Những ưu tiên chính trong Chiến lược cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của ASEAN

Chiến lược hợp nhất của ASEAN cho cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 được xây dựng nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của khu vực khi Đông Nam Á đang nhanh chóng số hóa và hướng tới cuộc CMCN lần thứ tư.

Chiến lược hợp nhất của ASEAN cho cuộc CMCN lần thứ 4 (4IR) đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 38 vào tháng 10/2021. Chiến lược trên chỉ rõ cách thức Cộng đồng ASEAN thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) và tiếp nhận các công nghệ mới một cách toàn diện, vì lợi ích của nền kinh tế khu vực và xã hội rộng lớn hơn.

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến với chủ đề "Nắm bắt cuộc CMCN lần thứ 4: Triển vọng, chiến lược và kế hoạch cho ASEAN" diễn ra mới đây, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế Satvinder Singh nhấn mạnh rằng mặc dù ASEAN đã đưa ra nhiều sáng kiến liên quan đến 4IR trên ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, song cần có sự đồng bộ hơn thông qua một chiến lược hợp nhất để thúc đẩy 4IR trong khu vực.

20221027-ta17.jpg

Tăng tốc CĐS trong đại dịch

Cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 đẩy nhanh quá trình CĐS trên toàn thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Thống kê cho thấy tỷ lệ dân số Đông Nam Á có kết nối di động cao hàng đầu thế giới, với 463 triệu người trong khu vực sử dụng Internet. Đây là cơ sở cho dự báo kinh tế số sẽ đóng góp 1.000 tỷ USD cho GDP ASEAN.

Thời gian dành cho trực tuyến mỗi ngày tăng trung bình một giờ ở các nước ASEAN, với mức tăng đột biến cao nhất ở Philippines, nơi người tiêu dùng dành hơn 5 giờ trực tuyến mỗi ngày.

Việc sử dụng thương mại điện tử (TMĐT) cũng đã tăng lên kể từ khi bắt đầu đại dịch, với sự tiếp nhận mạnh nhất ở Indonesia, tiếp theo là Philippines và Malaysia. Khi người tiêu dùng ngày càng chấp nhận những lợi ích của sự an toàn và tiện lợi từ TMĐT, sự chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến vẫn duy trì sau đại dịch.

Điều thú vị là nhiều quốc gia ASEAN đã chứng kiến sự chấp nhận TMĐT của người dùng Internet mạnh mẽ hơn so với mức trung bình của thế giới cũng như nhiều thị trường trưởng thành. Trong năm 2021, 72% người dùng Internet tại 4 quốc gia thành viên ASEAN (Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia) lần đầu tiên tham gia vào mua sắm trực tuyến. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của CĐS, nền kinh tế Internet và các lĩnh vực liên quan khác như TMĐT... Tất cả đều báo hiệu những khởi đầu tốt cho 4IR tại ASEAN.

Mặc dù đạt được những tiến độ ấn tượng, nhưng theo ông Satvinder Singh, ASEAN cần phải tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực và công nghệ nhất định. Một trong số đó là đầu tự vào trí tuệ nhân tạo (AI), ASEAN hiện chỉ đầu tư khoảng 2 USD trên đầu người so với Mỹ và Trung Quốc với mức đầu tư lần lượt là 155 USD và 21 USD trên đầu người. Do đó, để các quốc gia thành viên ASEAN nhận được đầy đủ những lợi ích tiềm năng mà 4IR mang lại, đầu tư vào các thị trường chưa được khai thác như AI sẽ là chìa khóa quan trọng.

Với việc đưa ra các sáng kiến liên quan đến 4IR được dẫn dắt bởi ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN - đó là Cộng đồng Chính trị- An ninh ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) - Chiến lược hợp nhất của ASEAN cho 4IR áp dụng cách tiếp cận toàn diện để đảm bảo sự phát triển cân bằng, cho phép 4IR không chỉ được sử dụng như một động cơ cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của khu vực

Những ưu tiên chính trong Chiến lược 4IR của ASEAN

Theo TS. Alexander Chandra thuộc Ban Thư ký ASEAN, 4IR là nơi hội tụ của các cộng đồng vật lý và kỹ thuật số bao gồm các chính phủ, doanh nghiệp (DN) và xã hội. Do đó, việc thực hiện Chiến lược hợp nhất sẽ đòi hỏi những điều chỉnh cần thiết từ các lĩnh vực này. Ví dụ, các chính phủ sẽ cần phải thay đổi quan điểm của mình khi họ xây dựng các chính sách và quy định để thích ứng hơn với sự phát triển 4IR.

Tương tự, các xã hội sẽ cần trở nên bao trùm các thành viên của họ hơn trong không gian số bằng cách ban hành các biện pháp cụ thể như các chương trình nhằm trang bị cho công dân những bộ kỹ năng cần thiết để thành công trong cuộc cách mạng số.

Theo đó, ASEAN sẽ ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm và các ưu tiên chiến lược sau:

Quản trị công nghệ và an ninh mạng: Với việc các chính phủ phải điều chỉnh để  nhanh chóng, cách thức quản trị được thực hiện giờ đây phải xem xét các sắc thái do 4IR mang lại như các sáng kiến chính phủ điện tử (CPĐT), tôn trọng dữ liệu trong bối cảnh quyền riêng tư và bảo mật, hoặc thậm chí giám sát và cảnh giác với tội phạm mạng.

Kinh tế số: Để phát triển các nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt, bao trùm và quan trọng nhất là cạnh tranh, các quốc gia ASEAN sẽ cần khai thác công nghệ để tối đa hóa tiềm năng của chúng. Điều này có thể được thực hiện theo một số cách thức, ví dụ việc áp dụng nông nghiệp thông minh hoặc số hóa các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

CĐS xã hội: Chính đại dịch COVID-19 vừa là thách thức, vừa là động lực buộc ASEAN phải thúc đẩy cộng đồng kỹ thuật số khi mà khu vực này hiện có trên 400 triệu người dùng Internet, riêng trong năm 2020, đã có thêm 40 triệu người dùng mới. Việc nắm bắt các cơ hội phát triển từ kỹ thuật số có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, tăng cường kết nối, nâng cao vị thế của ASEAN trong tương lai. 

Để thúc đẩy các cộng đồng số, điều quan trọng là cần tận dụng các giải pháp số để giải quyết nhu cầu của người dân. Ví dụ, việc nâng cao kỹ năng và đào tạo lại cho người lao động để đảm bảo rằng họ có các khả năng phù hợp với bối cảnh của 4IR. Ngoài ra, CĐS xã hội cũng sẽ diễn ra trong các lĩnh vực khác như bao trùm số các nhóm thiểu số hoặc phát triển văn hóa thông qua sáng tạo nội dung số.

Chiến lược hợp nhất của ASEAN cho 4IR là sản phẩm của sự hợp tác từ các bên liên quan trong khu vực, bao gồm các quốc gia thành viên, các cơ quan ban ngành và các đối tác tư nhân, 4IR đang nhanh chóng trở thành một tầm nhìn thống nhất trên toàn bộ Đông Nam Á. Chiến lược là nỗ lực của ASEAN trong việc tạo ra một khu vực toàn diện, tiến bộ và có khả năng thích ứng cao nhằm đi đầu trong cuộc cách mạng kỹ thuật số./.