Chuyển đổi số ở Yên Bái - Bài 1: Quyết tâm dù “đi sau” nhưng cũng có thể “đuổi kịp tiến cùng”

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 51-NQ/TU, ngày 22/7/2021 về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 51).

20220830-ta7.jpg

Nghi thức khai trương hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị thông minh phục vụ công tác chuyển đổi số tỉnh Yên Bái dịp tháng 3/2022

Mục tiêu phấn đấu “đến năm 2025, cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phấn đấu thứ hạng của Yên Bái vào nhóm 30/63 tỉnh, thành phố của cả nước về chuyển đổi số... Đến năm 2030, thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh; sẵn sàng thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới...”. Yên Bái đã làm thế nào để hiện thực hóa nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số từ Nghị quyết vào cuộc sống? Điều gì khiến Yên Bái đã và đang tạo nên một làn sóng mạnh mẽ mang tên chuyển đổi số trên toàn tỉnh, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng trở nên tốt đẹp hơn?

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, song cũng là một việc mới và khó không chỉ đối với riêng Yên Bái mà còn với nhiều địa phương khác, nhất là các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chuyển đổi số ở Yên Bái là minh chứng rõ nét về quyết tâm chính trị cao độ, sự tích cực, chủ động, mạnh dạn, tìm hướng đi cho những việc làm mới, khó với những quyết sách táo bạo và đầy tính thuyết phục của lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở.

Xuất phát từ quan điểm: Thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với xu hướng phát triển chung của đất nước và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ở một số lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo, nông nghiệp, kế hoạch - tài chính, giao thông vận tải và logistics, tài nguyên - môi trường, sản xuất công nghiệp và thương mại, văn hóa - du lịch; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt, chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình thực hiện.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã khẩn trương chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền và xây dựng Kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy.

Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Chương trình hành động số 15/CTr-UBND ngày 26/10/2021 để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy, trong đó xác định 15 mục tiêu cơ bản đến năm 2025; 10 mục tiêu cơ bản đến năm 2030; 19 nhiệm vụ chung; 69 nhiệm vụ cụ thể giao cho các ban, sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Đồng thời, quy định rõ lãnh đạo phụ trách, chịu trách nhiệm, thời gian, tiến độ hoàn thành đối với từng nhiệm vụ. Đến nay, 100% sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã ban hành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Nghị quyết số 51 và Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Năm 2022 được tỉnh Yên Bái xác định là năm "tổng tiến công" về chuyển đổi số; năm đầu tiên tỉnh Yên Bái đưa ra các chỉ tiêu và giao các chỉ tiêu chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022, đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh: “... Vấn đề cơ bản, quan trọng trong chuyển đổi số của tỉnh chính là xuất phát từ sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị, cho đến cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân bởi vì "Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ”... Tận dụng những thời cơ mang lại từ quá trình chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình hội nhập, là cơ hội để một tỉnh nghèo như Yên Bái dù "đi sau”, nhưng có thể "đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác...”.

Với quyết tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự đồng hành, hỗ trợ của các doanh nghiệp, công tác chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. 30/54 nhiệm vụ của Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 (ban hành kèm theo Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 08/4/2022 của UBND tỉnh Yên Bái) đã hoàn thành trong những tháng đầu năm 2022.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số. Trong đó có kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh - đây là bước triển khai chuyển đổi số nền tảng nhất, không chỉ trong năm 2022 và trong các năm tiếp theo; kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đã chỉ đạo thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng tại các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh; đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng tỉnh Yên Bái; kịp thời kiện toàn Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh; rà quét, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố an toàn thông tin mạng.

Đề án Đô thị thông minh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 07 hạng mục quan trọng, là hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để phục vụ chuyển đổi số của tỉnh; thể hiện sự sẵn sàng trong công cuộc chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 10 mô hình điểm về chuyển đổi số, gồm: Chuyển đổi số cấp xã (phường); Chuyển đổi số cấp huyện; Chuyển đổi số trường học; Chuyển đổi số cơ quan nhà nước; Công dân số; Tổ chuyển đổi số cộng đồng; Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái; Nhà văn hóa số; Gia đình số; Chuyển đổi số doanh nghiệp. Đến thời điểm này, đã có 7/10 mô hình triển khai và đạt kết quả; 3/10 mô hình (nhà văn hóa số; gia đình số; chuyển đổi số doanh nghiệp) đang hình thành, một số nhiệm vụ đã triển khai và đạt những kết quả đáng khích lệ. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương thực sự là điểm sáng, tiên phong, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ về chuyển đổi số với cách làm sáng tạo, phù hợp, bước đầu đạt hiệu quả tích cực...