OCOP Bắc Kạn lên sàn thương mại điện tử

Bên cạnh phát triển nâng hạng các sản phẩm, tỉnh Bắc Kạn chú trọng đưa sản phẩm thế mạnh lên sàn thương mại điện tử, coi đây là kênh bán hàng mới, hiệu quả, góp phần đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa.

3009u5.jpg

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có 155 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó miến dong Tài Hoan là sản phẩm OCOP 5 sao, được bán rộng rãi trong nước và xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Bên cạnh phát triển nâng hạng các sản phẩm, tỉnh chú trọng đưa sản phẩm thế mạnh lên sàn thương mại điện tử, coi đây là kênh bán hàng mới, hiệu quả, góp phần đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa.

Bắc Kạn đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, tuy nhiên các sản phẩm OCOP còn nhiều hạn chế trong tiếp cận thị trường. Trong khi đó, tác động của dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ nông sản nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng qua kênh bán hàng trực tiếp gặp nhiều khó khăn. Nắm bắt xu thế tất yếu của sự phát triển thương mại điện tử, tỉnh coi đây là kênh bán hàng quan trọng để các doanh nghiệp, HTX kết nối đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Tỉnh đã phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp triển khai xây dựng sàn thương mại điện tử; tập huấn cho các HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác về kỹ năng quảng bá sản phẩm và kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Sendo, Tiki, Voso... Qua đó đưa 56 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

Triển khai thực hiện từ năm 2018, đến nay Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đã lan tỏa sâu rộng, từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương thông qua các sản phẩm đặc trưng. Tỉnh đã ban hành Đề án giai đoạn 2021-2025, đồng thời triển khai thực hiện kế hoạch Chương trình OCOP. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có thêm 24 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 155 sản phẩm.

Việc tỉnh hợp tác triển khai sàn thương mại điện tử (backanmarket.vn) với Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam có ý nghĩa lớn giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất của tỉnh có cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm OCOP đến với khách hàng trong cả nước trên môi trường số. Đồng thời mở ra cơ hội cho các sản phẩm OCOP của tỉnh vươn ra thị trường. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư và đẩy mạnh các hoạt động thương mại; giúp đơn vị sản xuất quản lý thông tin sản phẩm dịch vụ; các doanh nghiệp, HTX thuận lợi tối đa trong việc phân phối sản phẩm với chi phí thấp nhất thông qua việc tích hợp các giải pháp thanh toán logistics; người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Cùng với đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, các hoạt động hỗ trợ xây dựng website bán hàng, tiếp thị sản phẩm và giao dịch mua bán được triển khai trên phạm vi rộng hơn, hiệu quả hơn với chi phí tiết kiệm hơn. Đặc biệt là việc hỗ trợ tham gia Đề án xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu khách hàng nhằm nâng cao khả năng ứng dụng thương mại điện tử, quản lý online đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đã đa dạng hóa các kênh bán hàng như website, facebook… Đơn cử như HTX Nhung Lũy (Ba Bể) là một trong những đơn vị nhanh chóng thích ứng, chuyển đổi hiệu quả từ bán hàng trực tiếp sang bán hàng đa kênh. Năm 2021, HTX ký hợp đồng với 10 tổ hợp tác trồng bí xanh thơm tại các xã Địa Linh, Yến Dương (Ba Bể) với diện tích khoảng 23ha. Dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng nhờ đưa lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, toàn bộ sản phẩm do HTX Nhung Lũy liên kết đã được tiêu thụ ổn định. Hay như HTX Thiên An (Bạch Thông); HTX Nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn)… từ các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, đến nay các đơn vị này đã có trang web và sử dụng mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, từng bước đưa sản phẩm vươn ra thị trường.

Nắm bắt xu thế phát triển, tỉnh tiếp tục đề ra các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phương thức mua bán, phân phối trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số. Theo đó, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Bắc Kạn đã và đang đồng hành triển khai tập huấn, hướng dẫn kỹ năng số; hỗ trợ kết nối, tham gia sàn thương mại điện tử Voso - Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel, Postmart - Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; hướng dẫn kỹ năng kinh doanh, xây dựng, vận hành gian hàng và bán hàng trên các sàn Voso, Postmart. Cụ thể như: Tư vấn bán hàng, bảo quản, lưu kho, vận chuyển, đối soát; xây dựng thương hiệu và thiết kế bao bì sản phẩm, hỗ trợ khách hàng, hỗ trợ chụp ảnh sản phẩm, hỗ trợ niêm yết sản phẩm... Thống nhất cách thức đóng gói, bảo quản, giao nhận, bán hàng; triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo uy tín sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên đưa lên sàn thương mại điện tử các sản phẩm nông sản đạt các chứng chỉ, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… Với sự vào cuộc của các cấp, ngành và các đơn vị liên quan, các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn để kết nối, quảng bá, giao dịch mua, bán, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời qua 2 sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn, các đơn vị bưu chính đã triển khai hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tiêu thụ được 10,6 tấn nông sản như cam, quýt, dưa lưới...

Việc đưa các sản phẩm OCOP, nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử là bước tiến mới để sản phẩm đặc trưng của tỉnh vươn ra thị trường. Qua đó tạo sự đột phá, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.