''Níu chân'' độc giả bằng fanpage

Mạng xã hội đã trở thành một kênh quảng bá hữu hiệu nhằm đưa sản phẩm đến với khách hàng. Hiểu rõ lợi thế đó, fanpage của các đơn vị xuất bản ngày càng được chăm sóc một cách bài bản để “giữ chân” bạn đọc.

fanpage.jpg

Muốn “níu chân” độc giả, các trang fanpage phải được “chăm sóc” thường xuyên.

Nếu trước đây mạng xã hội được coi là thú vui riêng của giới trẻ thì giờ đây, người người cùng giao lưu, chia sẻ, tìm kiếm thông tin trên sân chơi này bất kể tuổi tác hay địa vị xã hội. Tính kết nối nhanh và rộng cùng với sự thuận tiện khi đăng nội dung kèm ảnh, video... đã nhanh chóng đưa mạng xã hội trở thành “showroom” hiệu quả của các doanh nghiệp, cá nhân muốn quảng cáo và bán hàng online. Đặc biệt, trong hai năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kênh trực tuyến càng trở nên hữu ích, nhất là đối với các đơn vị xuất bản.

Có rất nhiều hoạt động của các đơn vị xuất bản đến được với độc giả nhờ fanpage trên mạng xã hội Facebook. Thông tin về sách mới phát hành, chương trình livestream giới thiệu sách, hội sách, các cuộc bán đấu giá, workshop đọc sách, thi vẽ minh họa, chương trình giảm giá, chơi mini game nhận thưởng, kêu gọi ủng hộ sách và đồ dùng học tập... được cập nhật thường xuyên. Có khi thông tin chỉ là câu trích dẫn từ một cuốn sách nào đó hay vài dòng hài hước để “câu like”. Như mới đây, trên fanpage của Nhã Nam là hình ảnh hiệu sách với dòng trạng thái hài hước: “Khi đi hết mình mà khi về thì hết hồn” bởi “Đi hiệu sách cho đỡ stress. Ai ngờ tính tiền xong stress gấp đôi”. Sự “làm mới” duyên dáng ấy đã thu hút được hàng nghìn lượt yêu thích và dòng trạng thái ấy luôn được làm mới để độc giả “nhớ mặt gọi tên”.

Khác với website chính thức chỉ đưa thông tin một chiều, fanpage cho phép sự tương tác hai chiều hết sức thuận lợi, tạo sự hào hứng và thu hút độc giả nhiều hơn. Bạn đọc, đặc biệt ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, luôn sẵn lòng nhấn nút yêu thích, nêu ý kiến hay chia sẻ cảm nghĩ mỗi khi admin của fanpage nêu “đề bài”. Điều đó giải thích vì sao các cuộc ra mắt sách ngày càng được biết đến nhiều hơn, đón nhận sự tham gia đông đảo hơn hay các phiên đấu giá sách kết thúc nhanh chóng hơn. Lướt qua fanpage của một số đơn vị xuất bản, có thể thấy một lượng theo dõi khá lớn, như NXB Kim Đồng thu hút tới hơn 1 triệu người theo dõi trang, Nhã Nam nhận được sự yêu thích của khoảng 913 nghìn người, NXB Trẻ có 204 nghìn người yêu thích... Ngược lại, cũng có những đơn vị xuất bản hoàn toàn “mờ dấu” trên mạng xã hội, hoặc là do chưa quan tâm đến kênh quảng bá này, hoặc là đã tạo lập trang nhưng lại để “rêu phong cỏ mọc”.

Thực tế, rất dễ tạo được một trang fanpage, nhưng chăm sóc và phát triển nó như thế nào lại không hề đơn giản. Muốn “níu chân” độc giả để họ luôn nhớ đến, các trang fanpage không chỉ cần được cập nhật hằng ngày, mà còn phải cập nhật nhiều lần trong ngày. Các nội dung đưa lên hết sức đa dạng, xen kẽ nhau để tạo hứng thú cho độc giả tương tác. Bên cạnh nội dung gợi sự tò mò, gây cảm hứng là phần hình ảnh, video sắc nét tạo điểm nhấn thu hút độc giả. Các thương hiệu lớn như Kim Đồng, Trẻ, Nhã Nam còn cùng lúc sử dụng nhiều trang fanpage khác nhau chia theo các dòng sách để độc giả tiện theo dõi. Ví như NXB Kim Đồng có Wings Books, Thế giới Manga, Kim Đồng kids, Kim Đồng - tri thức trẻ; Nhã Nam có Nhã Nam nho xanh, Nhã Nam bồ câu... Với nhiều đơn vị xuất bản, fanpage không phải là kênh bán hàng mà là nơi quảng bá sách, là địa chỉ lan tỏa văn hóa đọc.

Ngoài Facebook, các đơn vị xuất bản cũng không quên tạo dựng thương hiệu trên các mạng xã hội khác như Instagram, Twitter,  TikTok... Song, một vấn đề khiến các đơn vị xuất bản và nhà quản lý “đau đầu” là nạn sách nhái, sách lậu hoành hành trên mạng xã hội. Bởi tài khoản mạng xã hội hiện rất dễ dàng tạo lập nên đã xuất hiện không ít trang mạo danh bằng những cái tên mập mờ, khó phân biệt như “Nhà sách Tuổi Trẻ books”, “NXB Nhã Nam - Trang chuyên xả hàng tồn kho”, “Xưởng in Nhà xuất bản Trẻ”... nhằm đánh lừa khách hàng. Với thủ đoạn này, không ít độc giả đã “sập bẫy”, tưởng mua được sách rẻ mà lại hóa ra sách giả.

Để tìm đến đúng “địa chỉ”, theo ông Nguyễn Xuân Minh, Trưởng phòng Bản quyền, Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, độc giả hãy vào thăm các fanpage đã được xác thực (có dấu tích xanh bên cạnh tên). Nếu có điều gì chưa chắc chắn thì cần hỏi thêm thông tin. Sự cẩn thận là cần thiết bởi các trang fanpage chính thức chính là cầu nối đưa độc giả đến gần đơn vị xuất bản hơn.