Bài 2: Định hướng sâu sắc, sáng suốt về phát triển bền vững

Qua các bài viết trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp người đọc hình dung rõ hơn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà chúng ta đang xây dựng.

25.jpg

Ảnh minh họa/Tuyengiao.vn

Trong đó, một đặc trưng cơ bản, thuộc tính quan trọng của kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Từ bài toán nan giải của thế giới: Bất bình đẳng giàu nghèo

Trong đại dịch Covid-19, người giàu trên thế giới ngày càng giàu trong khi người nghèo càng trở nên khó khăn. Điều này được phản ánh trong Báo cáo bất bình đẳng thế giới do một nhóm các nhà khoa học xã hội thực hiện. Cụ thể theo báo cáo này, giá trị tài sản mà các tỷ phú trên thế giới sở hữu trong năm 2021 chiếm 3,5% giá trị tài sản toàn cầu, cao hơn nhiều so với mức 2% khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020.

Nhà kinh tế học người Pháp Lucas Chancel-tác giả báo cáo-nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm gia tăng bất bình đẳng giữa những người rất giàu và phần còn lại của thế giới. Một nhóm 520.000 người trưởng thành giàu nhất-chỉ chiếm 0,01% dân số thế giới-năm 2021 sở hữu 11% tài sản toàn cầu, tăng so với con số 10% năm 2020. Người nằm trong nhóm thiểu số này sở hữu tài sản có giá trị ít nhất 16,7 triệu euro (19 triệu USD).

Danh sách các tỷ phú thế giới hằng năm do Forbes bình chọn năm 2021 cho thấy, số tỷ phú kỷ lục 2.755 người nắm giữ tổng giá trị tài sản lên tới 13.100 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 8.000 tỷ USD ghi nhận năm 2020. Như vậy, có thể thấy trong dịch bệnh Covid-19, có không ít người lâm cảnh khốn cùng, phải lo ăn từng bữa, nhưng đồng thời giới siêu giàu vẫn đang phất lên một cách nhanh chóng.

Trong cuốn “Tư bản thế kỷ 21”, nhà kinh tế học Thomas Piketty đã đưa ra nghiên cứu về mức độ tập trung và phân phối tài sản của các quốc gia tư bản trong 250 năm qua. Từ đó, ông lập luận rằng, tỷ suất sinh lợi từ tư bản ở các quốc gia phát triển liên tục lớn hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, và điều này khiến cho bất bình đẳng tài sản gia tăng trong tương lai.

Cũng theo Thomas Piketty thì dù ở xã hội tương lai tăng trưởng kinh tế quốc gia có thấp cũng không ảnh hưởng tới nguyên tắc tích lũy vô hạn của các nhà tư bản mà Karl Marx đã chỉ ra trong tác phẩm kinh điển “Tư bản”. Nghiên cứu này hoàn toàn trái ngược với tư tưởng lạc quan của nhà kinh tế học người Mỹ Simon Kuznets ở thế kỷ 20 rằng các áp lực cân bằng giữa tăng trưởng, cạnh tranh và tiến bộ công nghệ sẽ dẫn đến giảm bất bình đẳng và tăng tính đại đồng giữa các tầng lớp xã hội.

Như vậy, cho đến hiện nay, những nghiên cứu, luận giải của các nhà khoa học cho thấy rằng, nền kinh tế có phát triển đến đâu, công nghệ có tiến bộ ra sao, năng suất lao động có cao thế nào, của cải vật chất có nhiều bao nhiêu cũng không bảo đảm nó sẽ tạo ra một xã hội tốt đẹp, trong đó lợi ích vật chất được phân chia công bằng, quan hệ xã hội tiến bộ.

Chính sách kinh tế phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội

Chính vì thực tế nêu trên, những quan điểm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” được những nhà nghiên cứu, dư luận trong và ngoài nước thể hiện sự quan tâm đặc biệt.

Để xây dựng CNXH cần rất nhiều yếu tố, mà trong đó yếu tố đầu tiên là kinh tế-xã hội. Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định “phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm”. Bàn về nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế-xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng XHCN”.

Có thể thấy đây là những quan điểm hết sức rõ ràng và hết sức sáng suốt trong việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội.

Thế giới đã chứng kiến rất nhiều bài học về phát triển kinh tế. Trong đó, đã có những quốc gia trả những cái giá rất đắt vì quan điểm phát triển kinh tế bằng mọi giá, hy sinh môi trường tự nhiên, hy sinh cả môi trường xã hội. Thế nên có những quốc gia giàu có, phát triển nhưng môi trường tự nhiên bị hủy hoại nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và sức khỏe của người dân. Hay có những quốc gia thì vì phát triển kinh tế theo những phương thức đầy rủi ro mà văn hóa xã hội bị xuống cấp, các giá trị văn hóa truyền thống bị hủy hoại, nhân phẩm của con người bị coi nhẹ, bị chà đạp.

Trong những phương thức phát triển kinh tế đó, của cải làm ra nhiều, nhưng không làm cho con người sung sướng, hạnh phúc, mà sự phát triển ấy luôn song hành cùng rủi ro lớn, thậm chí phát triển theo cách rủi ro ấy có thể dẫn tới diệt vong. Từ những bài học đó, Việt Nam cần rút ra kinh nghiệm cho bản thân để chọn phương thức phát triển kinh tế bền vững, phù hợp thể chế chính trị, với văn hóa và con người Việt Nam.

Để phát triển kinh tế phục vụ mục tiêu xây dựng CNXH, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh mô hình kinh tế mà chúng ta xây dựng là mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi nguyên tắc và bản chất của CNXH. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

22625479-5544-47d1-be70-e947e25d6424.png

Bìa cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”.

Trước đây, có quan điểm cho rằng kinh tế thị trường không thể kết hợp được với định hướng XHCN, bởi nó vận động và phát triển theo những quy luật riêng của thị trường. Nói như thế là rất chủ quan, khiên cưỡng. Sự vươn lên kỳ diệu của nền kinh tế một số nước châu Á, mà trong đó vai trò kiến tạo, dẫn dắt của nhà nước là rất rõ ràng đã minh chứng rằng một nền kinh tế có thể sẽ tăng tốc phát triển nhanh hơn, đạt được các mục tiêu xã hội tốt hơn, tránh được các khiếm khuyết của thị trường nếu nhà nước thiết kế được những chính sách dẫn dắt, tác động phù hợp, đúng đắn.

Cuộc khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2009 là sự vỡ mộng về việc phát triển tốt đẹp, phồn vinh của nền kinh tế hoàn toàn do thị trường tự điều tiết. Hơn nữa, phát triển kinh tế không thể xa rời các đặc điểm về thể chế chính trị, bản sắc văn hóa, đặc điểm xã hội. 

 Thực tế là, chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn, tận dụng tốt những tiềm năng, cơ hội, lợi thế thời kỳ hội nhập để khiến kinh tế Việt Nam giữ được nhịp tăng trưởng cao. Mặc dù gặp khó khăn do dịch Covid-19 từ năm 2020 tới nay, nhưng bình quân tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam vẫn đạt 5,99%/năm, được xếp vào hàng cao nhất trong các nước thuộc ASEAN.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra vấn đề mấu chốt, nhạy cảm trong phát triển kinh tế là quan hệ phân phối. Làm thế nào để quan hệ phân phối có thể huy động được tốt nhất nguồn vốn, kích thích sức sáng tạo, sức sản xuất, nhưng đồng thời không tạo ra hố sâu bất bình đẳng, gây bất ổn xã hội? Theo Tổng Bí thư, quan hệ phân phối cần bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Đặc biệt, trong chế độ XHCN mà Việt Nam đang xây dựng thì phúc lợi xã hội thể hiện rõ qua quan điểm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Trong đại dịch Covid-19, mặc dù nguồn lực kinh tế đất nước có hạn nhưng Nhà nước ta vẫn nỗ lực ở mức cao nhất để chăm sóc sức khỏe, chăm lo đời sống của nhân dân, nhất là những người bị tổn thương do dịch bệnh.

Một chế độ xã hội vì con người

Xã hội XHCN theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội.

Trong chế độ chính trị XHCN, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Trong bài “Các cơ quan nội chính phải thật sự là những “thanh bảo kiếm sắc bén” và "lá chắn vững chắc" để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự kỷ cương của xã hội", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “... chúng ta đều là công bộc, đầy tớ của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Do vậy, chúng ta phải luôn luôn gắn bó với nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết; cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải tránh, phải cương quyết ngăn ngừa; thậm chí ai vi phạm thì phải bị trừng trị”.

Đảng ta luôn nhấn mạnh nhân tố con người trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời đề cao môi trường để con người có thể phát triển toàn diện, bền vững, trong đó bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Con người được xác định giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội.

 Ngày 6-1-2022, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố Báo cáo chỉ số phát triển con người của Việt Nam (HDI) giai đoạn 2016-2020. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, HDI của cả nước tăng từ 0,682 năm 2016 lên 0,687 năm 2017; 0,693 năm 2018; 0,703 năm 2019 và 0,706 năm 2020. Việt Nam từ Nhóm các quốc gia, vùng lãnh thổ có HDI trung bình năm 2018 và những năm trước đó đã gia nhập Nhóm đạt mức cao trong năm 2019 và năm 2020.

 Muốn xây dựng con người ngày càng hoàn thiện về nhân cách thì phải chống những thói hư, tật xấu. Trong bài phát biểu có nhan đề “Chính phủ mới: Khí thế mới, nỗ lực mới, quyết tâm phấn đấu lập nhiều thành tích mới” tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.  

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu phát triển tổng thể của Việt Nam tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045. Các văn kiện đã đề ra mục tiêu phát triển của đất nước với tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể đến năm 2045 “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

 Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong giai đoạn 1960-2008, có hàng trăm quốc gia có khát vọng vươn lên trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, nhưng tuyệt đại đa số đều mắc kẹt, không vươn lên thành công, bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” và chỉ có 13 quốc gia/vùng lãnh thổ được xem là thành công (trong đó, khu vực Đông Á và Đông Nam Á, người ta thường nhắc tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore). Kinh nghiệm quốc tế ấy gợi ý rằng, trên tiến trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao, Việt Nam cũng phải tìm cách để không bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu Việt Nam xây dựng được thể chế phát triển có chất lượng cao cùng một bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị thực sự hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, là nhân tố thúc đẩy phát triển. Điểm đáng lưu ý thêm là Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng, trong đó nội hàm của từng khâu đột phá đều có sự bổ sung, phát triển.

Có thể thấy, để trong vòng 23 năm tới, nước Việt Nam ta từ vị thế của quốc gia thu nhập trung bình thấp hiện nay lên quốc gia phát triển, có thu nhập cao thì cần một nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Và cần khẳng định lại rằng, mục tiêu trở thành “nước phát triển, thu nhập cao” là mục tiêu thực chất, nghĩa là “thu nhập cao” phải là thu nhập thực tế của đại đa số người dân. Sự phát triển của quốc gia không chỉ với thước đo về tiền bạc, của cải, vật chất dồi dào mà phải bảo đảm cách thức làm ra nguồn của cải, vật chất ấy là lành mạnh, bền vững và việc phân chia của cải, vật chất ấy là công bằng.