Hải Phòng: Hơn 11 nghìn đại biểu học tập Nghị quyết về chuyển đổi số

Sáng ngày 21/4, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị cán bộ Thành phố nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng chủ trì Hội nghị. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cùng Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng và đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự Hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 327 điểm cầu với 11.345 đại biểu các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy tham dự.

20220422-huy03.jpg

Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 327 điểm cầu với 11.345 đại biểu các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy Hải Phòng

Quyết tâm vào top 10 về chất lượng viễn thông và hạ tầng số

Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo thành phố Hải Phòng, đồng chí Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã thông tin một số nét chung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và quý I/2022; giới thiệu Nghị quyết số 03-NQ/TU và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng năm 2030.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, nhiệm kỳ này đánh dấu bước thay đổi căn bản về chuyển đổi số với cách tiếp cận mới. Nghị quyết 03-NQ/TU đã xác định chuyển đổi số là động lực, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt  trong toàn bộ hệ thống chính trị trong đó nhấn mạnh đến nhận thức đóng vai trò quyết định và vai trò đặc biệt của người đứng đầu. Dữ liệu liệu số đóng vai trò quyết định.

Đồng thời, đồng chí Hoàng Minh Cường cũng đề cập đến những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong chuyển đổi số tại địa phương, như: Người dân chưa thực sự nhìn thấy lợi ích và tác dụng của chuyển đổi số; thu hút doanh nghiệp công nghệ số đầu tư còn khó khăn, phổ cập thiết bị thông minh còn nhiều trở ngại. Bài toán lựa chọn, sử dụng nền tảng quốc gia, nền tảng thuê dịch vụ hay triển khai bài toán phần mềm, đưa dịch vụ công lên trực tuyến nhưng tỷ lệ hồ sơ còn thấp, chưa minh bạch, chưa hiệu quả, chưa được tự động hoá.

20220422-huy07.jpg

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng đoàn công tác đã giải đáp những thắc mắc, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của thành phố đưa ra.

Theo Bộ trưởng, “Thành phố cần đo đạc, tính toán đánh giá chất lượng viễn thông rồi yêu cầu các doanh nghiệp hạ tầng cùng nhau làm. Nếu không có sự phân chia dùng chung hạ tầng thì đầu tư tăng gấp 3, các doanh nghiệp đều mong muốn giảm đầu tư 4 lần, để các doanh nghiệp đẩy tốc độ lên. Vai trò của nhà nước mạnh hơn thì hạ tầng viễn thông, hạ tầng số của thành phố sẽ tốt lên.”

Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng không quá khó, triển khai cũng nhanh, Bộ trưởng đề nghị trong năm 2022 thành phố chủ trì họp nhà mạng, quy hoạch kế hoạch tạo điều kiện cho họ để xây dựng đủ điều kiện hạ tầng phải vào top 10.

Bộ trưởng chia sẻ, chuyển đổi số có câu chuyện đặt mục tiêu cao thì sẽ làm được, nếu tiếp cận từ thấp lên cao nó không đúng với chuyển đổi số. Nếu chúng ta đặt mục tiêu thông thường, tiếp cận theo cách thông thường thì sẽ không làm được.

20220422-huy02.jpg

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Hải Phòng trở thành trung tâm của công nghệ số

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi: Hải Phòng đứng trong top 5 về kinh tế của đất nước, vậy có cách nào để trở thành trung tâm công nghệ số của đất nước không? Trung tâm về nguồn nhân lực số không?

Theo Bộ trưởng, ở đâu có nhiều trường đại học đào tạo công nghệ số thì xu hướng các doanh nghiệp công nghệ số sẽ về đầu tư nhân lực, dùng nhân lực phát triển và đi ra các tỉnh lân cận. Hải Phòng có thể mời các trường đại học về mở chi nhánh, đào tạo nhân lực số. Hải Phòng muốn trở thành trung tâm phát triển các sản phẩm số thì đầu tiên vẫn là phát triển hạ tầng số. Nếu thiếu hạ tầng số thì không ai đến. Hạ tầng số lại không giống hạ tầng đường xá, có thể 5 - 10 năm phát triển nhưng hạ tầng số là câu chuyện 5 - 10 tháng. Phát triển hạ tầng số chỉ cần tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và phối hợp giữa các doanh nghiệp.

Bộ trưởng cũng cho biết, cách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư là trở thành thị trường. Nơi nào có thị trường số, nơi ấy sẽ thu hút đầu tư. Hải Phòng có thể dành khoản 1% mức chi cho Chuyển đổi số. "Khi tăng đầu tư thì người dân, doanh nghiệp sẽ bỏ ra cỡ 5 - 10 lần nữa thì sẽ hình thành thị trường. Khi có thị trường thì các nguồn lực đổ về.

Muốn trở thành trung tâm về công nghệ, theo Bộ trưởng, Hải Phòng phải đi trước về chuyển đổi số. "Chuyển đổi số là triển khai sâu rộng đến người dân. chuyển đổi số có thể giải quyết những khó khăn, mang lại giàu có, hạnh phúc cho người dân hơn".

20220422-huy01.jpg

Quang cảnh Hội nghị

Tài nguyên số là vô hạn

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: "Thúc đẩy chuyển đổi số, 100% người dân, cán bộ lên nền tảng số thì tạo ra nhiều dữ liệu. Dữ liệu là đất đai. Đây là đất đai mới mà dùng càng nhiều thì càng rộng ra và thu hút nhiều đầu tư đến".

Bộ trưởng cũng nhận định, phát triển theo cách mới thì phải dựa vào đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo gần như là động lực cho phát triển trong nhiều thập kỷ tới. Phát triển nhân loại trong thế kỷ này chủ yếu dựa vào đổi mới sáng tạo. "Chúng ta muốn phát triển cũng phải dựa vào đổi mới sáng tạo. Muốn đổi mới sáng tạo, muốn nhanh, muốn đỡ tốn kém… thì phải lên môi trường số. Lên môi trường số thì đổi mới sáng tạo dễ hơn rất nhiều. Toàn bộ quá trình sáng tạo và thử nghiệm trên không gian số nhanh, không tốn kém".

Phát triển cũng cần bền vững. Chuyển đổi số tạo ra ba xu thế lớn. Ba xu thế này đều đóng góp vào sự phát triển bền vững. Đó là: Phi trung gian hoá, phi tập trung hoá và phi vật chất hoá. Phi trung gian hoá thông qua kinh tế nền tảng. Thí dụ của nó là sàn thương mại điện tử. Phi tập trung hoá thông qua kinh tế chia sẻ. Thí dụ của nó là dịch vụ gọi xe công nghệ, là AirBnB khi dịch vụ khách sạn phân tán ra các hộ gia đình. Phi vật chất hoá là ảo hoá các sản phẩm và dịch vụ vật lý, như sách điện tử, âm nhạc số, mô phỏng thế giới vật lý bằng thực tế ảo. Tiêu xài các sản phẩm phi vật chất nhiều hơn và tiêu xài vật chất giảm đi. Theo Bộ trưởng, cả 3 xu thế này đều làm chương trình kinh tế của chúng ta hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chuyển đổi số là hội tụ của khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, CMCN 4.0. Chuyển đổi số là KHCN vì dựa hoàn toàn trên KHCN, chuyển đổi số là hoàn toàn dựa trên tri thức vì chuyển đổi số tạo ra kinh tế số mà kinh tế số là dựa trên thông tin, dữ liệu, thuật toán mà thuật toán và thông tin là tri thức".

20220422-huy09.jpg

Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Hoàng Minh Cường thông tin một số nét chung về tình hình kinh tế - xã hội tại Hải Phòng.

Bộ trưởng chia sẻ, không nước nào như Việt Nam có nhiều doanh nghiệp công nghệ số nhiệt huyết, phát triển được nhiều nền tảng số để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, giải các bài toán về các lĩnh vực du lịch, y tế, giáo dục… Bộ TT&TT đã công bố 35 nền tảng số để chuyển đổi số là giải 35 bài toán lĩnh vực.

Theo Bộ trưởng, có những nền tảng Hải Phòng phải "may đo" một chút và có thể được các doanh nghiệp Việt Nam "may đo" rất nhanh. "Sử dụng nền tảng số thì sinh ra dữ liệu. Sử dụng nền tảng số Việt Nam thì dữ liệu ở tại Việt Nam và không bị lạm dụng. Dữ liệu là phản ánh dòng chảy vật lý, có nghĩa là, nhìn dữ liệu là biết Việt Nam đang xảy ra cái gì. Dữ liệu liên quan đến an ninh quốc gia, theo đó, Chính phủ, Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số đặt mục tiêu xây dựng các nền tảng số Việt Nam phục vụ chuyển đổi số Việt Nam, từ đây giải rất nhiều bài toán Việt Nam và từ đó đi ra toàn cầu và sẽ có những doanh nghiệp công nghệ số toàn cầu.

Chuyển đổi số cũng giúp giải bài toán về minh bạch nhà nước, đánh giá cán bộ một cách định lượng bởi chuyển đổi số là chuyển đổi các hoạt động toàn diện. Các cán bộ lên nền tảng số làm việc thì mọi hoạt động diễn ra trên đó, được lưu vết và dùng chính công nghệ để đánh giá.

Bộ trưởng nhận định, Hải Phòng đang hội tụ nhiều yếu tố để chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp công nghệ số sẵn hàng hỗ trợ cho thành phố các chuyên gia. "Khi chúng ta đặt mục tiêu đặc biệt chúng ta sẽ có cách làm đặc biệt mà chuyển đổi số là thay đổi và cần nhất là cách tiếp cận mới. Không gian mới, cách tiếp cận mới sẽ tạo ra sự phát triển đột phá".

20220422-huy08.jpg

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị

Trước các chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thuộc Bộ, các doanh nghiêp viễn thông thời gian qua đã luôn đồng hành cũng thành phố trong thực hiện chương trình chuyển đổi số. Đồng thời, giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố triển khai thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng phù hợp với đặc thù Hải Phòng; chuẩn bị các điều kiện để xây dựng hạ tầng số cũng như cơ sở đào tạo cho các doanh nghiệp khi triển khai chuyển đổi số...

20220422-huy04.jpg

Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT và UBND TP. Hải Phòng

Bộ Thông tin và Truyền thông và Hải Phòng hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số trên 11 nội dung

Cụ thể, 11 nội dung gồm: Tư vấn, hỗ trợ xây dựng chính sách của thành phố; phát triển đô thị thông minh; phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số; phát triển xã hội số phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chuyển đổi số tại cấp huyện, cấp xã; triển khai bộ công cụ giám sát, quản lý trẻ em truy cập Internet; hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin; phát triển dữ liệu số, kết nối và khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; lĩnh vực thông tin, tuyên truyền; phát triển doanh nghiệp công nghệ số và sản phẩm công nghệ số tạo sự bứt phát cho nền kinh tế.

Trong đó, trọng tâm phối hợp triển khai trong năm 2022 là: Đẩy mạnh hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đưa tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 50% trong năm 2022; thí điểm đo lường tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của TP. Hải Phòng; phối hợp, thúc đẩy đưa 100% các hộ sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí lên sàn thương mại điện tử; phối hợp triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước của TP. Hải Phòng về chuyển đổi số; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại thành phố.../.