Dấu mốc ngành Bưu điện từ thời kháng chiến đến thời tách quản lý nhà nước và kinh doanh

Từ năm 1945, ngành Bưu điện đã đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ cho 2 cuộc kháng chiến, sau đó số hóa mạng lưới thành công để đi thẳng vào công nghệ hiện đại.

lich-su-buu-dien-viet-nam-nhung-dau-moc-tu-thoi-khang-chien-den-thoi-so-hoa.jpg

Các điện báo viên của ngành Bưu điện đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ cho kháng chiến

Thông tin liên lạc phục vụ cho kháng chiến

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Chính phủ tiếp quản và giữ nguyên tổ chức Bưu điện của thực dân Pháp là Nha Tổng giám đốc Bưu điện và Sở Vô tuyến điện, giữ nguyên các chức danh viên chức cùng phương thức hoạt động của chế độ cũ để kịp thời phục vụ cơ quan công sở và nhân dân.

Sau đó, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, toàn quốc bắt tay vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Để chỉ đạo cuộc kháng chiến, Trung ương Đảng chia cả nước thành 12 khu. Tháng 2/1946, Chính phủ cho tổ chức thông tin liên lạc thành Ban Giao thông trung ương, các khu, tỉnh, huyện, xã. Các Ban Giao thông do một cấp ủy viên làm Trưởng ban, cán bộ nhân viên được chọn đều là những người mạnh khoẻ, gan dạ, tận tuỵ và trung thành, sẵn sàng đảm đương nhiệm vụ đầy gian khổ hy sinh. Đầu năm 1948, Trung ương Đảng tiến hành sáp nhập các Ban thông tin liên lạc lại thành Ban Giao thông kháng chiến do đồng chí Trần Quang Bình làm Trưởng ban, đồng chí Vũ Văn Quý làm Phó ban thường trực.

Tháng 5/1948, Bộ Giao thông Bưu điện quyết định hợp nhất Ban Giao thông kháng chiến với Bưu điện, cải tổ cơ cấu bộ máy, thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với ngành và lấy tên là Nha Bưu điện Việt Nam.

Ngày 12/6/1951, Chính phủ ra Quyết định sáp nhập ngành Vô tuyến điện hành chính vào ngành Bưu điện và lấy tên là Nha Bưu điện - Vô tuyến điện Việt Nam.

Ngày 20/7/954. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hoà bình được lập lại, nước ta tạm thời chia làm 2 miền và tập kết chuyển quân, lấy vĩ tuyến 17 (Vĩnh Linh) làm giới tuyến quân sự tạm thời.

Ngày 8/3/1955, Chính phủ ra Nghị định số 480-TTg đổi tên Nha Bưu điện - Vô tuyến điện Việt Nam thành Tổng cục Bưu điện nằm trong Bộ Giao thông Bưu điện. Tổng cục Bưu điện vừa làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bưu điện, vừa phục vụ sản xuất kinh doanh. Hệ thống tổ chức ngành Bưu điện gồm 5 cấp: tổng cục, sở, ty, phòng, trạm.

Tháng 9/1955, Chính phủ giao thêm công tác phát hành báo chí cho ngành Bưu điện đảm nhận.

Đến tháng 2/1962, Chính phủ giao tiếp phần quản lý xây dựng kỹ thuật phát thanh, truyền thanh cho Bưu điện và đổi tên Tổng cục Bưu điện thành Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh. Đồng thời, tách Tổng cục Bưu điện khỏi Bộ Giao thông Bưu điện để trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

Riêng ở miền Nam thành lập 2 tổ chức nằm bên cạnh cấp ủy, chính quyền đoàn thể các cấp là Ban thông tin R và Ban giao bưu R tại Trung ương Cục, cũng như ở các cấp khu, tỉnh, huyện. Tổng cục Bưu điện Việt Nam thường xuyên chi viện phương tiện thiết bị máy móc và cán bộ, công nhân viên được đào tạo chính quy cho hai tổ chức này nhằm kịp thời đáp ứng mọi nhu cầu phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.

Tiếp quản miền Nam, tách quản lý nhà nước và kinh doanh

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ban quân quản Bưu điện được thành lập để tiếp quản Tổng Nha viễn thông và Tổng cục Bưu chính các Bưu điện phụ cận, các tỉnh phía Nam của chế độ cũ. Tiếp quản xong, Trung ương Cục miền Nam ra Quyết định số 24 QĐ/75, thành lập Tổng cục Bưu điện miền Nam, Ban Cán sự Bưu điện miền Nam để tập hợp 4 lực lượng: Thông tin R, Giao bưu R, cán bộ miền Bắc chi viện và viên chức Bưu điện của chính quyền cũ.

Ngày 2/8/1976, Hội nghị họp để thống nhất ngành Bưu điện trong cả nước dưới sự chủ trì của các đồng chí: Trần Quang Bình, Vũ Văn Quý và các đồng chí Ba Cao, Hai Minh, Sáu Đại.

Sau khi thống nhất ngành trong cả nước, công việc được tiến hành khẩn trương là tổ chức cán bộ, cơ chế chính sách, phát triển thống nhất mạng lưới và đào tạo bồi dưỡng nhân lực để thích nghi nhiệm vụ mới.

Mạng lưới được phát triển từ đường dây trần, cáp quang, vi ba băng rộng Bắc Nam, các đài thông tin vệ tinh, các tuyến cáp biển đến thông tin di động, thông tin Internet với kỹ thuật từ thô sơ đến hiện đại.

Về bưu chính cũng từng bước thực hiện cơ giới hoá, tự động hoá, từ điện hoa, phát nhanh, thư điện chuyển tiền tiết kiệm bưu điện, bưu phẩm khai giá...

Ngày 7/4/1990, Chính phủ ra Nghị định số 115/HĐBT chuyển Tổng cục Bưu điện thành Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam để ‘công ty hoá’ ngành Bưu điện, tách phần quản lý Nhà nước do Bộ Giao thông Bưu điện đảm nhiệm.

Tháng 8/1987, Chính phủ ra Nghị định 152/HĐBT chuyển giao phần kỹ thuật phát thanh truyền hình sang Bưu điện quản lý.

Ngày 26/10/1992, Chính phủ ra Nghị định lập lại Tổng cục Bưu điện để thực hiện quản lý Nhà nước về Bưu điện và tách Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam ra khỏi Bộ Giao thông vận tải để trực thuộc Tổng cục Bưu điện để phát triển nhanh và kinh doanh có hiệu quả hơn.

Theo tư liệu của ông Hoàng Bạn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện.

Nguồn: theo vietnamnet.vn