Sách và giáo dục môi trường: Bắt đầu từ những câu chuyện gần gũi, truyền cảm hứng

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022, sáng 15/4, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam (gọi tắt Công ty Nhã Nam) phối hợp cùng Phố Sách Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm "Sách và giáo dục môi trường". Buổi tọa đàm đã thu hút đông đảo bạn đọc Thủ đô và những người đam mê với văn hóa đọc.

20220416-l00.jpg

Diễn giả Nguyễn Hữu Quỳnh Hương và Trần Tuấn Anh chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Sách về chủ đề thiên nhiên và môi trường luôn là một đề tài lớn

Đối với sách cho thiếu nhi, chủ đề về thiên nhiên và môi trường luôn là một đề tài lớn được quan tâm sâu sắc. Đây cũng là một trong những xu hướng của ngành xuất bản thế giới trong vài năm trở lại đây. Giáo dục môi trường là một phần của giáo dục toàn diện cho những công dân văn minh. Công ty Nhã Nam hy vọng những cuốn sách tâm huyết về đề tài này sẽ truyền cảm hứng cho bạn đọc, đặc biệt là độc giả nhỏ để tình yêu thiên nhiên và ý thức môi trường được nuôi dưỡng, phát triển một cách tự nhiên, bền vững.

Ông Nguyễn Nhật Anh, Giám đốcCông ty Cổ phần Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam chia sẻ:  Nói về dòng sách "Thiên nhiên - Môi trường", tuy chưa có nhận diện tủ sách, nhưng từ năm 2016 đến nay, Nhã Nam đã quan tâm và xuất bản nhiều đầu sách thuộc đề tài này như Trở về nơi hoang dã, 100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho Trái Đất (Trang Nguyễn), bộ Chăm sóc hành tinh của chúng mình, No More Plastic, bộ Hít hà mùi đất nước, bộ Go Green!,… Chúng tôi chú trọng vào những cuốn sách giàu cảm hứng, đủ đầy kiến thức khoa học giúp nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên và hướng dẫn độc giả bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực nhất. Sách được phát triển từ các nhà hoạt động môi trường trong nước và dịch từ các NXB uy tín trên thế giới.

Buổi tọa đàm hướng tới hai mục mục tiêu gồm: Nâng cao tầm quan trọng của giáo dục môi trường qua chia sẻ từ các nhà hoạt động môi trường giàu kinh nghiệm; Giới thiệu tới bạn đọc một cách hệ thống về dòng sách thiên nhiên - môi trường của Nhã Nam (theo 02 mảng chính: Tình yêu thiên nhiên và Ý thức bảo vệ môi trường", ông Nguyễn Nhật Anh nhấn mạnh.

20220416-l004.jpg

Bộ sách tranh thuần Việt nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Sách và giáo dục môi trường”, chị Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, tác giả viết lời bộ sách “Hít hà mùi đất nước” nhớ lại kỷ niệm khi chị tham gia giảng tiết học môi trường tại một trường quốc tế. “Tôi vẫn nghĩ học sinh khối lớp 10 - 12 sẽ dễ dàng nắm bắt các kiến thức cơ bản. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn ngạc nhiên bởi các em không phân biệt được khái niệm đạm vô cơ, đạm hữu cơ; sự nóng lên của Trái đất. Trong khi học sinh khối lớp 4 - 5 lại có thể dễ dàng phát biểu kiến thức về bụi mịn, về trọng lượng của chúng chỉ bằng 1/30 sợi tóc của chúng ta…".

"Ngoài việc viết và cộng tác với nhiều tờ báo, tôi có nhiều bài viết về chủ đề sống xanh, bảo vệ môi trường trên các trang blog cá nhân. Đồng thời, tôi là tác giả nhiều đầu sách về lối sống và về giáo dục môi trường, và giảng dạy về lối sống xanh cho trẻ em mẫu giáo, tiểu học. Tôi tìm hiểu và nhận ra rằng, ở lứa tuổi nhỏ, được bố mẹ trò chuyện về thiên nhiên, cho tiếp cận các cuốn sách phù hợp sẽ tạo thêm hứng thú và mong muốn khám phá từ các em. Đây là động lực và cảm hứng giúp tôi trong quá trình viết dòng sách này”, chị Quỳnh Hương chia sẻ.

Theo anh Trần Tuấn Anh,  người sáng lập Chuỗi chương trình Trải nghiệm thiên nhiên cho rằng, tôi hoạt động với sứ mệnh truyền cảm hứng cho thanh thiếu niên, học sinh và cộng đồng Việt Nam trong công tác giáo dục, tìm hiểu và nâng cao những hiểu biết, giá trị về thiên nhiên và môi trường nhằm tạo ra một thế hệ thay đổi tích cực cho xã hội. Những năm qua, Trải nghiệm Thiên nhiên tập trung chủ yếu vào công tác sáng lập, tổ chức, tư vấn, thiết kế, chuyển giao chương trình, dự án phi lợi nhuận trong lĩnh vực giáo dục trải nghiệm thực tế về sinh học, thiên nhiên và môi trường.

Để trẻ sớm tiếp cận dòng sách này là một gợi ý hay và thú vị. Những ngày đầu chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình cho cộng đồng, cảm giác mọi cố gắng của tôi đều gặp trở ngại do sử dụng số liệu và câu chữ hàn lâm khiến người đọc khó tiếp cận. Tôi đã nghĩ ra phương pháp truyền thông khoa học, truyền tải những kiến thức ấy đến từng độ tuổi, từ THPT, THCS đến Tiểu học. Đó là chia sẻ những câu chuyện gần gũi với cuộc sống hàng ngày của các em, từ vườn nhà ra sông suối, đến khu rừng. Trong đó, con người và những câu chuyện thầm lặng ẩn sau mang đến cho các em sự đồng cảm, từ đó mong muốn khám phá, bảo vệ thiên nhiên. Những câu chuyện truyền cảm hứng của họ sẽ làm thay đổi một thế hệ độc giả thiếu nhi muốn gần gũi với thiên nhiên và môi trường, Trần Tuấn Anh khẳng định.

Viết sách cho thiếu nhi về đề tài thiên nhiên, môi trường cần truyền tải thông điệp nhẹ nhàng

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, chị Nguyễn Hữu Quỳnh Hương cũng cho rằng, để tạo được tương tác giữa sách và các hoạt động giáo dục trải nghiệm thiên nhiên, cần có định hướng cho cả phụ huynh và học sinh. Bởi không phải bố mẹ nào cũng có nhận thức về giáo dục thiên nhiên và môi trường cho con em mình.

“Thực tiễn minh chứng, có một sự thật là nhiều người viết sách đang cố gắng bắt mọi người phải quan tâm đến các vấn đề trong sách của mình. Nhưng với tôi, sử dụng số liệu thật, dữ liệu thật, thông tin khoa học lồng ghép vào những nhân vật mà mình sáng tạo nên. Cụ thể, cũng câu chuyện về một loài động vật tại Việt Nam nhưng sẽ nhân hóa để con vật ấy có tính cách, có tương tác giúp các bạn nhỏ học hiểu rộng hơn về thiên nhiên, phụ huynh sẽ yên tâm để con mình tiếp cận cuốn sách, có được tình yêu thương với động vật và các kỹ năng khác”, Nguyễn Hữu Quỳnh Hương bày tỏ.

20220416-l002.jpg

Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

Cũng theo Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, trước kia, trong tiết dạy bảo vệ tê giác và các loài động vật hoang dã, kết thúc giờ học, tôi có nhận được lời đề nghị từ một bạn nhỏ, đó là đồng ý tê giác rất cần được bảo vệ, nhưng nhiều loài động vật khác cũng cần được bảo vệ trước khi chúng đứng trên bờ tuyệt chủng. Như vậy, tránh tâm lý đẩy vấn đề trở nên nghiêm trọng khi giáo dục bảo vệ thiên nhiên và môi trường, nếu muốn các bé quan tâm lĩnh vực này.

Bằng những câu chuyện tinh tế, nhẹ nhàng diễn ra hàng ngày, cha mẹ, người dạy hãy truyền tải những thông điệp nho nhỏ, phù hợp với độ tuổi các em. Nhiều cuốn sách gần đây được độc giả đón nhận như: ‘Sinh vật học kỳ thú’, ‘Bầu trời vời vợi - Bí mật lòng đất’, ‘Bốn mùa - Hoa cỏ’, ‘Cuốn sách lớn rực rỡ về bốn mùa’ hay ‘Trở về nơi hoang dã’…  bởi các câu chuyện trong đó thúc đẩy cảm xúc và ý thức người đọc, chạm vào đích đến giáo dục môi trường, chị Quỳnh Hương chia sẻ kinh nghiệm.

Người sáng lập chuỗi chương trình Trải nghiệm thiên nhiên Trần Tuấn Anh cho biết: “Chúng tôi đã giúp các em kết nối với thiên nhiên bằng hệ thống chuyên môn đa dạng, các từ khóa, nhóm đề tài liên quan. Thật vui là các em có nhu cầu tìm đến sách về thiên nhiên và môi trường ngay sau khi lắng nghe một câu chuyện trải nghiệm tại đây. Hay tìm hiểu khu cứu hộ động vật hoang dã, nếu có một đại sứ giáo dục về thiên nhiên và môi trường, kết nối với người học, người đọc, sẽ giúp các em tìm hiểu và khám phá được nhiều hơn”.

Bản thân tôi rất yêu quý bộ sách tranh thuần Việt nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên gồm 06 cuốn sách tranh nhỏ xinh kể những câu chuyện trong bối cảnh làng quê Việt Nam từ Bắc vào Nam với cỏ cây hoa lá, tôm cá cua thuần Việt. Bộ sách giúp bạn nhỏ tiểu học biết lắng nghe và thêm yêu mến thiên nhiên. Cuối mỗi cuốn có phần giải đáp kiến thức khoa học đơn giản và hướng dẫn làm các hoạt động bảo vệ môi trường ngay tại nơi mình sống, người sáng lập chuỗi chương trình Trải nghiệm thiên nhiên Trần Tuấn Anh nêu dẫn chứng.