Thái Nguyên đẩy mạnh đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn TMĐT

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TTvề phát triển kinh tế số đặc biệt là chuyển đổi số Nông nghiệp, nông thôn, trong năm 2021 hai sàn thương mại điện tử (TMĐT) của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là Postmart.vn và sàn TMĐT Voso của Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã đưa hơn 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT để mở ra một kênh tiêu thụ mới cho nông sản, đặc sản cho bà con nông dân trên toàn quốc.

u2_5.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng phát biểu về việc đẩy mạnh đưa nong sản Thái Nguyên lên sàn TMĐT

Thái Nguyên ưu tiên tiên chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình 1034 do Bộ TT&TT ban hành năm 2021 và thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp qua kênh TMĐT, Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn năm 2022.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu đưa 10 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên mỗi sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn nhằm gia tăng các giá trị, thương hiệu nông sản trên sàn TMĐT thuần Việt. Để triển khai chiến lược có hiệu quả, ngành Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp, Công thương, các Hội và Hiệp hội tổ chức nhiều hội nghị cũng như những khoá đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến cho các hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận phương thức kinh doanh mới trên môi trường số tại các tỉnh/thành phố.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng cho biết, chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên đã xác định lĩnh vực Nông nghiệp là một trong 08 lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số của tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu, mở ra không gian phát triển mới cho các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Thực hiện Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 07/10/2020, Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 177/KH-UBND về việc hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn Thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Qua gần 06 tháng triển khai, với sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương; cùng sự tham gia của các cơ quan, đơn vị như Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các chính quyền địa phương; đặc biệt là sự chủ động, tích cực của Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Thái Nguyên đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động và đạt được những kết quả tích cực, như là: hơn 60.000 hộ SXNN được hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số; gần 55.000 hộ SXNN được mở gian hàng trên sàn TMĐT và được cung cấp tài khoản thanh toán số; gần 2.000 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được đưa lên sàn TMĐT, tiêu thụ được 50 tấn nông sản địa phương.

Thông qua các sàn thương mại điện tử, các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên đã bước đầu quảng bá, tiếp cận đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, qua đó, nâng cao thu nhập của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Thông qua hội nghị, Thái Nguyên mong muốn được lắng nghe những định hướng từ Bộ Thông tin và Truyền thông về những kinh nghiệm triển khai thành công, những giải pháp mới và cả những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai nhằm hướng đến mục tiêu giúp cho các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có cơ hội được tiếp cận các giải pháp mới khi tham gia sàn TMĐT, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc đưa công nghệ kỹ thuật vào trong sản xuất cũng như quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông sản, đang từng bước đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đáp ứng theo yêu cầu của Chính phủ và Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.

Cơ hội hình thành nhiều "hộ sản xuất nông nghiệp số"

Ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Hội nghị lần này là cơ hội để các doanh nghiệp sở hữu sàn TMĐT, hình thành thêm nhiều các “Hộ SXNN số” có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn TMĐT. Ngoài ra, hội nghị cũng là cơ hội để tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn TMĐT cho các hộ SXNN và người dân; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn TMĐT, nền tảng số.

Ông Vũ Chí Kiên, Phó vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT cho biết: nhằm đồng hành cùng ngành Nông nghiệp và phát triển Nông thôn trong hỗ trợ người dân chuyển đổi số, Bộ TT&TT là đơn vị được chính phủ giao chủ trì xây dựng và phát triển kinh tế số trong đó chú trọng số hoá nông nghiệp và các sản phẩm nông sản đặc sản, ngay từ những ngày đầu thí điểm đã có những kết quả đáng kể làm tiền đề phát triển cũng như tạo niềm tin cho người nông dân chuyển đổi số.

Bộ TT&TT nỗ lực để nông dân cả nước tiếp cận các phương thức mới này, từ đó xoá bỏ được hiện trạng được mùa, mất giá, tư thương ép giá nông dân, người tiêu dùng không được tiếp cận sản vật ngon, sạch. Từ đó tạo thương hiệu, vị thế nông sản của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Ông Kiên nhấn mạnh.

Tại hội nghị, đại diện Lãnh đạo các sở, ngành, các doanh nghiệp cũng có tham luận, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm để tìm ra những giải pháp đồng hành cùng các địa phương phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn, hướng tới hệ sinh thái đa giá trị, trong đó ưu tiên giá trị bản địa và phát triển bền vững.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Dương Văn Lượng cho rằng để phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được nhận diện, để triển khai hiệu quả các nội dung của Kế hoạch 177/KH-UBND hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT, phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn được hiệu quả và bền vững, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cần tập trung triển khai một số nội dung như sau: UBND các huyện, thành phố, thị xã cần tích cực cung cấp thông tin đầy đủ các hộ SXNN; phối hợp với các sàn TMĐT hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan, UBND cấp xã hỗ trợ các sàn TMĐT triển khai các hoạt động hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Cố gắng đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên các sàn trong Tháng 4 năm 2022; Tăng cường đánh giá, gán nhãn sản phẩm, hộ SXNN trên sàn TMĐT để đảm bảo uy tín, thương hiệu các sản phẩm, hộ SXNN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Triển khai hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản Thái Nguyên, nhất là các sản phẩm đặc sản, sản phẩm Chè Thái Nguyên.

Đối với hai sàn TMĐT là Postmart và Vỏ Sò, Phó Chủ tịch Dương Văn Lượng đề nghị có chính sách cung cấp, chia sẻ thông tin tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên cả nước phục vụ kết nối cung-cầu và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên. Đầu tư vào logistics nhằm xây dựng hạ tầng cho phát triển thương mại, thương mại điện tử và kinh tế số trên địa bàn…