Hải Phòng: Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện ở mọi cấp, mọi ngành

Hội thảo Chữ ký số và lưu trữ điện tử tập trung - Nền tảng xây dựng chính quyền số và công dân số đã được tổ chức tại thành phố Hải Phòng ngày 24/2.

20220224-m05.jpg 

Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ Đặng Thành Tùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTXVN phát

Sự kiện này do Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS tổ chức với sự tham gia của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo thành phố Hải Phòng. 

Sự kiện là cơ hội để các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố Hải Phòng được nghe và chia sẻ các định hướng của Chính phủ về chuyển đổi số và một số kinh nghiệm đã triển khai thực tế, từ đó sẽ giúp triển khai chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị theo tinh thần và yêu cầu đã nêu trong Quyết định số 284/QĐ-UBND của UBND thành phố về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

20220224-m06.jpg

Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: TTXVN phát

Tại Hội thảo, các diễn giả đến từ Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang, Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS chia sẻ về các nội dung liên quan đến nền tảng xây dựng chính quyền số, công dân số như: Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước; Thời cơ, thách thức và định hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế, Giáo dục; Ký số, lưu trữ điện tử lâu dài và xác thực tài liệu điện tử; Ứng dụng chữ ký số trong dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử… 

Các diễn giả chia sẻ về những quan điểm mới, mục tiêu về lưu trữ lịch sử, lưu trữ chuyên ngành, trách nhiệm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chia sẻ về các vấn đề phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong y tế; chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh; chuyển đổi số bệnh viện; một số khuyến nghị trong công tác chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng. 

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, để xây dựng kho lưu trữ số tập trung cần đồng thời hoàn thiện hai vấn đề cốt lõi, đó là khung pháp lý và khung kỹ thuật. Hiện nay, Luật Lưu trữ và các Nghị định, Thông tư liên quan chưa theo kịp các nhu cầu về hình thành, quản lý văn bản điện tử trong thực tiễn. Khung kỹ thuật chưa đầy đủ, chưa có quy định khung kiến trúc cho lưu trữ điện tử; ký số và ký điện tử trên tài liệu gặp rủi ro. Từ đó, đề xuất xây dựng khung kiến trúc lưu trữ số Việt Nam áp dụng mô hình OAIS - ISO 14721:2012 và ISO 14721:2012.

Hội thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế đã triển khai tại tỉnh Hậu Giang, tính pháp lý của hồ sơ nộp trực tuyến, khó khăn, vướng mắc và những giải pháp. Để ứng dụng chữ ký số hiệu quả trong thực tế, địa phương đã kết hợp hai giải pháp ký số truyền thống USB token và ký số từ xa, đề xuất doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ giải pháp ký số trong giai đoạn thí điểm, tài trợ chi phí cho người dân sử dụng chữ ký số giúp hình thành thói quen, triển khai ký số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại thông minh.

20220224-m07.jpg

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng Lương Hải Âu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTXVN phát

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng Lương Hải Âu, chuyển đổi số là động lực trong phát triển thành phố Hải Phòng, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp nhằm phục vụ tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Trong đó, dữ liệu số là nguồn tài nguyên, kết quả quan trọng của quá trình làm việc số, cần được xây dựng, lưu trữ, thống nhất, chia sẻ trên toàn bộ hệ thống, đồng thời bảo đảm tính bảo mật, xác thực lâu dài. 

Công tác lưu trữ đang ở thời khắc chuyển đổi vô cùng quan trọng mang tính cách mạng. Khác biệt với việc lưu trữ văn bản giấy thì lưu trữ văn bản điện tử cần đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và đặc biệt là yêu cầu định danh, xác thực người dùng thông qua hệ thống chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng nhằm đảm bảo tính an toàn, bảo mật và giá trị pháp lý khi thực hiện trên môi trường điện tử. Chữ ký số và lưu trữ tài liệu điện tử giúp hình thành những kho lưu trữ số đáp ứng tiêu chuẩn sẽ tạo nền tảng xây dựng chính quyền số, công dân số. 

Năm 2022 là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, toàn dân và toàn diện trên địa bàn thành phố. Phát triển hệ thống ký số và lưu trữ điện tử tập trung sẽ tạo đà để Hải Phòng có những bước tiến đột phá trong cải cách hành chính, chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.

Nguồn: Đoàn Minh Huệ (TTXVN)