''Tủ sách đời người'' thúc đẩy văn hóa đọc

Công ty cổ phần Sách Omega Việt Nam (Omega Plus) vừa ra mắt dự án "Tủ sách đời người", với mong muốn góp phần xây dựng và thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng. Dự án do Công ty sách Omega Plus khởi xướng với sự đồng hành của Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn, Thư viện Quốc gia, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Câu lạc bộ Đọc sách cùng con…

20220404-l1.jpg

Ra mắt dự án "Tủ sách đời người - Tinh tuyển cho người Việt".

"Tủ sách đời người" gồm 7 tủ sách nhỏ: Dành cho thiếu nhi, văn học kinh điển thế giới, văn học Việt Nam, phát triển bản thân, phong tục - tập quán, văn hóa - giáo dục, lịch sử - tư tưởng; tinh tuyển tối thiểu 100 tựa sách kinh điển. Qua đó cung cấp cho độc giả Việt Nam danh mục đầy đủ những cuốn sách đáng đọc nhất trong từng giai đoạn cuộc đời, góp phần lan tỏa văn hóa đọc tới từng gia đình, từng cá nhân. Tủ sách có sự đồng hành, đóng góp, phản biện của Ban cố vấn chuyên môn là các học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, nhà hoạt động xã hội, chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản hiểu về thị trường sách, thị hiếu của độc giả; những người xuất thân và sinh trưởng trong những gia đình có nền nếp đọc sách cũng như những người có trải nghiệm và hiểu biết về văn hóa đọc của người Việt Nam.

Để xây dựng tủ sách này, Omega Plus phát động bình chọn “100 cuốn sách nên đọc trong đời” thu thập ý kiến đóng góp, đề xuất của các độc giả. Các tác phẩm cộng đồng bình chọn sẽ được đánh giá, chọn lọc kỹ lưỡng bởi Ban cố vấn chuyên môn và được đơn vị đưa vào xuất bản trong dự án "Tủ sách đời người".

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh chia sẻ: "Chúng tôi rất muốn đồng hành nhiều hơn với các chương trình văn hóa đọc. Việc khuyến đọc cũng còn một phần là ở trách nhiệm xã hội của báo chí. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng dự án dài hơi hơn là con số 100+" .

Việc xây dựng dự án "Tủ sách đời người", với một danh mục khoảng 100 tác phẩm so với số lượng sách khổng lồ trong đời sống quả là một quyết định mạnh dạn của Omega Plus, bởi dễ xảy ra ồn ào do sự tranh luận của cộng đồng. Song, sự tranh luận ấy cũng là biện pháp để kích thích mọi người đến với sách, đọc và có những lý giải, phản biện hợp lý về tầm quan trọng của từng cuốn sách. Điều này cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

 

Bà Trần Hoài Phương, đại diện Omega Plus nhận định: "Sự đọc là một hoạt động cá nhân và riêng tư; nhưng việc tạo các điều kiện, môi trường, thiết kế hệ sinh thái để đưa mỗi cá nhân tới việc đọc, là một việc mang tính xã hội, cần một cái nhìn rộng và một chiến lược dài hơi, bền bỉ và nhẫn nại, với sự góp sức của nhiều cá nhân và nhiều tổ chức trong xã hội".

TS. Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong suốt cuộc đời mỗi người, chúng ta luôn cần những cuốn sách đi cùng như người tri kỷ thầm lặng, như người thầy đáng tin cậy và đôi khi là người gắn kết văn hóa của mọi thế hệ dưới một mái nhà.

"Kho tàng tri thức của nhân loại là rộng lớn vô tận, và ngay cả khi thực sự quan tâm đến việc đọc, đôi lúc chúng ta vẫn không khỏi băn khoăn ở độ tuổi này nên đọc sách gì, chọn lựa ra sao và đọc như thế nào. Do đó, dự án này mang tính gợi mở, trợ giúp mọi người tìm sách hay, sách tốt cho gia đình, để đọc sách trở thành thành thói quen trong cuộc sống hàng ngày, thành nhu cầu tự thân",TS. Nguyễn Xuân Dũng nhấn mạnh.