Cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.641 cuộc tấn công mạng trong 6 tháng đầu năm 2022

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ TT&TT đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.641 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 35,14% so với 6 tháng trước, tăng 37,92% so với 6 tháng đầu năm 2021.

h3_1.jpg

Cũng trong lĩnh vực ATTT, trong tháng 6/2022, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1014/QĐ-BTTTT ngày 02/6/2022 phê duyệt Đề án Bảo đảm ATTT cho đô thị thông minh giai đoạn 2022-2025.

Bên cạnh đó, 4 yêu cầu kỹ thuật đã được xây dựng, gồm: Yêu cầu ATTT cơ bản đối với phần mềm nội bộ; yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm phòng, chống tấn công từ chối dịch vụ; yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm phát hiện và phản ứng sự cố ATTT trên thiết bị đầu cuối; yêu cầu kỹ thuật khi phát triển phần mềm an toàn. Hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn ATTT cho các cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia cũng đã được ban hành.

Cục ATTT đã đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật ATTT mạng và các văn bản hướng dẫn Luật, trong đó tập trung yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiệm vực xác định cáp độ và thực hiện đầy đủ các nội dung thuộc phương án bảo đảm ATTT được phê duyệt. Đồng thời thực hiện đánh giá xếp hạng mức độ sẵn sàng bảo đảm ATTT các bộ, ngành, địa phương năm 2021, phối hợp cung cấp số liệu cho xếp hạng nội dung về ATTT cho chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI).

Cũng trong tháng 6, kế hoạch củng cố và cải thiện xếp hạng ATTT theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cũng đã được ban hành nhằm củng cố và cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng chỉ số ATTT mạng toàn cầu với mục tiêu tăng từ 03 - 05 hạng.

Bên cạnh đó, Cục ATTT đã thành lập đội phản ứng nhanh ứng cứu sự cố với nòng cốt là các chuyên gia trong lĩnh vực, sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị trong mạng lưới và đội ứng cứu sự cố ATTT mạng của Bộ TT&TT; xây dựng và ban hành Hướng dẫn, quy trình thực hiện hoạt động diễn tập thực chiến trong năm 2022 và hỗ trợ các đơn vị tổ chức diễn tập thực chiến.

Cổng Không gian mạng quốc gia đã được nâng cấp phiên bản mới tại địa chỉ https://khonggianmang.vn và đưa vào chạy thử nghiệm từ ngày 01/5/2022. Kết quả thử nghiệm sơ bộ các tính năng đã hoạt động ổn định, có khoảng hơn 150.000 lượt truy cập.

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT ngày 11/7, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ATTT, cho biết năm 2022, Cục ATTT tập trung vào nâng tỷ lệ các hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng và Nhà nước được xây dựng và phê duyệt hồ sơ hệ thống thông tin theo cấp độ ATTT. Tính đến tháng 6/2022 tỷ lệ này đạt 35% trong tổng số hơn 3000 hệ thống và mục tiêu đạt 100% vào cuối năm 2022. Đồng thời giảm số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet (mạng máy tính ma - PV) còn 500.000 địa chỉ, con số này hiện là hơn 700.000 địa chỉ.

Trong tháng 7/2022, về lĩnh vực ATTT, Bộ TT&TT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị về đẩy mạnh hoạt động ứng cứu sự cố ATTT mạng Việt Nam và Chỉ thị về tăng cường công tác bảo ATTT cho thiết bị camera giám sát.

Bộ TT&TT sẽ ban hành: Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24/4/2017 của Bộ TT&TT quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2018/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2018/TT-BTTTT ngày 15/10/2018 của Bộ trưởng Bộ TT&TT quy định Danh mục sản phẩm ATTT mạng nhập khẩu theo giấy phép và trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu sản phẩm ATTT mạng.

Bên cạnh đó, đề xuất "mô hình kiến trúc dữ liệu tổng hợp của người dân" sẽ được hoàn thiện và tiếp tục hướng dẫn các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CKS) có nhu cầu thực hiện cấp chứng thư số bằng phương thức điện tử theo Công văn số 1624/BTTTT-NEAC ngày 29/4/2022.

Theo số liệu của Bộ TT&TT, hiện nay, 22 tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng. Số lượng chứng thư số công cộng tính từ khi cung cấp dịch vụ đến hết 30/6/2022 đạt 4.931.308 chứng thư số, trong đó có 4.470.335 chứng thư số tổ chức và 460.973 chứng thư số cá nhân.

Số lượng chứng thư số công cộng đang hoạt động tính đến 30/6/2020 đạt 1.701.392 chứng thư số, trong đó có 1.399.777 chứng thư số doanh nghiệp và 301.615 chứng thư số cá nhân. Số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ chứng thực CKS theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa tính đến 30/6/2022 đạt 6.447 chứng thư số./.