Một tư duy thương mại điện tử

Thương mại điện tử được coi là chìa khóa giúp mở ra cơ hội cho hàng ngàn doanh nghiệp Việt tiếp cận được thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là một thị trường hoàn toàn khác biệt với những quy luật khác biệt thương mại truyền thống và cần một tư duy khác, phù hợp với những quy luật này.

510h6.jpg

Từ câu chuyện đầu ra của nông sản Việt

Những ngày đầu năm 2022, tràn ngập trên các mặt báo là tin tức nông sản Việt Nam mắc kẹt tại biên giới phía Bắc, do Trung Quốc siết chặt chính sách phòng dịch trước Tết Nguyên đán.

Sự việc này một lần nữa nhắc nhở chúng ta về bài toán đầu ra cho nông sản Việt. Từ trước đến nay, chúng ta quá phụ thuộc vào việc xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc. Không chỉ là rủi ro bị kẹt biên (hiện trạng mà hằng năm vẫn xảy ra), mà còn là sự mất một phần chủ động trong phát triển nông nghiệp.

Năm này qua năm khác, những tin tức như người nông dân bị ép giá, đổ bỏ hàng trăm tấn sữa, v.v. vẫn lặp đi lặp lại không có lời giải. Những chiến dịch như giải cứu dưa hấu hay giải cứu thanh long vốn chỉ giải quyết được phần ngọn. Chừng nào chúng ta không thể tiếp cận được các thị trường đầu ra chất lượng hơn, thì người nông dân không thể nhận lại được giá trị tương xứng với công sức họ đã bỏ ra.

Xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ vẫn luôn được nhắc đến như là chìa khóa để giải quyết bài toán hóc búa này. Tuy nhiên, truyền thông có vẻ bỏ qua một giải pháp thiết thực hơn vậy nhiều, đó chính là thị trường 100 triệu dân Việt Nam.

Đợt dịch Covid-19 chứng kiến cột mốc lịch sử khi số lượng nông sản được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử tăng kỷ lục. Các sàn lớn như Tiki, Lazada, Shopee bán được hơn chục tấn rau củ mỗi ngày. Người người hình thành thói quen mới - mua bó rau, cân cá trên mạng.

Nói không quá thì sự chuyển dịch này là chìa khóa giúp Việt Nam vượt qua đại dịch và cũng là chìa khóa giúp nông nghiệp Việt cất cánh sau đại dịch.

Thương mại điện tử giúp mở ra thị trường cho những sản phẩm nông sản chất lượng, có thương hiệu và quy trình chuyên nghiệp. Điều này giải quyết vấn đề đầu ra cho những sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ thị trường trong nước - mà trước đây thường bị chết ỉu vì sức bán quá thấp.

Giờ đây, khi tiếp cận được khách hàng, những sản phẩm này có cơ hội phát triển. Những sản phẩm nông nghiệp thứ phát, như xà bông nướp đắng hay thực phẩm ăn liền đóng gói với phần giá trị gia tăng lớn hơn nhiều lần, cũng được hưởng lợi và phát triển.

Tất cả những điều này có thể thúc đẩy được sự phát triển nông nghiệp chất lượng cao và giải quyết được bài toán cho người nông dân.

Không chỉ là nông sản, mà là toàn bộ thị trường

Không chỉ nông sản hưởng lợi từ bước chuyển từ thương mại truyền thống sang thương mại điện tử. Mọi ngành nghề và lĩnh vực đều được hưởng lợi.

Có không thiếu những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang sở hữu các sản phẩm chất lượng, các giải pháp mới nhưng không thể tiếp cận thị trường. Đây là khi thương mại điện tử phát huy tác dụng của nó.

Không cần đầu tư chi phí lớn để phát triển chuỗi cửa hàng, không cần phải tận dụng các mối quan hệ để được đưa vào các hệ thống siêu thị. Chỉ cần một website với chiến lược SEO tốt, hoặc một trang bán hàng trên các sàn thương mại điện tử với chiến lược tối ưu hiệu quả, một doanh nghiệp đã sẵn sàng tiếp cận hơn 70% dân số sử dụng Internet ở Việt Nam.

Trong một bối cảnh như vậy, cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đều được hưởng lợi. Khách hàng có thêm thông tin để ra quyết định mua hàng, còn doanh nghiệp sẽ gặp phải ít rào cản hơn trong việc đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng. Thương mại điện tử sẽ thay đổi toàn bộ thị trường.

Khốc liệt hơn, nhưng cũng công bằng hơn

Một thị trường hoàn hảo như vậy sẽ thúc đẩy cạnh tranh hơn bao giờ hết. Lợi thế về địa lý hay lợi thế người đến trước sẽ không còn phát huy tác dụng. Khách hàng không còn xu hướng trung thành với một thương hiệu. Việc sở hữu một lượng khách hàng lớn trong hiện tại không đảm bảo cho doanh nghiệp sẽ giữ được lượng khách hàng này trong tương lai.

Chỉ còn duy nhất một lợi thế phát huy tác dụng trong bối cảnh này: lợi thế về chất lượng sản phẩm. Những sản phẩm chất lượng hơn khi xuất hiện sẽ nhanh chóng tiếp cận được với khách hàng và thay thế cho những sản phẩm cũ.

Xét về mặt vĩ mô, có vẻ như các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ thất thế, khi những doanh nghiệp lớn có đầy đủ nguồn lực để đầu tư những sản phẩm chất lượng với chi phí rẻ hơn.

Nhưng đồng thời, thị trường vẫn sẽ luôn còn chỗ cho những giải pháp mới - Những giải pháp có thể giải quyết được những vấn đề thực sự của khách hàng. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên về thương mại và các khâu trung gian sẽ gặp khó, nhưng những doanh nghiệp có thể tạo ra giải pháp mới sẽ phát triển mạnh mẽ. Đó chính là sự công bằng của một thị trường hoàn hảo.

Tuy chất lượng sản phẩm sẽ là yếu tố quyết định, để tận dụng được bước chuyển này, các doanh nghiệp cần hiểu được cách thức vận hành khác biệt của thương mại điện tử. Chúng ta sẽ bàn luận về vấn đề này trong phần 2 của bài viết.