Dịch vụ 5G Hàn Quốc: Vùng phủ sóng đã lớn nhưng nội dung chưa theo kịp cơ sở hạ tầng

Một thanh niên Hàn Quốc vừa ngồi trên phương tiện công cộng đi đến sở làm vừa xem dịch vụ streaming trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên, thay vì có thể xem streaming sử dụng tín hiệu 5G tốc độ cao, anh ta cố tình sử dụng 4G. “4G là quá tốt để xem video. Kết nối 5G nhanh làm sập pin”, anh chàng 29 tuổi cho biết.

Dịch vụ 5G phủ sóng 90% diện tích đô thị

Hàn Quốc dẫn đầu về vùng phủ sóng 5G, vượt cả Mỹ và Nhật với việc khai trương dịch vụ 5G từ 3 năm trước. Tuy nhiên, đất nước kim chi lại đang thiếu nội dung và dịch vụ 5G phù hợp với người dùng cá nhân.

Theo Bộ Công nghệ và ICT Hàn Quốc, ba nhà mạng di động lớn của Hàn Quốc đã mở rộng vùng phủ sóng 5G đến hơn 90% diện tích đô thị. Lợi thế diện tích tương đối nhỏ và mật độ dân cư đông đúc đã tạo thuận lợi cho việc lắp đặt trạm BTS. Chỉ trong năm đầu tiên thương mại hoá dịch vụ 5G (2019), 3 nhà mạng đã tăng đầu tư đến 50% từ năm 2018. Và mức độ đầu tư cao này vẫn đang tiếp tục.

20220607-pg15.jpg

Ảnh minh hoạ

Lim Hye-sook, Bộ trưởng Bộ Công nghệ và ICT Hàn Quốc giới thiệu về vùng phủ sóng 5G của nước này trong một bài phát biểu quan trọng hồi tháng 3 tại sự kiện Đại hội Thế giới di động, triển lãm viễn thông lớn nhất thế giới. “Hàn Quốc sẽ dẫn đầu xu hướng toàn cầu với công nghệ ICT nổi trội trong khi vẫn duy trì vai trò dẫn dắt hình thành các quan hệ đối tác xuyên biên giới”.

Các nhà mạng di động lớn SK Telecom, KT và LG Uplus đã có tổng cộng 21,56 triệu thuê bao 5G tính đến cuối năm 2021, phủ sóng khoảng 30% trong tổng số 73,15 triệu hợp đồng thuê bao di động trên toàn lãnh thổ nước này. Trong khi đó Mỹ và Nhật mới chỉ đạt mật độ 5G khoảng 20%.

Kích cầu thông qua khuyến mại

Ba đại gia viễn thông Hàn Quốc đã khuyến khích người dân chuyển sang dùng dịch vụ 5G thông qua các chương trình khuyến mại. Theo đó, người dân sử dụng dịch vụ 5G tốc độ kết nối siêu nhanh với chi phí tương đương dịch vụ 4G. Tốc độ tải 5G đạt 800 Mbps, gấp 10 lần so với 4G, chính quyền Hàn Quốc cho biết. Tuy nhiên các nhà mạng viễn thông vẫn chưa tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ 5G trong việc đưa các dịch vụ đến người dùng đầu cuối.

Trong số các dịch vụ 5G được cung cấp, chủ yếu vẫn là truyền hình trực tiếp các sự kiện (live broadcast) hay cung cấp dịch vụ 5G cho các nhà mạng và hoạt động kinh doanh tại địa phương.

Hàn Quốc bắt đầu cung cấp dịch vụ 4G vào năm 2011, đúng thời điểm điện thoại thông minh bắt đầu lên ngôi. Nhu cầu về video, ứng dụng kinh doanh chính là cú huých cho các tiêu chuẩn của ngành viễn thông. Phản ứng khá im ắng của người dùng đối với 5G hoàn toàn trái ngược với sự phấn khích đón chào dịch vụ 4G. Tuy nhiên, ngành viễn thông vẫn đang phát triển mạng 5G để tiếp tục nâng cấp mạng này trong tương lai.

Một đại diện của SK Telecom cho biết, “Cơ sở hạ tầng 5G cơ bản sẽ tạo nền tảng để thúc đẩy đổi mới công nghệ, xe tự lái và đa vũ trụ (metaverse)”. SK Telecom cũng sẽ tổ chức các buổi ca nhạc K-pop có thể tham dự thông qua thiết bị thực tế ảo. Camera độ nét cao có thể bắt kịp di chuyển của nghệ sĩ biểu diễn và có thể được nhắc lại trên avatar trong thế giới đa vũ trụ.

KT đang hợp tác với một startup phát triển nền tảng truyền hình thể thao tích hợp AI. Camera độ nét cao lắp đặt tại các sân vận động để bắt kịp sự di chuyển của vận động viên và bóng. Chương trình AI tự động điều chỉnh chương trình 5G cho phù hợp với sở thích của người xem.

LG Uplus tập trung vào các dịch vụ 5G B2B (business-to-business, doanh nghiệp đến doanh nghiệp). Nhà mạng này lắp đặt thiết bị cảm ứng tại các nhà máy hoá dầu tại thành phố cảng phía đông Ulsan. Các thiết bị sẽ giúp xác định các đường ống hay thiết bị nào đã đến lúc cần thay thế trước khi tai nạn xảy ra.

Tại Cảng Busan, dịch vụ 5G của LG Uplus được sử dụng để điều khiển cần cẩu từ xa tại các cảng container, tăng cường năng lực vận tải hàng hoá.

Hoạt động kinh doanh tại 3 nhà mạng viễn thông chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa. Mục tiêu trước mắt là hoạt động thật tốt tại thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu cơ sở hạ tầng 5G ra nước ngoài.

KT hiện đang hợp tác với Nhà mạng Far EasTone Telecommunications (Đài Loan) trong lĩnh vực 5G, trong đó KT phụ trách phát triển cơ sở hạ tầng và bán nội dung. Nhà mạng LG Uplus thì cung cấp hệ thống viễn thông cho Thai Telecom Advanced Info Service.

Tuy nhiên, muốn thương mại hoá xe tự lái và dịch vụ y tế từ xa cần có môi trường pháp lý hỗ trợ, trong đó có việc hình thành các khu vực nới lỏng quản lý đặc biệt thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp sử dụng 5G.