VOH với chiến lược xây dựng niềm tin truyền thông trong đại dịch COVID-19

Trước những diễn biến dịch bệnh chưa có tiền lệ COVID-19 cùng với yêu cầu cấp bách phải xây dựng niềm tin truyền thông trong đại dịch, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) đã tập trung nhiều giải pháp để phản ánh trung thực, khách quan, toàn diện về đại dịch trên địa bàn thành phố, tạo sự đồng thuận trong xã hội và nhân lên niềm tin trong Nhân dân thành phố cũng như cả nước. Phóng viên đã phỏng vấn ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài VOH xoay quanh việc xây dựng niềm tin truyền thông trong đại dịch COVID-19.

20220412-l0.jpg

Ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài VOH.

* PV: Theo ông, việc xây dựng niềm tin truyền thông trong đại dịch COVID-19 có vai trò như thế nào?

* Ông Lê Công Đồng: Giai đoạn 2020 - 2021 mà đặc biệt là năm 2021 đã để lại ký ức sâu đậm trong suy nghĩ, tinh thần của người dân TP.HCM (Thành phố) nói riêng và cả nước nói chung về sự tàn khốc của dịch bệnh COVID-19. Mặt trận truyền thông thời điểm đó vì thế càng trở nên hết sức phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành quả phòng, chống dịch bệnh COVD-19 của Thành phố và cả nước.

Trước những diễn biến dịch bệnh chưa có tiền lệ, cơ quan quản lý đôi khi lúng túng, chưa nhất quán trong thông tin. Tâm lý xã hội có thời điểm bất an, ảnh hưởng rất lớn đến những quyết sách phòng, chống dịch COVID-19. Các thế lực chống phá, phản động mượn những bất cập ban đầu trong phòng, chống dịch để tạo cớ liên tưởng, đả phá hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Thành phố. Tình trạng tin giả, tin một nửa sự thật tràn lan trên mạng xã hội càng khiến công tác chống dịch trở nên căng thẳng.

20220412-l1.jpg

Đội ngũ y tế TP.HCM nỗ lực không ngừng nghỉ vì sức khỏe Nhân dân trong đại dịch COVD-19.

Cũng như nhiều lực lượng tuyên truyền chủ lực khác của thành phố , được sự chỉ đạo của Thành ủy và UBND Thành phố, VOH đã “lao” vào mặt trận truyền thông với tinh thần xung kích, quyết tâm, góp phần cùng các cấp, các ngành an dân, ổn định tư tưởng, tạo tiền đề cho quá trình đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và tiến đến thích ứng an toàn về sau. Từ kinh nghiệm tuyên truyền phòng, chống dịch, VOH đã xác định chiến lược xây dựng niềm tin truyền thông trong lòng người dân Thành phố và cả nước có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến thành quả phòng, chống dịch. Có được niềm tin của thính giả, hiệu quả tuyên truyền từ đó sẽ phát huy sức mạnh ở mức độ tích cực nhất.

Do đó, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch là nội dung hết sức đặc biệt, cũng là một sự kiện chưa có tiền lệ trong truyền thông vì tác động của nó quá mạnh mẽ đến cộng đồng. Bằng việc đưa những thông tin chắt lọc, đảm bảo độ chính xác cao, VOH tâm niệm, xây dựng sự tin tưởng nơi thính giả chính là điều then chốt trong hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch.

* PV: Trong quá trình tuyên truyền về COVID-19, VOH triển khai những giải pháp cụ thể để đạt hiệu quả truyền thông, thưa ông?

* Ông Lê Công Đồng: Để đạt được hiệu quả trong công tác truyền thông phòng, chống dịch, Đài VOH đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp như: tăng thời lượng, tần suất phát sóng các nội dung về COVID-19, đảm bảo thông suốt hệ thống truyền thông gồm kênh phát thanh và nền tảng digital VOH; Tạo sự tin cậy bằng thông tin chính xác, chính thống, đa chiều; Đa dạng hóa hình thức truyền thông nội dung phát thanh; Kết hợp hoạt động xã hội, tình nguyện là cách thức tuyên truyền gián tiếp, tăng thêm tính hiệu quả của tuyên truyền trực tiếp; Linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ, khoa học trong việc vận hành, quản lý và xử lý thông tin tuyên truyền; dẫn dắt dư luận, người dân đang tìm đến những nguồn tin chính thống, đáng tin cậy...

Từ khi Thành phố phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên (đầu năm 2020) và đặc biệt trong đợt cao điểm lần thứ 4 (từ tháng 5 đến tháng 10/2021), Ban Giám đốc VOH đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống kênh phát thanh, website và các nền tảng số của Đài tập trung tổng lực đưa tin diễn biến mới nhất về COVID-19 theo mức độ tăng dần, sát với thực tế và các giai đoạn, cấp độ phòng, chống dịch của Thành phố.

20220412-l3.jpg

Đài VOH đã phản ánh kịp thời những nỗ lực
không biết mệt mỏi của cơ sở, người dân, doanh nghiệp trong đại dịch

Các kênh phát thanh (gồm:AM 610KHz, FM 99.9MHz, FM 95.6MHz) và website, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ phát thanh là lực lượng chịu trách nhiệm chính, huy động toàn bộ lực lượng phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên (chủ lực là phóng viên, biên tập viên phụ trách lĩnh vực sức khỏe) “vào cuộc”.

Không quản ngày đêm, hơn 100 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên thực hiện, sản xuất các nội dung: Cập nhật nhanh nhất chủ trương, quy định về phòng, chống dịch từ Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Trung ương và của TP.HCM (Ban Chỉ đạo); Phản ánh quá trình thực tế phòng, chống dịch từ các quận, huyện, TP.Thủ Đức, những nỗ lực của người dân, doanh nghiệp cùng tham gia chống dịch, những tấm gương, điển hình trong phòng chống dịch và cả những mất mát, hy sinh không gì bù đắp nổi của người dân thành phố…

Đặc biệt, trong bất kỳ tình huống nào, VOH luôn duy trì phóng viên trực chiến tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, phản ánh kịp thời, nhanh chóng các buổi họp báo quan trọng của TP.HCM về tình hình phòng, chống dịch, truyền đạt những nội dung chỉ đạo quan trọng của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM, góp phần an dân trong một số thời điểm số nhiễm và tử vong tăng cao.

Bằng việc huy động tổng lực trong tuyên truyền phòng, chống dịch, có thời điểm, Đài VOH đã nâng nội dung liên quan COVID-19 chiếm trọn 100% thời lượng các Chương trình Thời sự và chiếm hơn 80% nội dung các chương trình khác trên 03 kênh phát thanh và website, hệ thống số của Đài. Đài VOH cũng thực hiện 30 cầu truyền thanh trực tiếp với 13 tỉnh, thành về diễn biến tình hình dịch bệnh.

Không chỉ dừng lại ở việc đưa tin cập nhật, phát huy khả năng làm việc cơ động ở mức cao nhất (sản xuất nội dung tại nhà khi giãn cách xã hội ở mức cao nhất), VOH chủ động xây dựng thêm các nội dung mới liên quan đến COVID-19 khi có yêu cầu và thực tế phát sinh, chủ động tăng thời lượng và tần suất phát sóng, phát lại các nội dung liên quan đến COVID-19... Phải nói người dân tại TP.HCM và thế giới, dù ở bất cứ nơi nào (trong nhà, xe ôtô, đang sử dụng mạng Internet), sử dụng bất cứ phương tiện truyền thông nào (radio, điện thoại, máy tính..), VOH đều “có mặt” để kịp thời phản ánh nhanh nhất, cố gắng đầy đủ nhanh nhất những yêu cầu phòng chống dịch lúc bấy giờ.

Đồng thời, các kênh phát thanh, website, hạ tầng số luôn chuẩn bị lực lượng “ứng chiến” với nguyên tắc “Không để tắc nghẽn thông tin” trong bất kỳ tình huống nào. Các bộ phận liên quan (hành chính, kỹ thuật) đặt trong tình trạng sẵn sàng cao nhất, tăng cường hỗ trợ tốt nhất những điều kiện sinh hoạt, di chuyển, thủ tục hành chính cho khối nội dung, góp phần vào việc hoàn thành công tác tuyên truyền.

Nhờ tinh thần và quyết tâm của phóng viên, biên tập viên và nhân viên, làn sóng phát thanh và hệ thống số của VOH đã được đảm bảo thông suốt, không gián đoạn trong suốt thời gian TP.HCM thực hiện phòng, chống dịch. Từ đó, hiệu quả tuyên truyền của VOH đã đạt những kết quả khả quan.

* PV: Thưa ông, để tạo sự tin cậy bằng thông tin chính xác, chính thống, đa chiều trong bối cảnh tin giả, tin tiêu cực, tin thiếu kiểm chứng về COVID-19 tràn lan trên mạng xã hội, VOH đã triển khai những nhiệm vụ cụ thể gì để tạo sự đồng thuận và niềm tin trong xã hội?

* Ông Lê Công Đồng: Trong bối cảnh tin giả, tin tiêu cực, tin thiếu kiểm chứng tràn lan trên mạng xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực phòng, chống dịch tại TP.HCM và cả nước, là cơ quan truyền thông tin cậy của người dân thành phố, không chỉ dừng ở mức độ phản ánh đơn thuần, VOH ngay từ đầu đã ý thức việc đưa tin liên quan đến COVID-19 cần đảm bảo tính chính xác, thuyết phục và quan trọng nhất là phải góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với các chủ trương phòng, chống dịch.

Trên tinh thần đó, Ban Giám đốc VOH chủ động yêu cầu từng phóng viên, biên tập viên sử dụng các biệp pháp nghiệp vụ, phối hợp với các đơn vị liên quan, cơ quan thẩm quyền để chắt lọc, kiểm chứng nội dung liên quan đến dịch bệnh, chỉ sử dụng thông tin chính thống, nguồn tin có trách nhiệm phát ngôn.

Trong từng thời điểm, theo những chủ đề, chỉ đạo khác nhau, VOH tổ chức các loạt chuyên đề giải thích, làm rõ những quan điểm, giải pháp chống dịch của TP.HCM và Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia như “Chống dịch như chống giặc”, “Vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm sớm nhất”, “Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19”, “Tuyên truyền thông điệp 5K”… Những nội dung này không đơn thuần là thông tin, phản ánh mà là phân tích, lập luận của các chuyên gia, nhà quản lý dựa trên cơ sở khoa học, góp phần giúp người dân nắm rõ, hiểu rõ những giải pháp phòng chống dịch mà TP.HCM đang thực hiện.

Chưa hết, VOH còn sản xuất hàng chục chương trình tư vấn sức khỏe trực tiếp liên quan đến mọi khía cạnh của chủ đề COVID-19 với sự tham gia của những chuyên gia y tế hàng đầu tại TP.HCM và Việt Nam. Với cách lý giải thuyết phục, cách trả lời rõ ràng kết hợp với số liệu cụ thể, các chương trình này đã góp phần làm rõ nhiều thắc mắc của người dân về triệu chứng, nguy cơ mắc bệnh, khả năng điều trị COVID-19 tại nhà… từ đó góp phần giúp cộng đồng có thêm sự tin tưởng vào các kế hoạch phòng, chống dịch của Đảng bộ và chính quyền TP.HCM.

20220412-l2.jpg

Ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài VOH trao quà cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Song song đó, VOH thực hiện việc phản tuyên truyền đối với thông tin xấu, độc, tin giả liên quan đến COVID-19 trên mạng xã hội. Trong thời gian ngắn nhất có thể, VOH phản ánh ngay những thông tin đính chính, phản bác của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và các cơ quan chức năng TP.HCM. Các chương trình như: “Góc nhìn”, “Lăng kính đa chiều” tăng cường tập trung nội dung làm rõ, nói rõ những lập luận thiếu logic, mơ hồ về tác dụng của vắc xin, sự vô căn cứ của những thông tin đồn thổi, suy diễn trên mạng xã hội về chủ trương thực hiện giãn cách xã hội.

Bằng việc bám sát thực tế, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, làn sóng phát thanh của Đài VOH đã nhanh chóng phát hiện và phản ánh kịp thời những nỗ lực không biết mệt mỏi của cơ sở, những tấm gương người dân, doanh nghiệp đã tình nguyện sát cánh cùng chính quyền Thành phố trong phòng, chống dịch. Đó là hình ảnh những ATM gạo, ATM oxy, nhóm đi chợ giúp bà con, hệ thống bác sĩ cộng đồng, các bác sĩ, sinh viên từ khắp mọi miền đất nước đã vào hỗ trợ TP.HCM, hệ thống siêu thị 0 đồng... Đặc biệt, các ca F0 đã khỏi bệnh (là phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên) của VOH ngay lập tức xuất hiện trên sóng phát thanh để chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình điều trị, những hiệu quả của việc tiêm vắc xin sớm. Những câu chuyện này ngay lập tức trở thành những nội dung truyền thông sống động, hiệu quả nhất trong việc giúp người dân bình tĩnh trước những thông tin tiêu cực xuất hiện dày đặc. 

* PV: Được biết, VOH đã xây dựng hệ sinh thái số nhằm đa dạng hóa hình thức truyền thông nội dung phát thanh, đang phát huy giá trị tích cực, thưa ông?

* Ông Lê Công Đồng: Với quan điểm “Thính giả ở đâu, VOH ở đó”, những năm gần đây, Ban Giám đốc VOH đã xây dựng hệ sinh thái số (Youtube, Facebook, Tiktok) để tăng cường tốt nhất hiệu quả truyền thông cho các nội dung phát thanh. Lần lượt các kênh truyền thông số như: Fanpage, Youtube, Tiktok… của VOH ra đời cùng webiste VOH đã phát huy hiệu quả ấn tượng, đặc biệt là trong đợt tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

Ngay khi hệ thống phát thanh phát sóng tin, bài chủ đề COVID-19, bộ phận số hóa của Đài bất kể ngày đêm đã tiến hành biên tập, dàn dựng lại các nội dung này để kịp thời đăng tải trên website, Youtube, Facebook, TikTok với những đặc tính phù hợp môi trường Internet: kết hợp âm thanh và hình ảnh minh họa, nội dung đăng tải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ phù hợp với tốc độ xem lướt, tổng hợp các nội dung phòng chống dịch thành những chuỗi chuyên đề để người xem tìm hiểu một cách chi tiết hơn…

Với cách đa dạng hóa phương thức thể hiện nội dung phát thanh, VOH đã thu hút một lượng lớn thính giả là người sử dụng Internet tiếp cận thông tin phòng, chống dịch COVID-19 tại thời điểm TP.HCM thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất.

Cụ thể, từ tháng 5/2021 đến 12/2021 (cao điểm phòng, chống dịch và thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn với dịch), số lượng người dân tiếp cận với hệ thống hạ tầng số VOH đạt kết quả tích cực: tổng lượt xem các nội dung trên Facebook Radio VOH đạt 388,5 triệu phút; tổng lượt xem các nội dung trên Kênh Tiktok VOH đạt 150 triệu lượt; Bản tin về COVID-19 (TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 theo hai giai đoạn đến ngày 15/9) trên Facebook đạt tỷ lệ xem cao nhất đạt 9,7 triệu lượt; Chưa kể đến hàng ngàn bình luận (Comment) đề nghị giải thích, lý giải thêm các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, cách thức điều trị các ca F0 tại nhà, theo dõi tình hình sức khỏe sau khi mắc bệnh.

Điều đó khẳng định, trong đợt tuyên truyền về COVID-19, hạ tầng số Đài VOH đã “có công” lớn góp phần tăng tính hiệu quả các nội dung từ kênh phát thanh.

Bên cạnh “mặt trận” tuyên truyền về phòng, chống dịch trực tiếp trên các kênh phát thanh và hạ tầng số, VOH còn triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền gián tiếp thông qua các hoạt động xã hội, thiện nguyện, hỗ trợ tình nguyện viên (cán bộ, viên chức VOH) tham gia phòng, chống dịch tại cơ sở...

*PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo ước tính, tổng số lượng tin, bài nội dung tuyên truyền về dịch bệnh COVID-19 của 04 kênh phát thanh và website, hệ thống hạ tầng số của Đài VOH là gần 100.000 sản phẩm/2 năm. Trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch, các kênh phát thanh của Đài sản xuất gần 5.000 sản phẩm tin, bài, sản phẩm phát thanh/3 tháng.

Trong hơn 80 giờ phát sóng/ngày của 04 kênh phát thanh, tần suất phát sóng tin, bài liên quan COVID-19 trung bình 05 tin, bài/giờ. Bên cạnh đó là hơn 100 nội dung liên quan COVID-19/ngày được khai thác từ các kênh phát thanh để đăng tải trên website, hạ tầng số của Đài VOH.