Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 5/2022

Sáng ngày 30/5/2022, tại Hà Nội, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị giao ban quản lý nhà nước (QLNN) tháng 5/2022 với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng: Phan Tâm, Phạm Anh Tuấn, Phạm Đức Long; lãnh đạo cấp trưởng/cấp phó các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ, Công đoàn ngành TT&TT.

Bo-truong-thong-bao-nhanh.jpg

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Những hoạt động nổi bật trong công tác QLNN

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ, trong tháng 5/2022, các lĩnh vực QLNN của Bộ có nhiều hoạt động nổi bật.

Lĩnh vực Bưu chính: Tổ chức triển lãm tem bưu chính quốc gia 2022 và phát hành bộ tem Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - SEA Games 31; phê duyệt Kế hoạch Triển khai hiệu quả việc giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Bưu chính công ích đảm nhận một số công việc tại Quyết định số 468/QĐ-TTg năm 2022; hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Quyết định số 37/2021/QĐ-TTg;…

Lĩnh vực Viễn thông: Tháng 4/2022 các doanh nghiệp đã phủ sóng 1.438/2.418 thôn lõm sóng trên toàn quốc đạt 59,5% kế hoạch; đến tháng 4 năm 2022 chỉ còn 6.914 SIM điện thoại có thông tin thuê bao không đúng quy định, chiếm 0,005% tổng số thuê bao di động đang hoạt động của các doanh nghiệp; trong tháng 4 năm 2022, các doanh nghiệp viễn thông đã gửi gần 41,46 triệu tin nhắn khảo sát đến các thuê bao nghi ngờ bị nhận cuộc gọi rác, số lượng tin được phản hồi là gần 1,35 triệu tin, các nhà mạng đã chặn hơn 26 nghìn thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác;…

Lĩnh vực Ứng dụng CNTT: Tổng giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) từ đầu năm 2022 đến 26/5/2022 đã phát sinh hơn 246 triệu giao dịch. Trung bình hằng ngày có hơn 1,5 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP; tính đến ngày 26/5/2022 đã có 26/63  tỉnh, thành phố đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với 18.286 tổ và 64.432 thành viên tham gia.

Lĩnh vực An toàn thông tin mạng: Trong tháng 05/2022, Cục An toàn thông tin cũng ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 847 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 9,7% so với tháng 04/2022; tham gia góp ý cho dự thảo Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030; đánh giá Xếp hạng mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin các bộ, ngành, địa phương năm 2022, phối hợp cung cấp số liệu cho xếp hạng chỉ số DTI;...

Lĩnh vực Công nghiệp ICT: Tổng doanh thu công nghiệp CNTT 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1,321 triệu tỷ đồng (tương đương 57 tỷ USD) tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt gần 44,8 tỷ USD chiếm khoảng 30,1% giá trị xuất khẩu của cả nước. Số doanh nghiệp công nghệ số tính đến hết tháng 4/2022 đạt 66.027 doanh nghiệp tăng 548 doanh nghiệp so với tháng 3/2022;...

Lĩnh vực Báo chí, truyền thông: Xử phạt vi phạm hành chính trong tháng 4, 5/2022 liên quan đến vấn đề báo hóa tạp chí là 11 quyết định với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 403 triệu đồng; tỷ lệ thông tin tiêu cực về đất nước, con người Việt Nam trên không gian mạng trong tháng 5/2022 là 3,8%.

toan-canh_1.jpg

Quang cảnh hội nghị

Tập trung giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, năm 2022 là năm “Tổng tấn công về chuyển đổi số”, tập trung phục vụ người dân. Theo đó, mỗi tỉnh, thành tập trung chọn 3 đến 5 nền tảng số để giải các bài toán của địa phương về tiếp cận y tế, giáo dục, nông nghiệp, sàn thương mại điện tử… Sau khi chọn nền tảng số thiết thực thì cùng tổ công nghệ số cộng đồng vào cuộc đưa người dân lên các nền tảng số.

Bộ trưởng cho rằng Bộ TT&TT là Bộ dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia thì phải chuyển đổi số nội bộ trước và phải làm thành công, phải làm xuất sắc, có nghĩa là mọi hoạt động phải được đưa lên môi trường số và triển khai tốt trợ lý ảo.

Trong công tác Đảng, Bộ trưởng cho biết, Ban Cán sự Đảng Bộ sẽ ưu tiên kiện toàn đội ngũ chuyên trách công tác Đảng bởi vì nếu không làm tốt công tác Đảng thì sẽ không thể phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu cấp ủy mỗi tháng phải có một buổi trao đổi chuyên đề nhằm nâng cao trình độ, nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo, đảng viên đáp ứng nhu cầu phát triển. Ngoài ra, các đơn vị cũng phải tổ chức mỗi tháng một lần để trao đổi, tư duy lại xem có vấn đề gì còn tồn tại trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, có lỗi hay mâu thuẫn gì làm cản trở sự phát triển không?

Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), Bộ trưởng gợi ý các đơn vị trong Bộ đổi mới phương thức chào mừng thiết thực, trong đó có việc chia sẻ nền tảng dùng chung trong quản lý, sản xuất thông tin cho các cơ quan báo chí. Đây cũng là một trong các hoạt động ý nghĩa thực hiện Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số mới được Bộ TT&TT phê duyệt vừa qua.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng thông điệp tuyên truyền về tắt sóng 2G và được cơ quan nhà nước công bố để truyền thông đến người dân, giúp nhân dân hiểu rõ và tạo đồng thuận xã hội. Theo kế hoạch, đến 2023 sẽ tiến hành cắt sóng 2G do công nghệ đã lạc hậu, ảnh hưởng đến công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Nhấn mạnh đầu tư cho công nghệ số mà không giám sát đầu tư, không đánh giá hiệu quả tức là chưa thực hiện tốt vai trò của Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu phải tập trung xây dựng hệ thống giám sát đầu tư công trong lĩnh vực CNTT - Truyền thông, đặc biệt trong chuyển đổi số và đô thị thông minh.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Hoa Kỳ là thị trường lớn của thế giới, nơi tập trung nguồn lực công nghệ số cũng như có chính sách cởi mở, rất phù hợp để thử nghiệm và phát triển công nghệ mới. Từ bài học thành công tại thị trường Hoa Kỳ của công ty FPT Software, Bộ trưởng cho rằng nhà nước nên có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ, tận dụng công nghệ để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và mang về ứng dụng trong nước./.