Hòa Bình: Họp Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06

Chiều ngày 4/4, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 (gọi tắt Đề án 06) tổ chức họp triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì cuộc họp.

20220405-l00.jpg

Toàn cảnh cuộc họp.

Thực hiện Đề án 06, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để chỉ đạo thực hiện đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả. Trong đó, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban. Đến nay đã có 10/10 huyện, thành phố thành lập được Ban Chỉ đạo Đề án cấp huyện; 151/151 xã, phường, thị trấn, 1.482/1.482 thôn, xóm, bản trong toàn tỉnh đã thành lập tổ công tác thực hiện Đề án 06. Thời gian qua các cơ quan, đơn vị đã triển khai 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của đề án gồm: Phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phục vụ phát triển công dân số; Phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Tính đến hết tháng 3/2022 tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành đưa lên mức độ 3, mức độ 4 đối với 14/25 thủ tục hành chính thiết yếu liên quan đến người dân như: hoàn thành cung cấp Dịch vụ công trực tuyến xác nhận số chứng minh nhân dân khi được cấp thẻ Căn cước công dân cấp độ 4; cấp lại, đổi thẻ Căn cước công dân, cấp độ 3; khai báo tạm vắng, cấp độ 4; thông báo lưu trú, cấp độ 4... Cùng với đó, việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung của Đề án 06 cũng đã được đẩy mạnh, thông tin đến các tầng lớp Nhân dân dưới nhiều hình thức, phương pháp.

Đến nay, các cơ quan chuyên môn đã cung cấp 999 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong đó, đã thực hiện trên Cổng dịch vụ công cư trú đối với 71 hồ sơ. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh triển khai thực hiện ứng dụng định danh, tài khoản định danh điện tử cho công dân qua công tác cấp mới, cấp đổi, cấp lại căn cước công dân (CCCD) phục vụ các giao dịch của Công dân qua sử dụng các dịch vụ và tiện ích do các Bộ, ngành đã xác thực và đảm bảo. Thực hiện giải quyết 100% yêu cầu từ công dân về tạo lập danh tính điện tử; từng bước thực hiện xác thực thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNEID hoặc qua thẻ CCCD gắn Chíp điện tử như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe... cho công dân dần thay thế các giấy tờ trong một số các giao dịch theo quy định của pháp luật...

Tuy nhiên, khó khăn của tỉnh để triển khai Đề án là tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công còn thấp; nhân lực và hạ tầng CNTT còn hạn chế. Do vậy, UBND tỉnh cần phải xem xét, chỉ đạo, kiến nghị các cấp Bộ, ngành có sự hỗ trợ, giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn để tập trung triển khai thực hiện Đề án một cách có hiệu quả.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Đề án 06 tỉnh nhấn mạnh: Việc thực hiện đề án là nhiệm vụ mới, lần đầu tiên triển khai thực hiện, do đó cần quyết tâm chính trị cao, sự chủ động, tích cực phối hợp giữa các sở, ban, ngành để thực hiện; phải nêu cao trách nhiệm, bám sát việc, nỗ lực với tinh thần cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Chủ tịch cho rằng để triển khai thực hiện Đề án một cách hiệu quả thì cần phải có nguồn lực đầu tư nguồn lực con người, đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật, công nghệ. Do đó, Chủ tịch tỉnh Hòa Bình giao cho các sở, ngành, UBND các huyện tập trung rà soát, xác định nhu cầu, lập dự toán kinh phí báo cáo cơ quan thường trực Đề án 06 của tỉnh tổng hợp xong trước ngày 15/4/2022 trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét; giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với cơ quan thường trực Đề án và các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh tổ chưc tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ liên quan đến việc triển khai Đề án; giao cho các sở ngành, cơ quan chuyên môn của tỉnh kết nối với các bộ, ngành, lĩnh vực phụ trách để triển khai thực hiện việc quản lý, chia sẻ dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.../.