Việc “chạy” nhờ ứng dụng phần mềm chuyên ngành

Để đáp ứng nhu cầu tin học hóa dữ liệu, các sở, cơ quan chuyên môn trong tỉnh Bắc Giang đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm chuyên ngành. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công việc, từng bước thực hiện chuyển đổi số.

Quản lý điện tử

Sở Nông nghiệp và PTNT là một trong những đơn vị áp dụng hiệu quả các phần mềm chuyên ngành trong quản lý, điều hành công việc. 

Ông Nguyễn Đình An, Phó Chánh Văn phòng Sở cho biết: Năm 2019, Sở xây dựng bản đồ số hóa nông nghiệp tỉnh Bắc Giang và tích hợp với cơ sở dữ liệu của tỉnh. Từ những lợi ích của hệ thống mang lại, năm 2021, Sở tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng các phần mềm chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành và phát triển ngành như: Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về chăn nuôi tỉnh Bắc Giang; phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý về cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý thủy sản. Các phần mềm hoạt động theo mô hình phân quyền, trực tuyến.

bac-giang-cds-2-1665073775379717088090-68-0-693-1000-crop-16650737869661728375836.jpg

Bắc Giang triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số

Lợi ích của hệ thống là thay vì quản lý, tổng hợp bằng văn bản thì cán bộ chuyên môn cập nhật lên hệ thống điện tử và có hiển thị thời gian thực; bảo đảm tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu chính xác, hiệu quả. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị qua hệ thống có thể thấy diễn biến tình hình phát triển của từng ngành. 

Trực tiếp phụ trách lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, chị Hoàng Thị Thủy, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa chia sẻ: “Khối lượng công việc lớn, sổ sách nhiều nên khi đưa các phần mềm vào sử dụng giảm tải giấy tờ, thuận lợi khi trích xuất số liệu phục vụ công tác báo cáo, thống kê. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế về tính năng, đề nghị Sở và đơn vị tư vấn sớm điều chỉnh cho phù hợp”.

Từ cuối năm 2021, Sở Nội vụ triển khai phần mềm quản lý cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Hệ thống giúp các đơn vị quản lý hồ sơ nhân sự hiệu quả, giảm chi phí, thời gian, công sức, thuận tiện trong việc tra cứu, tìm kiếm hồ sơ. Hiện đã có 1.318 tài khoản được phân cấp truy cập hệ thống, tính bảo mật cao. Thống kê từ Sở Nội vụ, hiện phần mềm đã cập nhật hồ sơ của 42.757 trường hợp.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, hiện nhiều đơn vị đã xây dựng hệ thống chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn. Các phần mềm bảo đảm tính kết nối với cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Đơn cử như Sở Tài nguyên và Môi trường đang đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh; Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai Trung tâm dự báo cảnh báo cháy rừng, bản đồ hệ thống thủy lợi; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận hành Cổng du lịch thông minh của tỉnh...

Đầu tư tập trung, mở rộng kết nối

Việc sử dụng phần mềm chuyên ngành giúp các cơ quan dễ dàng quản lý, nâng hiệu quả công việc. Tuy nhiên quá trình thực hiện cần xem xét liên kết, tích hợp với nhau, bảo đảm khai thác dùng chung; nghiên cứu xây dựng các phần mềm, ứng dụng có tính tương tác với người dân.

Theo ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đơn vị đang nghiên cứu xây dựng kho học liệu toàn ngành, hệ thống bài giảng điện tử chuẩn MLS. Riêng Trường THPT Chuyên Bắc Giang sẽ làm kho riêng, đáp ứng yêu cầu giáo dục chất lượng cao. Tiến tới tích hợp dần các phần mềm thành hệ thống dùng chung thống nhất trong toàn ngành. 

Để các phần mềm phát huy hiệu quả, ngoài hạ tầng, trang thiết bị, Sở xác định con người là yếu tố quan trọng. Ngành Giáo dục định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công nghệ thông tin theo 3 cấp độ: Cốt cán, nâng cao, đại trà; trong đó nòng cốt là giáo viên có trình độ tin học. Cùng đó phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ biên tập tài liệu thống nhất để triển khai tập huấn trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Ngoài xây dựng các phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, nhiều cơ quan, đơn vị còn triển khai ứng dụng mang tính kết nối với người dân. Đơn cử như Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã triển khai ứng dụng việc làm trên điện thoại di động. Người dùng có điện thoại thông minh, hệ điều hành Androi tải ứng dụng trên kho dữ liệu về và sử dụng. Ứng dụng này giúp người lao động được cập nhật thường xuyên các vị trí việc làm mà không mất thời gian tìm kiếm. 

 

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, hơn 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 85% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 65% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc bí mật nhà nước), hiện các cơ quan chuyên môn, UBND các cấp đang tập trung xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số.

 

Doanh nghiệp có thể nhận thông tin hồ sơ ứng viên phù hợp với vị trí tuyển dụng để phỏng vấn. Anh Nguyễn Văn Đáng, xã Mỹ Hà (Lạng Giang) cho biết: “Tôi tải ứng dụng và gửi thông tin cá nhân, bản tóm tắt năng lực, hồ sơ, vị trí việc làm mong muốn. Rất nhanh sau đó tôi đã nhận được thông báo từ đơn vị tuyển dụng và hiện đã tìm được việc làm tại Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang LGG”. Được biết, đến nay đã có hơn 300 lượt người được giới thiệu việc làm thông qua ứng dụng.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, hơn 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 85% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 65% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc bí mật nhà nước), hiện các cơ quan chuyên môn, UBND các cấp đang tập trung xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số. Nghiên cứu phát triển hạ tầng và nền tảng số; ứng dụng, cơ sở dữ liệu, dịch vụ số của tỉnh. 

Cụ thể như xây dựng kho dữ liệu số tỉnh Bắc Giang để quản lý thống nhất việc lưu trữ, chia sẻ, trao đổi, bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả các tài liệu lưu trữ điện tử của tỉnh hình thành trong quá trình chuyển đổi số; ứng dụng công chức số tỉnh Bắc Giang. Phát triển hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng, quy hoạch đô thị, giao thông và các dữ liệu khác trên nền hệ thống thông tin địa lý (GIS) .