Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của báo chí

Diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn” vừa qua diễn ra tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà báo, công chúng báo chí. Tại diễn đàn, các nhà quản lý, lãnh đạo cơ quan báo chí đã - chuyển đổi số thực sự là những bài học kinh nghiệm giá trị đối với các cơ quan báo chí...

chuyen-doi-so-bao-chi-de-phuc-vu-ban-doc-tot-hon-091853544.jpg

Quang cảnh buổi tọa đàm "chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn" nhân dịp Hộ báo toàn quốc năm 2022.

“Chuyển đổi số báo chí, truyền thông cần thay đổi từ cấp cao nhất”

Câu chuyện chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông được bàn nhiều trong thời gian qua. Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2022 vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Tuổi Trẻ đã phối hợp tổ chức diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn”.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhận định, chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Chuyển đổi số với rất nhiều thay đổi về công nghệ làm báo, với rất nhiều thay đổi hành vi của độc giả, không còn cách nào khác ngoài tích cực đi theo con đường số hóa và chuyển đổi số.

Lợi thế cạnh tranh trong chuyển đổi số nằm ở khai thác dữ liệu có giá trị. Sự khác biệt giữa Google, Facebook... với các công ty khác không phải là những bộ óc tài năng hay công nghệ họ sở hữu mà ở văn hóa hoạt động dựa vào dữ liệu. "Dữ liệu phải là oxy của doanh nghiệp, không thể mua được mà phải chăm bón, nuôi dưỡng và gặt hái nó qua thời gian", ông Lê Quốc Minh chia sẻ.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số. Nhiều cơ quan cho rằng đầu tư về trang thiết bị, phần mềm, công nghệ là đã đi trên con đường chuyển đổi số, nhưng thực ra không phải vậy. Chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người và tư duy, không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới mẻ, tạo ra những thông tin mới mẻ, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh "chuyển đổi số trước hết hãy nghĩ tới con người, tập trung vào kỹ năng mềm, sự thay đổi tư duy nhận thức từ cấp cao nhất". Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, những yếu tố để chuyển đổi số thành công là có lãnh đạo am hiểu công nghệ; xây dựng năng lực cho đội ngũ nhân viên; tạo điều kiện để nhân viên làm việc theo cách thức mới; tăng cường sử dụng các công cụ digital; thường xuyên trao đổi thông qua các biện pháp truyền thống và digital.

 “Ở mỗi cơ quan báo chí, truyền thông, lãnh đạo cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn. Bên cạnh đó, để đáp ứng và theo kịp xu hướng chuyển đổi số, các tòa soạn cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ sáng tạo nội dung, cũng như tạo ra môi trường để phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược và tiêu chí cơ quan mong muốn”, ông Lê Quốc Minh nhận định.

Mặt khác, chuyển đổi số không phải khi đạt được một chu kỳ sẽ dừng lại mà phải liên tục đổi mới không ngừng. Thậm chí, cả các cơ quan chủ lực cũng mới chỉ xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế số, chuyển đổi số ở giai đoạn đầu, cần có những chiến lược cụ thể hơn. Chỉ khi có chiến lược tốt thì quá trình thực hiện mới thực sự đạt được những kết quả quan trọng. Để chuyển đổi số cần có sự đồng bộ từ những người xây dựng chiến lược đến những người trực tiếp triển khai, thậm chí từng phóng viên phải thấm nhuần tư duy về chuyển đổi số thì quá trình này mới có thể thành công, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định.

20220413-l46.jpg

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh tham quan gian trưng bày Tạp chí Cộng sản.

Phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong chuyển đổi số báo chí

luuniem.jpg

  Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn và các đại biểu tham gia diễn đàn chụp ảnh lưu niệm.

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người và tư duy. Cần phải xác định “bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó”.

Ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết:Đài VTV đã đưa thông điệp “Thay đổi hay là chết” từ nhiều năm qua, bởi VTV nhận thức để chuyển đổi số thành côngphải bắt đầu từ thay đổi về tư duy, nhận thức sau cả một quá trình dài nghiên cứu, tìm hiểu, tìm đường, đúc kết kinh nghiệm. Tất cả tập thể VTV đều phải thay đổi, đặc biệt là quyết tâm thay đổi của người đứng đầu.

“Trong quá trình chuyển đổi số, Đài VTV nhận thấy những khó khăn như: Về con người với tâm lý ngại cái mới, ngại thay đổi; Sự không thống nhất về cơ sở dữ liệu, thiếu sự liên kết đồng bộ; khó khan về tài chính, những ràng buộc về cơ chế đầu tư công… Nhưng vượt qua mọi khó khăn, thực hiện đầu tư từng bước, kết hợp thuê dịch vụ, Đài VTV dần dần tạo ra được các nền tảng công nghệ vận hành hiệu quả, có bước tiến về công tác quản trị, công nghệ, công cụ, nội dung phục vụ khán giả. Khán giả ở đâu chúng tôi ở đó, xem hình thức nào cung cấp hình thức đó, nội dung phong phú, đa dạng, khác biệt”, ông Vĩnh chia sẻ. 

Theo nhà báo Lê Xuân Trung, Phó tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ TP.Hồ Chí Minh, trong quá trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí, truyền thông cần phải vượt qua 03 thách thức lớn cần đối mặt để giải quyết là: Công nghệ, chi phí đầu tư; con người. “Nếu không có công nghệ phù hợp thì không thể chuyển đổi số hiệu quả. Trong đó thách thức quan trọng nhất là con người, bộ máy: “Khi Tuổi Trẻ muốn chuyển đổi số mà năng lực đội ngũ, năng lực lãnh đạo, điều hành không thể chuyển đổi số được thì dù có được đầu tư công nghệ phù hợp thì chưa chắc đã thực hiện được. Đặc biệt, muốn chuyển đổi số thành công cần giải quyết vấn đề bảo vệ bản quyền riêng của các cơ quan báo chí: “Tác phẩm báo chí là tài sản sống còn của các cơ quan báo chí nên đương nhiên phải được bảo vệ, không xâm phạm lẫn nhau”, nhà báo Lê Xuân Trung chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của báo chí. Để chuyển đổi số thành công, các cơ quan báo chí phải thay đổi từ mô hình tổ chức, tăng năng lực tương tác trực tiếp, gắn bó với cộng đồng.

Chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Xu thế chung của các cơ quan báo chí là phải hội tụ đa phương tiện, đa nền tảng. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung công tác tư vấn, trình Chính phủ, đưa ra các “nền tảng dùng chung” hỗ trợ cơ quan báo chí có các giải pháp riêng về công nghệ trong quá trình thực hiện chuyển đổi số; phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ để đưa ra "khoảng giá” hợp lý, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tránh việc cùng một nền tảng nhưng mỗi nơi mỗi giá; cùng các cơ quan, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng công nghệ làm đồng bộ, tiết kiệm chi phí…

Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với vài doanh nghiệp công nghệ về việc xây dựng “nền tảng dùng chung” thí điểm cho một số cơ quan báo chí vừa và nhỏ, làm thử chuyển đổi số trong nội bộ, trong quản trị và nội dung. Khi Đề án chuyển đổi số các cơ quan báo chí được Chính phủ duyệt, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức hội nghị, phổ biến, hướng dẫn với quan điểm luôn đồng hành cùng cơ quan báo chí trong chuyển đổi số, giúp các cơ quan báo chí từng bước cải tiến, đứng vững trong môi trường cạnh tranh hiện nay./.