Thực hiện cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử góp phần đổi mới phương thức làm việc

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ (Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021) yêu cầu cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Theo Chương trình này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.

20220629-m04.jpg

Ảnh minh họa

Để hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, các nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được vận hành, phát triển, góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính nhà nước.

Đến nay, việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số giữa các cơ quan hành chính nhà nước ở cả cấp Trung ương và địa phương đã được triển khai theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm giấy tờ, bảo đảm công khai, minh bạch. Theo Văn phòng Chính phủ, trong 8 tháng đầu năm 2022, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là trên 3,56 triệu văn bản. Tính đến nay đã có hơn 14,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông, trung bình có khoảng 550.000 văn bản/tháng. Theo số liệu cung cấp của các bộ, ngành, địa phương, 98% các đơn vị đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính.

Việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử đã được triển khai quyết liệt tại nhiều bộ, ngành, địa phương như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bình Định, An Giang, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế,...

Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua gần 2 năm triển khai, đã hoạt động liên tục, thông suốt, với 28.000 cán bộ, công chức trên toàn quốc tham gia vận hành, sử dụng hàng ngày, thực hiện các chế độ báo cáo định kỳ, cung cấp các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, báo cáo hàng ngày trên Hệ thống.

Việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử đã giúp tiết giảm chi phí và thời gian xử lý, nâng cao năng suất lao động, tăng cường công khai, minh bạch, cá thể trách nhiệm đơn vị, cá nhân trong giải quyết công việc. Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, phân cấp, phân quyền chưa đầy đủ, rõ ràng, gây bức xúc trong xã hội.

Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục nêu cao quan điểm gắn kết cải cách hành chính, cải cách TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa nền hành chính, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đánh giá nỗ lực cải cách của các cơ quan nhà nước và việc giám sát của người dân, doanh nghiệp để tạo sự công khai, minh bạch. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy chuyển đổi số.