Nâng tiền phạt sử dụng trái phép thông tin cá nhân lên 60 triệu đồng

Việc thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác sẽ bị phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng thay vì từ 20 - 30 triệu đồng.

20220905-ta1.jpg

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Theo đó, một trong những điểm được nhiều người quan tâm của Nghị định số 14/2022 là việc nâng mức xử phạt đối với hành vi thu thập, phát tán thông tin cá nhân của người khác khi chưa được phép. 

Cụ thể, nếu người nào đó sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác sẽ bị phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng.

Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 14/2022 là quy định phạt tiền từ 100 - 140 triệu đồng đối với hành vi sử dụng băng tần, vị trí quỹ đạo vệ tinh nhưng không có giấy phép tần số và quỹ đạo vệ tinh.Ở Nghị định 15/2020, số tiền xử phạt đối với hành vi tương tự là từ 20 - 30 triệu đồng. Như vậy, Nghị định số 14/2022 đã tăng gấp đôi mức xử phạt đối với hành vi vi phạm. 

Bên cạnh đó, nếu quảng cáo bằng thư điện tử, quảng cáo bằng tin nhắn hoặc cung cấp dịch vụ nhắn tin qua mạng Internet nhưng không có hệ thống tiếp nhận, xử lý yêu cầu từ chối của người nhận người vi phạm sẽ bị xử phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng. 

Đây cũng là mức xử phạt được áp dụng đối với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.

Nghị định số 14/2022 cũng bổ sung thêm quy định phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi áp dụng giá cước không đúng với giá cước các dịch vụ bưu chính như đã đăng ký hoặc kê khai hoặc thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo đó, tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" của tổ chức, cá nhân sẽ bị tạm giữ để xử phạt vi phạm hành chính nếu cung cấp, truyền đưa, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia hay quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm.Ngoài ra, Nghị định số 14/2022 còn bổ sung  Điều 4a về áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

Đây cũng là biện pháp áp dụng đối với hành vi cung cấp, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, không phù hợp với lợi ích của đất nước, gây ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại truyền thống lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc.

Các trang web tên miền “.vn” cung cấp, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tuyên truyền, kích động khủng bố, bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội cũng sẽ bị tạm giữ tên miền để xử phạt vi phạm hành chính.

Nguồn: Theo Vietnamnet