Tấm lòng đẹp như tên gọi

Tôi thực sự bất ngờ khi chị chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Một người khỏe mạnh, bình thường tự nguyện gắn bó và giúp đỡ những mảnh đời khuyết tật. Chị là Trương Thị Hoàng Mỹ, thành viên Hợp tác xã (HTX) Vụn Art có cơ sở tại Vạn Phúc (quận Hà Đông, TP Hà Nội).

 

40.jpg

Chị Trương Thị Hoàng Mỹ hướng dẫn trẻ khuyết tật làm tranh ghép lụa.

Tình yêu vượt mọi rào cản

Tên của chị rất đẹp: Hoàng Mỹ. Tôi có thiện cảm với chị ngay từ lần đầu tiếp xúc. Nước da trắng, đôi môi tươi chẳng cần son phấn. Nhất là giọng nói hút hồn đậm chất miền Tây Nam Bộ, nhẹ tựa cơn gió đầu hè thoảng qua làm dịu mát cái nắng mới oi ả. Tôi nghĩ người đẹp lại khéo thế này sẽ có nhiều cơ hội để lập nghiệp, cuộc sống ắt hẳn thuận lợi. Nhưng không, chị lại chọn con đường đầy thử thách, gian nan. Ấy là hành trình gắn bó cuộc đời với người khuyết tật.

Hai con người ở cách xa nhau cả ngàn cây số. Chị Mỹ quê ở Cần Thơ, còn anh Nguyễn Quang Trung ở ngoài Hà Nội. Họ quen nhau rất tình cờ trên mạng xã hội. Những tin nhắn thú vị đã gắn kết hai người với nhau một cách tự nhiên. Khi được hỏi có biết trước anh là thanh niên khuyết tật, chị trải lòng: “Tôi biết chứ! Anh bị chấn thương cột sống sau một tai nạn giao thông không thể đi lại được. Anh đã tâm sự rất nhiều, nhất là về khuyết tật của bản thân. Qua những lần trò chuyện, tôi cảm nhận ở anh là một người sâu sắc, chân thành, biết sẻ chia”.

Suốt hai năm quen nhau, tình yêu thương trở thành động lực để chị ra Bắc gặp anh. Không quá ngỡ ngàng khi cả hai đã biết hoàn cảnh của nhau. Vì thế, ngày gặp mặt, chị càng thương anh hơn. Là sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, sau đó công tác ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, từng chăm sóc nhiều bệnh nhân, chị Mỹ đồng cảm với người khuyết tật. Đặc biệt, chị có cái nhìn cởi mở, công bằng khi cho rằng người khuyết tật về cơ thể nhưng đầu óc tư duy tốt thì vẫn làm những việc phù hợp với bản thân. Điều quan trọng là cách sống của họ thế nào. Không hề kỳ thị, xa lánh, chị luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp ẩn chứa bên trong mỗi con người. Đó là động lực để chị đến với anh.

Ngày trở về trình bày quyết định gắn bó cuộc đời mình với anh Trung, ba mẹ chị không ưng thuận. Mẹ chị hỏi: “Con có hiểu yêu người khuyết tật sẽ phải đối mặt với cuộc sống như thế nào không? Thân gái một mình xa xôi, ai lo?”. Chị đáp lại: “Mẹ ơi! Con biết và tự lo được ạ!”. Câu trả lời ngắn gọn như một điều khẳng định chắc chắn y như cái thời kết thúc học phổ thông, ba mẹ khuyên thi sư phạm nhưng chị quyết theo học ngành y. Biết tính con đã định điều gì sẽ làm bằng được, mẹ chị nén nỗi xót thương, buông lời: “Con biết thì con cứ làm những gì đã chọn”. Vậy là năm 2011, chị rời mảnh đất Tây Đô, xa gia đình, người thân về làm dâu đất Bắc. Ngày lễ vu quy không có chú rể vào đón, chị giữ tự nhiên để ba mẹ, người thân khỏi chạnh lòng thương xót. “Lúc đó, động lực lớn nhất chính là tình thương. Mình mong sớm về chung một nhà để ngày ngày được chăm sóc, bù đắp những thiệt thòi mà anh phải gánh chịu”, chị Mỹ trải lòng.

Một cô gái trẻ về mảnh đất mới không công việc, không bạn bè, trước mắt là bao khó khăn. Khi ấy, điểm tựa duy nhất chính là người bạn đời của mình. Anh tuy khuyết tật nhưng vẫn có thể làm việc được bằng máy tính, phụ trách website của HTX Vụn Art làm tranh ghép lụa. Nhìn tấm gương chồng, chị tự nhủ: “Mình có sức khỏe ắt sẽ có việc làm, công việc sẽ tạo ra nhiều mối quan hệ mới. Cuộc đời sẽ chẳng đóng cửa đối với ai. Cuộc sống mưu sinh có khó khăn mấy thì vợ chồng cùng nhau san sẻ”. Từ sự đồng cảm nên khi nghe chồng giới thiệu về HTX của người khuyết tật, chị sẵn sàng tham gia. Thêm niềm hạnh phúc được nhen lên trong căn nhà nhỏ khi anh chị sinh con trai Nguyễn Trung Kiên (sinh năm 2013). Thi thoảng có điều kiện, hai mẹ con lại xuôi về phương Nam thăm ông bà ngoại. Nhìn con vững vàng vượt qua khó khăn, ba mẹ chị cũng yên lòng hơn.

Yêu thương, gắn bó với người khiếm khuyết

Ngồi trong gian phòng làm việc của HTX Vụn Art xung quanh có rất nhiều bức tranh tươi tắn sắc màu, chị Mỹ tỉ mẩn thiết kế cắt, ghép từng mảnh lụa nhỏ để thành tranh mẫu. Thi thoảng, chị lại ghé sang những cô bé, cậu bé ngồi kế bên nói bằng ngôn ngữ ký hiệu hướng dẫn thao tác cắt, ghép, dán tranh lụa. HTX Vụn Art do anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông thành lập, là nơi tập hợp những mảnh đời khiếm khuyết trên địa bàn, dạy nghề và tạo việc làm cho họ. Trong quá trình thực hiện, anh Cường cần có cộng tác viên giúp đỡ. Được chồng giới thiệu, chị Mỹ quyết định bỏ công việc đang làm là nhân viên bán hàng của một công ty bán nhân sâm Hàn Quốc để về Vụn Art làm việc. Chị học làm tranh ghép vải, sau đó hướng dẫn lại cho người khuyết tật.

Để một sản phẩm thủ công có giá trị thẩm mỹ đòi hỏi phải có đôi tay khéo léo, khả năng cảm thụ màu sắc, trí tưởng tượng phong phú. Người bình thường làm đã khó, với người khuyết tật càng khó hơn rất nhiều. Thế nên khi làm việc không thể nóng vội được, muốn truyền tải một thông tin nào đó, chị phải vận dụng hết khả năng để giúp họ hiểu và thực hành theo. Trên cơ sở tranh mẫu, chị Mỹ lựa màu lụa phù hợp để cắt ghép thành tranh. Nhờ có chút hiểu biết về màu sắc, chị khéo kết hợp để có những bức tranh đẹp mắt. Những mẫu tranh khai thác các đề tài truyền thống dân gian luôn tạo được ấn tượng đối với người xem. Tận dụng những mảnh lụa thừa từ làng nghề, chị hướng dẫn người khuyết tật làm ra sản phẩm tranh hoàn chỉnh. Quá trình làm việc không phải lúc nào chị cũng gặp thuận lợi. Nhiều bạn tự kỷ, thiểu năng trí tuệ có những hành động bột phát, xung quanh có dao, kéo rất nguy hiểm. Thế rồi việc làm sai, làm hỏng sản phẩm là chuyện bình thường. Những khi ấy, chị không thể cáu gắt, trách mắng các em mà luôn nhẫn nại, kiên trì hướng dẫn, giải thích, uốn nắn từng tí một, vừa dạy vừa dỗ dành.

Ở môi trường lao động khá đặc biệt, chị Mỹ là người cân bằng, điều hòa các mối quan hệ của các thành viên trong HTX, cố gắng xây dựng một tập thể đoàn kết, yêu thương nhau. Qua công việc, giao tiếp, các em khuyết tật dần cải thiện về vận động, phục hồi chức năng. Ví như em Nguyễn Thùy Trang, khi mới đến bị câm điếc, không biết ngôn ngữ ký hiệu, cả ngày lầm lì, không giao tiếp với ai. Chị khéo léo động viên, dạy những ký hiệu đầu tiên, hướng dẫn từ những động tác nhỏ nhất. Sau một thời gian, Trang đã biết làm ra sản phẩm. Chị Mỹ tâm sự: “Nếu xa cách, người khuyết tật sẽ mặc cảm, ngại giao tiếp, nhưng khi gần gũi, hiểu nhau thì các em sẵn sàng chia sẻ, tâm sự mọi chuyện. Qua tiếp xúc mới thấy, thế giới của trẻ khuyết tật rất nhỏ và trong sáng, thế nên khi mình được hòa vào thế giới ấy bỗng thấy cuộc sống nhẹ nhàng, đơn giản hơn. Tại phòng tranh này không có ganh đua, giành giật, toan tính, chỉ có những điều tốt đẹp được tập hợp về đây”.

Chị Mỹ đã rất hạnh phúc khi thấy các em vui cười làm ra những sản phẩm hữu ích. Từ những sản phẩm đó, HTX liên hệ tìm đầu ra để có thu nhập cho người khuyết tật. Dẫu thu nhập không nhiều nhưng các em rất vui khi được làm việc, coi đây là mái nhà chung của mình. Anh Lê Việt Cường, Chủ nhiệm HTX Vụn Art cho biết: “Tôi cũng là người khuyết tật nên rất cảm động khi nhận được sự cảm thông và chia sẻ từ người khỏe mạnh. Chị Mỹ đã gạt qua mọi rào cản để đến với HTX cùng nâng bước những mảnh đời khiếm khuyết. Cá nhân tôi phải cảm ơn rất nhiều sự đóng góp của chị Mỹ”. Gạt đi những tính toán thiệt hơn, những so bì, ganh đua ngoài cuộc sống xô bồ, chị Trương Thị Hoàng Mỹ vẫn lặng lẽ cùng các thành viên ở HTX Vụn Art giúp người khuyết tật tìm thấy giá trị bản thân, hòa nhập cộng đồng.