Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình

Chiều 26/8/2022, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về một số nội dung của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh; đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan.   

20220830-pg10.jpg

Quang cảnh hội nghị

 

Dự thảo báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Luật Giao dịch điện tử năm 2005 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều thống nhất đánh giá: Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch cùng nhiều văn bản khác để đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phát triển công nghệ thông tin nói chung và giao dịch điện tử nói riêng trên nhiều lĩnh vực để xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số nhằm hiện đại hóa hành chính, tiến tới một chính quyền hiện đại, không giấy tờ. Đến nay, 95% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa cơ quan Nhà nước được gửi, nhận hoàn toàn dưới dạng điện tử, không sử dụng văn bản giấy, ước tiết kiệm ngân sách khoảng 24 tỷ đồng. Năm 2021, Ninh Bình xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chuyển đổi số; là một trong 03 tỉnh đầu tiên trên cả nước chính thức kết nối Cổng dịch vụ công tỉnh, hệ thống một cửa điện tử của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính. Các hoạt động thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp, người dân quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng cũng được tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Đến nay đã tạo lập được gần 21.500 tài khoản; đưa hơn 1.100 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn. 7 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 2.200 lượt giao dịch, doanh thu khoảng 430 triệu đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng cho rằng Luật được ban hành từ lâu, một số nội dung đến nay không còn phù hợp, gây khó khăn triển khai, do đó cần có những điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo sửa đổi như: cần mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng không giới hạn các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế, xã hội; tạo hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số; công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống trong môi trường thực; luật hóa các vấn đề thực tiễn yêu cầu và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành; ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử.

Các đại biểu cũng trao đổi làm rõ một số nội dung liên quan đến việc kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang dữ liệu điện tử, từ văn bản giấy sang chứng thư điện tử và ngược lại; việc quản lý sàn giao dịch nông sản điện tử, giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện; các giải pháp để nâng số lượng khách hàng giao dịch thông qua sàn giao dịch thương mại; việc áp dụng hóa đơn điện tử, hợp đồng lao động điện tử...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh Tống Quang Thìn khẳng định: Ninh Bình có quyết tâm chính trị rất cao để thực hiện chuyển đổi số, coi đây là 1 trong 3 khâu đột phá để thúc đẩy phát triển mà cụ thể nhất là triển khai bắt đầu từ cấp xã, có thí điểm xây dựng chính quyền số ở cấp huyện, đồng thời xây dựng trung tâm phục vụ hành chính công với quan điểm “đầu tư ít, hiệu quả cao” để phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Trong quá trình triển khai Luật Giao dịch điện tử, tỉnh đã áp dụng hiệu quả và xác định đây cơ sở pháp lý để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào cải cách hành chính. Tuy nhiên, đến nay Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, nên việc sửa đổi là hết sức cần thiết. Đồng chí cũng làm rõ một số kiến nghị, đề xuất để dự thảo Luật đảm bảo phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao, là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bảo đảm sự phân công, phối hợp, thực hiện, phát triển và ứng dụng giao dịch điện tử trong cả nước.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đánh giá cao sự phối hợp của tỉnh trong chuẩn bị nội dung khảo sát thực tế phục vụ thẩm tra của Đoàn công tác. Khẳng định sự vào cuộc của tỉnh, của các cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện Luật Giao dịch điện tử, phát triển hệ thống dịch vụ công trực tuyến góp phần nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn. Chúc mừng những kết quả đã đạt được trong chuyển đổi số của tỉnh, đồng chí cũng mong muốn trong thời gian tới tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giao dịch điện tử, chuyển đổi số, tạo sự kết nối liên thông giữa các cơ quan đơn vị trong chia sẻ cơ sở dữ liệu để vừa đảm bảo tính bảo mật, vừa phục vụ công tác quản lý điều hành của chính quyền các cấp.

Về Luật Giao dịch điện tử, đồng chí cho biết đã được Quốc hội thông qua năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2006. Luật được xây dựng trên cơ sở Luật mẫu về Thương mại điện tử của Ủy ban Liên hiệp quốc về Luật Thương mại quốc tế, đây được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử. Tuy nhiên sau 16 năm triển khai đã xuất hiện những bất cập, vướng mắc, vì vậy kết quả khảo sát thực tiễn và các ý kiến phản ánh, đề xuất, kiến nghị của tỉnh sẽ là cứ liệu quan trọng để đoàn ghi nhận, tổng hợp đầy đủ vào báo cáo kết quả thẩm tra Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trình Quốc hội trong thời gian tới./.