Bắc Ninh: Triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi IPv6

Việc triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi IPv6 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh góp phần vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh, bảo đảm tính sẵn sàng trước công nghệ mới của Internet và bắt kịp các yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó tạo thêm nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trước nhiệm vụ đó, tỉnh Bắc Ninh đã có sự chuẩn bị, hoàn thiện hệ thống mạng kết nối Internet để có khả năng tương thích chuyển đổi IPv6. Mặt khác, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các cổng thành phần đã cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

100-cap-xa.jpg

Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước kết nối đến trung tâm dữ liệu của tỉnh Bắc Ninh.

Đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin (CNT) trong các cơ quan nhà nước của tỉnh đã từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước, cụ thể như sau: 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 100% cán bộ công chức cấp huyện, khoảng 50% cán bộ, công chức cấp xã có máy tính sử dụng trong công việc. 100% đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã trang bị hệ thống sao lưu dữ liệu tập trung (SAN, DAS) phục vụ cho việc phục hồi khi có sự cố máy tính xảy ra; trang bị thiết bị tường lửa lớp mạng (Firewall), phần mềm quét virus, lọc thư rác, hệ thống cảnh báo truy nhập trái phép đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống mạng nội bộ của cơ quan, đơn vị. Phần mềm, ứng dụng cơ bản được 100% đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện triển khai đồng bộ phần mềm quản lý cán bộ, công chức; 100% đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã triển khai phần mềm tài chính - kế toán và quản lý tài sản cố định, bước đầu phát huy hiệu quả trong hoạt động quản lý và điều hành.

Hiện 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan cấp xã đã được kết nối hệ thống mạng LAN và mạng Wan tốc độ cao, đáp ứng được nhu cầu trao đổi dữ liệu trong nội bộ cơ quan và kết nối đến trung tâm dữ liệu của tỉnh. Mạng WAN nội tỉnh cung cấp băng thông tốc độ cao đáp ứng hoạt động của Chính quyền điện tử các cấp; hoạt động của hệ thống camera giám sát, bao gồm 296 camera thuộc dự án thí điểm giám sát tại các điểm trọng yếu, cơ quan nhà nước cấp tỉnh, các trường học, địa điểm công cộng và điểm nút giao thông quan trọng ổn định, giúp điều tra nhanh và xử lý các vụ việc nhất là về an ninh trật tự, an toàn giao thông. Dự kiến giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục triển khai khoảng 3200 camera với 1038 địa điểm tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thiện việc nâng cấp cổng thông tin điện tử của tỉnh gồm 01 cổng chính của UBND tỉnh; 29 cổng thành phần của các sở, ban, ngành và UBND các huyện thành phố. Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các cổng thành phần đã cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. 100% thủ tục hành chính được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các cổng thành phần của các cơ quan, đơn vị đảm bảo truy cập thuận tiện, công khai thông tin tới mọi người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng được khoảng 74 cơ sở dữ liệu các chuyên ngành đưa vào sử dụng, 15 cơ sở dữ liệu đang trong quá trình xây dựng. Theo đó, một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã được triển khai gồm có: Cơ sở dữ liệu GIS về quản lý ngành công thương; cơ sở dữ liệu GIS trong ngành giao thông vận tải; cơ sở dữ liệu quản lý tài liệu lưu trữ; cơ sở dữ liệu quản lý hộ chiếu ngoại giao – công vụ, quản lý dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh…

Trung tâm tích hợp dữ liệu (Data center) tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế được triển khai đúng tiến độ nhằm mục đích tập trung hệ thống thông tin của cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh, nhờ đó dễ dàng quản lý, khai thác sử dụng 24/7, hạn chế tối đa việc mất an toàn thông tin và dữ liệu. Trung tâm điều hành thành phố thông minh đã bước sang giai đoạn vận hành thử nghiệm từ tháng 11/2019 và đang trong giai đoạn tiếp tục triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Bên cạnh một số kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn trong triển khai IPv6. Số lượng thiết bị máy tính cá nhân của các cán bộ, công chức trong toàn tỉnh ngày càng tăng nhưng vẫn còn tồn tại nhiều thiết bị máy tính cũ, sử dụng hệ điều hành Windows đời cũ, để có thể hoạt động được địa chỉ IPv6 cần có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin có trình độ chuyên môn thiết lập. Một số cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị cấp xã vẫn còn hạn chế về năng lực, chưa có thói quen ứng dụng công nghệ thông tin. Số lượng cán bộ phụ trách về công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị vẫn còn thiếu, nhiều cán bộ đang làm việc theo hình thức kiêm nhiệm; kiến thức về quản trị mạng và an toàn thông tin chưa theo kịp nhu cầu thực tế; chưa có nhiều kinh nghiệm thay đổi thông số IPv6 cho toàn bộ hệ thống. Các hệ thống phần mềm ứng dụng còn thiếu đồng bộ, thiếu hỗ trợ nên gây khó khăn trong việc chuyển đổi IPv6. Một số đơn vị còn duy trì hạ tầng hệ thống thông tin riêng hoặc thuê hạ tầng của doanh nghiệp, chưa sử dụng chung hạ tầng trung tâm dữ liệu của tỉnh.

Để khắc phục những khó khăn, tỉnh Bắc Ninh đang từng bước thống nhất về nội dung, cách thức triển khai, lộ trình thực hiện việc chuyển đổi Ipv4 sang Ipv6 cho toàn bộ hệ thống thông tin kết nối Internet của các các sở, ban, ngành tỉnh; UBND cấp huyện; đưa IPv6 vào kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ cho việc phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh của tỉnh đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin, an ninh mạng và đi đúng xu hướng công nghệ toàn cầu; thực hiện chuyển đổi sang địa chỉ IPv6 trên toàn bộ hệ thống thông tin, các dịch vụ có kết nối Internet, mạng kết nối diện rộng (WAN) của các đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trong toàn tỉnh; chuyển đổi sang địa chỉ IPv6 các hệ thống máy chủ, thiết bị lưu trữ,thiết bị mạng và an ninh mạng, cổng thông tin điện tử của tỉnh, các hệ thống dịch vụ công trực tuyến, thư điện tử, phần mềm nội bộ tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Theo đó, tỉnh nhà bảo đảm đến đầu năm 2023, toàn bộ mạng lưới và dịch vụ Internet trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi để hoạt động một cách an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 (tương thích với công nghệ IPv6).