Ngành Tài chính: Chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính

Trả lời phỏng vấn TBTCVN, Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco cho rằng, Bộ Tài chính được đánh giá rất cao trong khối các bộ, ngành về ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp. Để chớp những cơ hội mới, chúng ta cần phải sử dụng chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.

 PV: Bộ Tài chính luôn coi công tác cải cách hành chính là động lực để phát triển, minh chứng là Bộ vẫn tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Vietnam ICT Index; giữ vị trí thứ 2 Par Index và lần đầu tiên được vinh danh xếp vị trí thứ nhất về mức độ chuyển đổi số năm 2020. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này của Bộ Tài chính?

20221104-ta12_1.jpeg

Luật sư Hà Huy Phong: Trước hết phải khẳng định lại rằng, trong những năm vừa qua, Bộ Tài chính nói chung và Tổng cục Thuế nói riêng là một trong những cơ quan quản lý Nhà nước được nhìn nhận và đánh giá rất cao về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cũng như hoạt động quản lý nhà nước. Những biện pháp cụ thể đó đã tạo nên sự thuận lợi vô cùng lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, làm thay đổi hình ảnh của cơ quan quản lý và tạo ra nhiều thiện cảm từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đó là một minh chứng cụ thể của thực tiễn hành động hướng tới Chính phủ điện tử mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra và quyết liệt triển khai trong thời gian qua.

Tôi không ngạc nhiên với những kết quả xếp hạng như vậy, vì thực tiễn thời gian qua đã chứng minh. Tuy nhiên, tôi chỉ xin lưu ý rằng, kết quả xếp hạng chỉ là đặt trong sự so sánh với các cơ quan khác, nên chưa phản ánh hết khả năng đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của nền kinh tế - xã hội. Chính phủ đang có những biện pháp quyết liệt trong cải cách hành chính nói riêng và thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế, nên các hoạt động quản lý hành chính nhà nước bắt buộc phải chạy đuổi theo với tốc độ nhanh hơn bình thường. Chúng ta đang sử dụng chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.

Nhìn nhận khách quan, Chính phủ điện tử tại Việt Nam vẫn còn nhiều điểm chưa bắt kịp với trình độ chung của nhiều nước trong khu vực và thế giới. Do đó, Bộ Tài chính cần làm quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của công nghệ 4.0 vào hoạt động quản lý Nhà nước, không để hoạt động quản lý Nhà nước trở thành trở ngại của tăng trưởng kinh tế.

PV: Thời điểm dịch Covid-19, những “ứng phó” nhanh nhạy, kịp thời của cơ quan thuế, hải quan, kho bạc như cải cách, giảm bớt, đơn giản hóa các thủ tục về thuế, thủ tục về xuất nhập khẩu, nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến... Nhận xét của ông về điều này ra sao, nhất là ở thời điểm khi dịch bệnh bùng phát, đứt gãy thương mại toàn cầu nghiêm trọng?

Luật sư Hà Huy Phong: Doanh nghiệp gặp khó thì doanh nghiệp cần chủ động tìm biện pháp gỡ. Nhưng khi cái khó nằm ngoài khả năng tự gỡ của doanh nghiệp thì Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ. Các giải pháp về mặt chính sách cũng như hành động thực tiễn từ phía Nhà nước thể hiện sự đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp. Nhà nước không giúp chỉ riêng doanh nghiệp, mà Nhà nước thông qua doanh nghiệp để hà hơi tiếp sức cho nền kinh tế, cho lợi ích chung.

Sự đứt gãy thương mại phản ảnh những vết thương trong hạ tầng mềm của nền kinh tế mà doanh nghiệp không thể tự mình khắc phục để đi qua đại dịch. Nhà nước phải là người đứng ra cáng đáng và xử lý việc đó ở tầm vóc vĩ mô. Chúng ta dễ nhận thấy có điểm khác trong thời gian vừa qua, đó là những nỗ lực của Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng rất quyết liệt và bứt tốc hơn bình thường nên hiệu quả đã phát huy một cách kịp thời. Nền kinh tế chúng ta đã không bị rơi vào suy thoái hoặc khủng hoảng mà đã kịp phục hồi tốc độ tăng trưởng trong một thời gian rất ngắn. Sự tổn thương tới nền kinh tế là có nhưng không quá sâu sắc và chúng ta đã tạo nên những hiệu ứng thần kỳ mà ít quốc gia trên thế giới có thể đạt được.

PV: Để đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp không hề đơn giản. Trên thực tế, trong thực hiện thủ tục hành chính, có doanh nghiệp vẫn cho rằng, “tình hình có cải thiện, song vẫn có những điểm nghẽn, cần cải cách toàn diện hơn”, cá nhân ông có ý kiến gì về điều này?

Luật sư Hà Huy Phong: Như tôi đã nói ở trên, những nỗ lực của Bộ Tài chính thực sự là sự đột phá khi so sánh với các cơ quan khác, nhưng vẫn còn phải quyết liệt và hiệu quả hơn nữa khi so với yêu cầu và đòi hỏi của nền kinh tế. Chúng ta đang ở một thời điểm mà mọi thứ đã vượt ra khỏi mọi khuôn khổ cũ của quá khứ. Chúng ta đang có “một cơ thể phổng phao” và lớn nhanh hơn nhiều so với quãng thời gian trước đó. Do đó, không thể làm với cách cũ và không thể tư duy với lề thói cũ.

Sự mâu thuẫn giữa đòi hỏi của thực tiễn với tư duy và ý thức quản lý được biểu hiện ra bên ngoài bằng sự bất cập về quản lý hành chính nhà nước, mà cụ thể hơn nữa là các thủ tục hành chính mà doanh nghiệp phải thực hiện. Chúng ta đang đứng trước thời cơ mới, vận hội mới, không chỉ là đã vượt qua đại dịch Covid-19 thành công mà cơ hội chuyển từ một nước đang phát triển thành một nước phát triển, thu nhập cao sớm hơn kỳ vọng. Gia tốc của nền kinh tế tăng lên và các động lực phát triển đã sẵn sàng nên các giải pháp cải cách thể chế phải song hành để không trở thành trở kháng của đoàn tàu chung đó.

Nhìn chung, cải cách thể chế luôn bị coi là lạc hậu và chạy theo sự phát triển của nền kinh tế. Nhưng nếu cải cách thể chế tiến kịp hoặc đi trước thì đó lại là dấu hiệu của nền kinh tế bị trì trệ hoặc chậm phát triển. Các giải pháp cải cách hành chính chỉ là một biểu hiện nhỏ của cải cách thể chế và cần phải được tinh giản một cách tối đa. Sự trở ngại lớn nhất của nền kinh tế là sự thiếu hụt của các nguồn lực nên chúng ta cần tập trung một năng lực vào đó để cải thiện tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Các thủ tục hành chính là trở kháng cần phải loại bỏ và việc này hoàn toàn có thể làm được bằng ứng dụng công nghệ, bằng chuyển đổi số.

PV: Xin cảm ơn ông!