Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý III/2022

Sáng ngày 12/9/2022, tại Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý III/2022. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ TT&TT; lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo các Sở TT&TT; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu; đại diện lãnh đạo cơ quan chuyên trách về CNTT tại các bộ, ngành; đại diện Lãnh đạo Công đoàn TT&TT.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã thông báo quyết định của Ban Bí thư về việc điều động và chỉ định Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ  và giữ chức vụ Phó Bí thư tỉnh Bình Định, giới thiệu để HĐND tỉnh bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2021-2026. Bộ trưởng cũng thông báo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ TT&TT.

Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Chính phủ đối với Ngành, với Bộ TT&TT và đối với cá nhân hai đồng chí Phạm Anh Tuấn và Nguyễn Thanh Lâm, Bộ trưởng khẳng định.

Cần phát triển các nền tảng theo hướng bám sát nhu cầu thực tiễn và thực sự mang lại hiệu quả

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã giới thiệu 3 nền tảng phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của Bộ mà sau khi hoàn thiện, có thể triển khai rộng tại các Bộ, ngành và địa phương trên cả nước. Cụ thể là các nền tảng: Trợ lý ảo về TT&TT (kiki@gov.vn); Nền tảng quản trị tổng thể; Cổng Thông tin về dự án đầu tư ứng dụng CNTT.

20220912-pg10-BT.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị

Trợ lý ảo Kiki được đưa vào thử nghiệm từ tháng 01/2022 và đưa vào sử dụng chính thức từ tháng 4/2022, đối tượng phục vụ chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức của Bộ TT&TT. Đến nay, sau một thời gian huấn luyện và học máy, Kiki đã có thể trả lời được các tri thức cơ bản về văn bản quy phạm pháp luật, về chiến lược, về chức năng nhiệm vụ của Bộ, của các đơn vị thuộc Bộ, về số liệu trong Sách Trắng CNTT&TT, các báo cáo chính thức của Bộ hoặc tri thức chuyên ngành theo các lĩnh vực QLNN của Bộ…

Nền tảng thứ hai đang được phát triển là Nền tảng quản trị và làm việc tổng thể phục vụ cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan nhà nước. Với nền tảng này, cán bộ công chức chỉ cần đăng nhập một lần, trải nghiệm xuyên suốt, đồng bộ các chức năng về thư điện tử, văn bản điện tử, lịch làm việc, họp trực tuyến, đôn đốc, nhắc việc. Nền tảng áp dụng cơ chế phân tích dữ liệu tập trung, do đó cấp trên có thể nhìn rõ cấp dưới đang làm gì, cấp dưới không phải báo cáo lên cấp trên hoạt động của mình, từ đó nâng cao hiệu suất, hiệu năng làm việc. Nền tảng này đã được khởi động từ tháng 6/2022, triển khai dùng thử trong khối các đơn vị công nghệ số từ tháng 9/2022, dự kiến triển khai rộng rãi trong tất cả các cơ quan, đơn vị từ 01/10/2022. 

20220913-PG001.jpg

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng giới thiệu về tiến trình triển khai 3 nền tảng phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của Bộ

Phần mềm Cổng Thông tin về dự án đầu tư ứng dụng CNTT đã khởi động từ tháng 6/2022, hiện đang triển khai dùng thử trong nội bộ Cục Chuyển đổi số Quốc gia từ tháng 8/2022. Theo Thứ trưởng, sử dụng phần mềm này có thể xem thông tin cả nước, từng Bộ, từng tỉnh có bao nhiêu dự án CNTT, số vốn chi cho từng dự án theo thời điểm thống kê, xem danh mục dự án đầu tư ứng dụng CNTT của từng Bộ, tỉnh; xem chi tiết một dự án đầu tư ứng dụng CNTT.

Nhận định về chất lượng, tiến độ của các nền tảng, phần mềm đang được triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, tất cả các nền tảng nói trên cần phải được tiếp cận theo hướng bám sát nhu cầu thực tiễn và thực sự mang lại giá trị, hiệu quả tại các đơn vị sử dụng. Bộ trưởng giao nhiệm vụ, đến tháng 12/2022 phải hoàn thiện các tính năng của trợ lý ảo Kiki và Bộ trưởng sẽ đích thân kiểm tra.

Đối với Nền tảng quản trị và làm việc tổng thể, Bộ trưởng chỉ đạo từ tháng 10/2022 sẽ sử dụng rộng rãi nền tảng này trong nội bộ Bộ TT&TT. Sau 3 tháng sẽ tiếp tục hoàn thiện để phổ biến rộng rãi cho các Bộ và các tỉnh sử dụng.

Đối với phần mềm Cổng Thông tin về dự án đầu tư ứng dụng CNTT, Bộ trưởng chỉ đạo: Cùng với việc sử dụng trong nội bộ Cục Chuyển đổi số Quốc gia, mời một số Bộ, tỉnh có nhiều dự án đầu tư CNTT cùng sử dụng để đóng góp ý kiến. Theo Bộ trưởng, nền tảng sẽ ngày càng thông minh hơn khi có nhiều người sử dụng.

Chuyển đổi số = CNTT + số hoá toàn diện + dữ liệu + đổi mới sáng tạo + công nghệ số

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, năm 2022 là năm tổng tấn công về chuyển đổi số; các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành được Nghị quyết, chương trình về chuyển đổi số. Từ Đảng đến chính quyền đã thông suốt, người dân tập trung sử dụng các nền tảng số có sẵn, còn các Tổ công nghệ số cộng đồng đang “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để giúp người dân lên môi trường số.

Bộ trưởng cũng quán triệt một số nội dung quan trọng về lý luận chuyển đổi số Việt Nam, phân biệt sự khác nhau giữa CNTT và chuyển đổi số.

CNTT thường mang lại giá trị cho nhà quản lý nhiều hơn, phục vụ cho nhà quản lý, tức là đối tượng phục vụ của CNTT là nhà quản lý. Còn chuyển đổi số mang lại giá trị cho người dùng cuối nên phải lấy người dùng làm trung tâm.

Chuyển đổi số là chuyển từ chi phí sáng tạo ra lợi ích và giá trị. Giá trị ấy phải đo lường được thì mới thấy được hiệu quả, nếu gặp các giá trị vô hình thì phải lượng hóa chúng.

Chuyển đổi số là chuyển từ phần mềm riêng lẻ sang các nền tảng dùng chung. Nền tảng số đơn giản tới mức không cần qua quá trình đào tạo. Các bộ ngành địa phương khi làm gì về CNTT cũng cần lưu ý: Có làm theo dạng nền tảng được không.

Chuyển đổi số là chuyển từ ứng dụng công nghệ sang chuyển đổi cách làm việc; Chuyển từ cách làm đơn thuần sang cách làm toàn diện; Chuyển từ máy tính riêng lẻ lên điện toán đám mây; Chuyển từ đầu tư sang thuê; Chuyển từ sản phẩm sang dịch vụ; Chuyển trọng tâm từ tổ chuyên gia sang tổ công nghệ số cộng đồng; Chuyển trọng tâm từ làm thế nào sang làm cái gì; Chuyển từ hệ thống CNTT sang môi trường làm việc số, tư duy làm việc và tương tác ở trên đó; Chuyển từ tự động hóa sang thông minh hóa; Chuyển từ dữ liệu tổ chức sang dữ liệu người dùng.

Chuyển đổi số là chuyển trọng tâm từ chính quyền sang người dân, từ tổ chức sang nhân viên, từ doanh nghiệp sang khách hàng. Chuyển đổi số bao gồm CNTT + số hóa toàn diện + dữ liệu + đổi mới sáng tạo + công nghệ số, Bộ trưởng khái quát./.