Một số khuyến nghị để ngăn chặn xâm hại trẻ em trên mạng

Internet và sự phát triển nhanh chóng của các công cụ truyền thông số đang kết nối mọi người gần nhau hơn. Trẻ em ngày càng thông thạo và phụ thuộc nhiều hơn vào những công nghệ này, và đại dịch COVID-19 đã tạo đà thúc đẩy cho sự chuyển đổi đa khía cạnh trong cuộc sống của trẻ em trên không gian mạng. Tuy nhiên đi kèm với đó là những rủi ro khó lường mà các em có thể gặp phải, đặc biệt là nguy cơ bị bóc lột và xâm hại tình dục (BL&XHTD) trên môi trường mạng.

20220827-t58.jpg

Ước tính có 94.000 trẻ em bị BL&XHTD trên môi trường mạng

Internet là một công cụ hiệu quả giúp trẻ em kết nối, khám phá, học tập và tham gia các hoạt động một cách sáng tạo, theo hướng được trao quyền. Tuy nhiên, việc dành thời gian lên mạng sẽ khiến trẻ em gặp những rủi ro khó lường và mối đe dọa bị tổn hại. Một trong những rủi ro đó là lợi dụng Internet và công nghệ số nhằm phục vụ mục đích BL&XHTD trẻ em.

Theo báo cáo "Nghiên cứu ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam" do mạng lưới toàn cầu về chấm dứt tình trạng bóc lột tình dục trẻ em ECPAT, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) và Văn phòng Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Innocenti công bố ngày 3/8, 89% trẻ em từ 12 - 17 tuổi tại Việt Nam, cả trẻ em trai lẫn trẻ em gái, có sử dụng Internet - tức là các em có truy cập Internet trong 3 tháng qua. Trong số đó 87% sử dụng Internet hàng ngày.

Phần lớn các em thể hiện mình có một số kiến thức về kỹ năng đảm bảo an toàn trên mạng - ví dụ: biết cách báo cáo nội dung độc hại trên mạng xã hội - nhưng chỉ có 36% cho biết đã nhận được thông tin về cách đảm bảo an toàn trên mạng. Mặc dù 77% người chăm sóc có sử dụng Internet hàng ngày, chỉ có 25% khuyến khích trẻ em khám phá và học tập qua Internet, và thậm chí số người gợi ý những cách sử dụng Internet an toàn hay cùng tham gia hoạt động với trẻ em trên mạng còn ít hơn.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy những con số đáng báo động. Theo đó, 1% người dùng là trẻ em từ 12 - 17 tuổi ở Việt Nam là nạn nhân của BL&XHTD. Nếu nhân với dân số quốc gia thì con số này ước tính lên tới 94.000 trẻ bị BL&XHTD chỉ trong 1 năm. Các nhà nghiên cứu cho rằng có khả năng con số này còn cao hơn trẻ ngại chia sẻ về vấn đề này.

Báo cáo cũng cho thấy trẻ em đã chịu nhiều hình thức BL&XHTD qua mạng, cụ thể có 8% trẻ em độ tuổi 12 - 17 sử dụng Internet đã từng nhận được bình luận khiếm nhã về bản thân khiến các em không thoải mái trong năm qua (12 tháng trước khảo sát). 23% trẻ độ tuổi 12 - 17 sử dụng Internet tham gia khảo sát cho biết các em đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng trong năm qua (12 tháng trước cuộc khảo sát). 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn.

Cũng theo kết quả nghiên cứu, phần lớn những trẻ nói các em từng bị BL&XHTD trên mạng đã không tiết lộ với ai hoặc chỉ kể với một người bạn. Rất ít trẻ cho biết các em đã kể với người chăm sóc và/hoặc một kênh chính thức, như: Công an hoặc đường dây trợ giúp. Nhiều khả năng là do trẻ có thể ngại nói cởi mở về chủ đề khá nhạy cảm này.

Việc thiếu báo cáo về tình trạng BL&XHTD qua mạng ở Việt Nam bị ảnh hưởng do sự kỳ thị, thái độ không khuyến khích thảo luận về tình dục, đặc biệt là với trẻ em. Sự kỳ thị từ cộng đồng cũng có thể ảnh hưởng đến những trẻ tiết lộ về việc bị xâm hại và/hoặc khuyến khích nạn nhân không kể lại/trình báo.

"Nghiên cứu ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam" phát hiện ra nhiều trẻ thiếu thông tin, nhận thức, kiến thức về BL&XHTD trẻ em qua mạng. Điều này càng làm tăng tình trạng dễ bị tổn thương của các em. Các nền tảng truyền thông xã hội, Internet ở Việt Nam đang bị lạm dụng để nhắm vào những trẻ dễ bị tổn thương.

Theo báo cáo, các nền tảng mạng xã hội đã được dùng để xác định, kết nối, tạo dựng lòng tin với nạn nhân tương lai. Các tìm kiếm ở cấp độ cơ bản nhất liên quan đến BL&XHTD trẻ em diễn ra phổ biến trong giai đoạn báo cáo, gồm cả các tìm kiếm bằng tiếng Anh về nội dung mô tả hoạt động tình dục với và giữa thanh thiếu niên; với trẻ em và với trẻ sơ sinh.

Ngăn chặn BL&XHTD trẻ em qua mạng: một số khuyến nghị

Các nhà nghiên cứu tham gia dự án "Nghiên cứu ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam" cho rằng những phát hiện này chỉ là một bức tranh nhanh cho thấy hiện trạng BL&XHTD trẻ em qua mạng ở Việt Nam. Do vậy, vấn đề này cần được ưu tiên.

Tại Việt Nam, tháng 6/2021, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia đầu tiên về Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho giai đoạn 2021- 2025. Mục đích của chương trình là bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, bóc lột và xâm hại trên Internet và hỗ trợ các tương tác trực tuyến an toàn, lành mạnh. Thông qua chương trình, chính phủ cam kết xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, thông lệ và sản phẩm để giúp trẻ em khai thác các cơ hội trên không gian số và bảo vệ các em khỏi bị tổn hại. Đây là một bước tiến đầy hứa hẹn.

Theo các nhà nghiên cứu, phòng ngừa chính là chìa khóa để giải quyết BL&XHTD trẻ em trực tuyến ở Việt Nam. Để ngăn chặn hành vi gây tổn hại do BL&XHTD trẻ em qua mạng, báo cáo đã đưa ra những khuyến nghị hành động toàn diện và bền vững từ tất cả các bên - bao gồm gia đình, cộng đồng, đại diện chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật, chuyên gia ngành tư pháp và dịch vụ trợ giúp xã hội, cũng như các doanh nghiệp (DN) trong ngành công nghệ và truyền thông. Tất cả các hành động khuyến nghị có mối liên hệ với nhau và phát huy hiệu quả nhất khi được thực hiện cùng nhau.

Khuyến nghị đối với Chính phủ

Báo cáo khuyến nghị giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT - thông qua Mạng lưới đa cơ quan và liên ngành về ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng – chủ trì việc triển khai Chương trình quốc gia về Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mới được thông qua; lồng ghép các nỗ lực giải quyết BL&XHTD trẻ em qua mạng vào các cơ cấu và chương trình nhằm đồng thời giải quyết các hình thức khác của bóc lột và xâm hại trẻ em. Đồng thời đảm bảo nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng ở quy mô toàn quốc về BL&XHTD trẻ em - bao gồm cả cách thức công nghệ đóng góp vào hoạt động này. 

Chúng ta phải đảm bảo mọi trẻ em được cung cấp kiến thức, bao gồm cả thông tin, kiến thức về giới tính, sự đồng thuận quan hệ tình dục, ranh giới cá nhân; những điều mà người lớn và những người xung quanh trẻ em được và không được làm với các em; rủi ro và trách nhiệm khi chụp, gửi và nhận hình ảnh nhạy cảm; cách từ chối và trình báo/tố cáo về những hành vi không phù hợp. Điều này sẽ giúp trẻ em xác định được những tương tác rủi ro, không phù hợp cả ở trên mạng lẫn ngoài đời, giúp các em có thể bảo vệ bản thân, đồng thời hướng dẫn các em nên tiết lộ thông tin nào.

Bên cạnh đó cần nâng cao tính sẵn có, độ nhạy và hiệu quả của cơ chế trình báo, đảm bảo rằng Tổng đài 111 có thể thực hiện các chức năng cần thiết của một đường dây nóng và đường dây/tổng đài trợ giúp.

Đa dạng hóa các cơ chế để trẻ em bày tỏ mối quan ngại, tìm kiếm trợ giúp và trình báo vụ việc một cách chính thức (như phương pháp trình báo đơn giản, thân thiện với trẻ em qua mạng, ví dụ như qua kênh chat như Tổng đài 111 đã lên kế hoạch).

Chính phủ cũng cần đầu tư nâng cao năng lực của lực lượng cung cấp dịch vụ xã hội. Hoạt động này có thể bao gồm tuyển dụng và đào tạo bài bản cho đủ số lượng cán bộ bảo vệ trẻ em ở cấp địa phương, làm rõ trách nhiệm và quy trình, tăng nguồn cung dịch vụ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và những nơi kém phát triển. Nâng cao năng lực của đội ngũ tuyến đầu thường tương tác với trẻ em để xác định tốt hơn trẻ em gặp nguy cơ hoặc bị BL&XHTD qua mạng.

Khuyến nghị dành cho người chăm sóc, giáo viên, nhân viên y tế và dịch vụ trợ giúp xã hội

Theo đó cần giúp trẻ em, người chăm sóc, giáo viên và những người làm việc với trẻ em hiểu đầy đủ mức độ rủi ro của việc chia sẻ nội dung nhạy cảm, cũng như cách góp phần giảm thiểu tổn hại nhằm hạn chế những hậu quả có thể xảy ra. Đồng thời khuyến khích việc giao tiếp an toàn và liên tục giữa trẻ em và người lớn đáng tin cậy về đời sống trên mạng (và ngoài đời thực) của các em. Việc bình thường hóa những trao đổi về hoạt động trên mạng sẽ tăng khả năng trẻ em chia sẻ những mối lo ngại, rủi ro và trải nghiệm gây hại có thể gặp phải.

Cung cấp cho trẻ em thông tin về đường dây nóng và tổng đài trợ giúp, cũng như các kênh hỗ trợ khác, cho trẻ biết rằng đây là những cách thức an toàn để trẻ chia sẻ tình thế khó khăn của mình, tìm kiếm lời khuyên, hỗ trợ mà không cảm thấy bất tiện như khi chia sẻ với người nhà hoặc cộng đồng (đặc biệt là khi kẻ vi phạm là người nhà hoặc người trong cộng đồng).

Khuyến nghị dành cho các DN

Các DN nên chủ động vận hành các nền tảng chat và mạng xã hội ví dụ Facebook để ngăn chặn các nội dung nhạy cảm xuất hiện trước trẻ em và cần tuân thủ các quy định của chính phủ về cách thức. DN cũng cần đặc biệt ưu tiên nhu cầu của trẻ trong quá trình phát triển sản phẩm. Việc này phải dựa trên bằng chứng về các thực hành/hoạt động kỹ thuật số của trẻ và trải nghiệm của trẻ về BL&XHTD trẻ em qua mạng.

Đồng thời triển khai cơ chế trình báo chính thức trong các nền tảng chat và mạng xã hội một cách rõ ràng, dễ tiếp cận với trẻ em, giải thích bằng từ ngữ phù hợp với trẻ em, giúp các em hình dung được quy trình sẽ diễn ra như thế nào sau khi gửi trình báo. Các nền tảng và đơn vị cung cấp dịch vụ phải nhanh chóng phản hồi trình báo của trẻ em, thể hiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Khuyến nghị cho ngành thực thi pháp luật

Các đơn vị này cần ưu tiên và phân bổ nguồn lực cho một đơn vị chuyên trách và đầu tư vào công tác đào tạo cán bộ công an về cách xử lý các vụ BL&XHTD trẻ em qua mạng trong nhiệm vụ điều tra của mình, cũng như thu thập bằng chứng để truy tố. Giải quyết các vấn đề bảo vệ trẻ em, bao gồm cả BL&XHTD trẻ em qua mạng, thông qua chương trình đào tạo, đồng thời tổ chức đào tạo chuyên sâu rộng rãi hơn.

Bộ Công an cần phân bổ nhân lực và nguồn lực nhằm phục vụ công tác ngăn chặn, quản lý và ứng phó trường hợp BL&XHTD trẻ em qua mạng. Đảm bảo các cơ quan thực thi pháp luật và có đủ nhân sự phù hợp, được hỗ trợ công cụ và trang thiết bị, đào tạo kiến thức và kỹ năng để chủ động tìm kiếm tín hiệu cảnh báo sớm và áp dụng các kỹ thuật nâng cao trong thu thập tình báo, xây dựng bằng chứng để khởi tố thành công vụ việc BL&XHTD trẻ em qua mạng.

Tích cực tham gia hợp tác quốc tế để giám sát nhằm ngăn chặn tội phạm tình dục trẻ em trong quá trình du lịch, gồm cả qua việc quản lý và kiểm soát biên giới, với sự phối hợp từ các bộ liên quan trong và ngoài nước.

Ưu tiên Việt Nam tái kết nối với Cơ sở dữ liệu về bóc lột tình dục trẻ em quốc tế của Interpol (ICSE), tiếp theo là bồi dưỡng/tập huấn nhắc lại về nghiệp vụ xác định nạn nhân và sử dụng cơ sở dữ liệu.

Bên cạnh đó cần thường xuyên thu thập, chia sẻ và phân tích thông tin và thông tin tình báo từ dữ liệu phân tổ trong các báo cáo BL&XHTD trẻ em (cả trực tuyến và trực tiếp) để hiểu được phạm vi mối đe dọa và xu hướng phạm tội.

"Các khuyến nghị từ báo cáo là bằng chứng giúp các nhà hoạch định chính sách, cơ quan thực thi pháp luật, DN công nghệ thông tin và các bên liên quan khác ở Việt Nam xây dựng kế hoạch, giải pháp ứng phó với loại tội phạm này, đặc biệt là vai trò của Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng", bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh./.

Nguồn: Theo https://ictvietnam.vn