Nhận diện các hình thức lừa đảo trực tuyến

Thời gian vừa qua, mặc dù đã có nhiều cảnh báo, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhưng vẫn có nhiều người “sập bẫy” các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội.

1509u14.png

Khi công nghệ ngày càng phát triển, thời lượng và nhu cầu sử dụng Internet của người dân ngày càng tăng lên, mọi hoạt động của con người đều có thể được tối ưu hóa trên chiếc điện thoại di động. Các đối tượng xấu thường lợi dụng điều này dẫn dụ và lừa đảo người dùng qua điện thoại. Đặc biệt thời gian qua, theo ghi nhận của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) - Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ TT&TT, số lượng các hình thức lừa đảo ngày càng tăng và tinh vi.

Từ thực tế đó, NCSC đã đưa ra cảnh báo và cung cấp những thông tin nhận diện các hình thức lừa đảo cũng như một số khuyến nghị nhằm giúp người dùng không sa vào bẫy hoặc trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến.

Nhận diện các hình thức lừa đảo

Lừa đảo qua ứng dụng "tín dụng đen"

Hiện nay trên thị trường, bên cạnh những ứng dụng (app) cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai và minh bạch, đã và đang xuất hiện nhiều app cho vay tiền núp dưới hình thức "tín dụng đen", cho vay với lãi suất "cắt cổ" ngày càng nở rộ và khiến người dân bức xúc.

Theo ghi nhận của NCSC, từ đầu năm 2022 đến nay, có hơn 2.624 người báo cáo lừa đảo qua canhbao.ncsc.gov.vn. Trong đó, số người phản ánh về các app liên quan tới hoạt động tín dụng đen chiếm 30% số lượng cảnh báo về lừa đảo trực tuyến được gửi về. 

Chia sẻ về cách nhận diện các hình thức của app tín dụng đen, NCSC cho biết, khi sử dụng mạng xã hội hoặc nhận được các tin nhắn kèm đường link cài đặt ứng dụng có nội dung như: "Không cần thế chấp, lãi suất không đồng", "Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay"… thì có thể đây là một hình thức của tín dụng đen online.

Theo NCSC, những app tín dụng đen đa phần đều được quảng cáo là lãi suất thấp, giải ngân nhanh, thậm chí có nơi còn cho vay ưu đãi 0% hoặc thủ tục vay đơn giản và không cần tài sản thế chấp, nhưng thực tế thì lãi suất lại rất cao...

Trước khi cho vay, các đối tượng thường thẩm duyệt hồ sơ khách hàng bằng cách yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, năm sinh, nơi làm việc kèm theo số điện thoại,… Để thuận tiện cho việc đòi nợ, các ứng dụng này sẽ yêu cầu người vay cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, các tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện, ảnh CMND/CCCD.

Khi đến hạn thanh toán mà người vay trả chậm hoặc không có tiền để trả sẽ gặp rất nhiều vấn đề rắc rối. Có những đối tượng còn truy cập vào danh bạ điện thoại của người vay và liên hệ, quấy rối, thậm chí đe dọa, xúc phạm những người có trong danh bạ đó (dù không liên quan đến khoản vay) hoặc dùng mạng xã hội để quấy rối, đăng tải trên các tài khoản mạng xã hội nhằm gây áp lực…

Tuyển cộng tác viên sàn thương mại điện tử

Thời gian gần đây, NCSC cũng nhận được nhiều email và cuộc gọi phản ánh về việc các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Telegram,…) để tuyển cộng tác viên (CTV) xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối với hình thức lừa đảo này, NCSC cho biết người dân có thể nhận diện dựa trên một số dấu hiệu sau:

Yêu cầu CTV thanh toán tiền hàng trước: Sau khi trao đổi và người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ, các đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn CTV thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng. Đặc biệt, CTV phải có tài khoản ngân hàng để thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu hoa hồng.

Lợi dụng uy tín của các sàn TMĐT để lấy lòng tin của CTV: Ban đầu đối tượng gửi đường link sản phẩm trên các sàn TMĐT Lazada, Shopee, Tiki, Sendo,… có giá trị từ vài trăm nghìn, vài triệu đồng cho tới vài chục triệu đồng và yêu cầu CTV thực hiện các bước như: xác thực đơn hàng, chuyển tiền vào tài khoản công ty. Ở những nhiệm vụ đầu tiên, với các đơn hàng có giá trị nhỏ, CTV sẽ được hoàn tiền hàng và hoa hồng về tài khoản ngân hàng.

Cứ như vậy cho đến khi CTV làm nhiệm vụ với những đơn hàng có giá trị cao (vài chục triệu đồng) và không còn khả năng chuyển tiền nữa. Lúc này, những đối tượng lừa đảo sẽ không gửi lại tiền hàng và tiền hoa hồng ngay mà lấy lý do bảo trì hệ thống hoặc lý do khác để yêu cầu CTV tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp theo, hứa hẹn xong sẽ trả tiền gốc và hoa hồng hoặc chặn đầu mối liên hệ với CTV

Cuộc gọi lừa đảo

Bên cạnh các hình thức lừa đảo qua app tín dụng đen và tuyển CTV sàn TMĐT, NCSC cũng thường xuyên nhận được phản ánh từ người dân về việc nhận được các cuộc gọi giả mạo.

Mặc dù đa số người dân đã biết đến hình thức lừa đảo này, kể cả những người có kiến thức về công nghệ cũng như cập nhật các tin tức xã hội thường xuyên cũng bị mắc bẫy do những thủ đoạn lừa đảo này ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp.

Trên thực tế, đã rất nhiều người bị đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản từ các cuộc điện thoại. Để khiến người dùng "sập bẫy", đối tượng thực hiện các cuộc gọi lừa đảo này chủ yếu đánh lòng tham hay nỗi sợ hãi.

Theo đó, NCSC đã đưa một số kịch bản phổ biến đang được nhiều đối tượng xấu sử dụng:

Giả mạo lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ nghiêm trọng như buôn ma túy, vi phạm giao thông, gây tai nạn bỏ trốn, lừa đảo xuyên quốc gia,...

Khi nạn nhân nói rằng mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến thì các đối tượng lừa đảo này sẽ yêu cầu người nghe máy làm theo "chỉ dẫn" để chứng minh mình không phải là đối tượng bằng cách điền thông tin cá nhân vào một website giả mạo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý...

NCSC cũng cho biết, người dân cần đặc biệt lưu ý các cơ quan chức năng khi liên hệ đến làm việc đều gửi văn bản hoặc giấy mời, không làm việc thông qua điện thoại với bất kỳ trường hợp vi phạm nào.

Giả mạo nhân viên của sàn TMĐT, trung tâm mua sắm, đài truyền hình, công ty xổ số... gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình nào đó, thúc giục nạn nhân nếu không thực hiện ngay những yêu cầu đưa ra thì sẽ không có cơ hội nhận được phần thưởng giá trị nữa.

Từ đó, chúng yêu cầu nạn nhân cung cấp số OTP gửi về điện thoại hay đưa ra bất kỳ lý do nào khác để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm đánh cắp tiền trong tài khoản.

Ngoài các hình thức lừa đảo trên, NCSC cho biết người dân cũng cần cảnh giác với các cuộc gọi nhỡ quốc tế. Các cuộc gọi, tin nhắn quốc tế sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc 00 ở đầu, hai số tiếp theo không phải là 84 (mã nước Việt Nam), ví dụ như: Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226), Thái Lan (+66)…

Các cuộc gọi này đều được gọi từ thuê bao nước ngoài tới các số điện thoại di động trong nước với mục đích lừa đảo hoặc để người sử dụng gọi lại và phát sinh cước viễn thông.

Một số khuyến nghị

Với thực trạng lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra và người dùng vẫn sập bẫy thường xuyên, NCSC cũng đã đưa ra những khuyến nghị giúp người dân có thể tránh và hạn chế tối đa trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo online.

Theo đó, NCSC cho biết trong trường hợp buộc phải sử dụng loại hình vay tiền qua mạng, để không bị mắc bẫy lừa đảo tài chính online ngày càng tinh vi, người dân cần tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho vay uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…), mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch… Đặc biệt, không để bên cho vay truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân.

Đối với hình thức lừa đảo thông qua tuyển dụng CTV, NCSC khuyến nghị người dân cần nâng cao cảnh giác với những lời mời chào tuyển làm CTV bán hàng online. Đồng thời, thường xuyên chia sẻ, cảnh báo với người thân, bạn bè và mọi người xung quanh về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng để lừa đảo dưới hình thức tuyển CTV online.

Hay đối với hình thức lừa đảo qua cuộc gọi, NCSC khuyến cáo khi người dân gặp phải những cuộc gọi giả làm nhân viên bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm; nhân viên viễn thông, điện lực gọi điện thông báo nợ cước, dọa cắt dịch vụ, dọa cắt điện… thì tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

Cùng với đó, NCSC cũng khuyến nghị người dân cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để nhận biết những dấu hiệu lừa đảo; nâng cao kiến thức và mức độ nhận diện để tránh trở thành nạn nhân bằng việc xem các video kể về quá trình bị lừa đảo của một số youtuber nổi tiếng hoặc các tình huống được xây dựng trên câu chuyện có thật.

Ngoài ra, người dân cũng có thể truy cập website https://congcu.khonggianmang.vn/ dauhieuluadao để thực hiện các bài kiểm tra mức độ nhận biết các hình thức lừa đảo trực tuyến. Đây là một dự án thuộc chuỗi hoạt động của Google hợp tác cùng NCSC.

Đặc biệt, nếu nghi ngờ một trang web có dấu hiệu liên quan đến các hình thức lừa đảo, người dân có thể chủ động cảnh báo tại: canhbao.ncsc.gov.vn; Đồng thời có thể tìm kiếm và kiếm tra các trang web lừa đảo, trục lợi tài chính qua "Danh sách đen" tại tinnhiemmang.vn./.