần sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các hệ thống thông tin trên nền tảng số thì mới dừng ở mức tuyên truyền để người dân biết, chứ chưa người dân nào áp dụng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.071 thôn, với 12.131 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, với quy mô 4 cấp. Để chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT Hà Giang, Viettel Hà Giang, VnPost – Bưu điện tỉnh, Trang điện tử Cốc Cốc... truyền đạt cho Tổ công nghệ số cộng đồng các nền tảng kiến thức phục vụ cho việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, gồm các nội dung thanh toán không dùng tiền mặt; mua bán trên sàn thương mại điện tử; sử dụng, khai thác các nền tảng số phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số… Đây là những hạt nhân tích cực tại cơ sở, giúp đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Góp phần thiết thực để đưa Nghị quyết 18 của BCH Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống.