“Người kết nối”

Tham gia chống dịch tại TP.Hồ Chí Minh, với bác sĩ Hoàng Thị Phú Bằng, Phó trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai, 77 ngày tại tâm dịch là những ngày không thể nào quên trong cuộc đời làm nghề của chị.

5.jpg

Bác sĩ Hoàng Thị Phú Bằng kiểm tra lại kỷ vật của bệnh nhân qua đời vì COVID-19 trước khi trao trả cho các thân nhân.

Chị đã cùng nhóm công tác xã hội nỗ lực hết mình kết nối với những người thân của bệnh nhân COVID-19 để trao gửi lại những kỷ vật cho gia đình họ... Chị được mọi người gọi là “Người kết nối”...

Tôi hẹn gặp được chị vào ngày cuối năm 2021. Vừa là bác sĩ, vừa là Phó trưởng phòng Công tác xã hội nên chị rất bận rộn. Ngoài công tác chuyên môn, chị cùng mọi người trong phòng lên kế hoạch chăm lo cho những bệnh nhân điều trị phải đón Tết trong bệnh viện.

Với nụ cười hiền hậu, chị bảo tôi: “Lại hỏi mình về quãng thời gian ở bệnh viện dã chiến phải không? Quãng thời gian đó thật khốc liệt, chắc chắn sẽ không có lần thứ hai trong cuộc đời làm nghề y. Cuộc sống trong đại dịch đã làm nhiều người, trong đó có tôi thay đổi về tâm tư, tình cảm và cách suy nghĩ, cách sống, cách làm việc. Và trong lúc khó khăn nhất, khốc liệt nhất của dịch bệnh, tôi luôn thấy tình người thật ấm áp, thân tình, đầy yêu thương và san sẻ”.  

Năm 2021 đã qua, một năm mà dịch COVID-19 gây ra những biến động lớn chưa từng có. Hàng chục nghìn cán bộ y tế tình nguyện lên đường vào miền Nam chống dịch. Trong số đó có những y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai không ngại vất vả, hiểm nguy vào tâm dịch để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bác sĩ Hoàng Thị Phú Bằng chia sẻ: “Trưa 11-8-2021, tôi đặt chân đến TP Hồ Chí Minh.

21 giờ cùng ngày, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bệnh viện Bạch Mai (Bệnh viện dã chiến số 16) tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên. Những ngày đầu hoạt động, bệnh viện thiếu thốn trăm bề khi toàn thành phố đóng cửa. Lúc mới vào, tôi đề xuất mua một màn hình ti vi để giao ban trực tuyến có thể trao đổi công việc thuận tiện. Trong lúc đang loay hoay để tìm nơi mua thì một thành viên nhóm thiện nguyện "Những người yêu Sài Gòn" đã tháo chiếc ti vi mà gia đình đang sử dụng mang đến tặng chúng tôi. Món quà thực sự quý giá ở thời điểm đó. Và chúng tôi tâm niệm, cần phải nỗ lực hết mình để đáp lại tấm chân tình ấy”.

Trong tâm dịch, ngoài công việc chuyên môn chăm sóc, cứu chữa người bệnh thì nhiệm vụ của các nhân viên y tế làm công tác hậu cần cũng không kém phần ý nghĩa, nhân văn. Sinh nhật của người bệnh, bác sĩ Bằng cùng đồng nghiệp đã xoay xở tìm mua bánh, hoa để chúc mừng rồi kết nối họ với người nhà...

Đó như liều thuốc tinh thần tiếp thêm động lực để bệnh nhân chống chọi với bệnh tật. Nếu các bác sĩ lâm sàng giúp bệnh nhân khỏe mạnh thì việc làm của nhân viên Phòng Công tác xã hội như một liệu pháp giúp tinh thần người bệnh được tốt hơn, góp phần phục hồi tâm lý.

Bác sĩ Bằng chia sẻ, công tác hậu cần cho một đơn vị ICU (khu chăm sóc tích cực) lên đến gần 1.000 nhân viên y tế vô cùng khó khăn, vất vả. Chăm lo đời sống, sức khỏe cho nhân viên y tế, cho bệnh nhân, giữ liên lạc với thân nhân của họ để giải quyết giấy tờ vướng mắc, khi bệnh nhân ra viện, lại phải kết nối, kêu gọi các nhà hảo tâm để có những chuyến xe 0 đồng, hay có thêm món quà nhỏ như chiếc khẩu trang, lọ sát khuẩn... tặng bệnh nhân lúc ra viện.

Những món quà tuy bé nhỏ nhưng khiến người bệnh rất xúc động. Mỗi bệnh nhân xuất viện là niềm an ủi, động viên các bác sĩ, điều dưỡng cho đến tất cả những người làm công tác hậu cần. Ngay giữa đại dịch, các anh chị vẫn làm được những điều tốt nhất có thể để động viên người bệnh. Đó là những công việc thầm lặng nhưng đầy vinh quang. 

Bác sĩ Phú Bằng chia sẻ, khi thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất ở TP Hồ Chí Minh, người nhập viện liên tục tăng. Khó khăn nhất là những bệnh nhân tử vong vì COVID-19, do di chuyển nhiều bệnh viện, thông tin cá nhân rất ít và gần như bị ngắt quãng bởi khó có thể liên hệ với người thân. Bác sĩ Bằng và nhân viên Phòng Công tác xã hội đã lưu giữ cẩn thận những kỷ vật của họ, tìm kiếm thông tin người thân của bệnh nhân đã mất để trao trả lại.

Tất cả điện thoại của bệnh nhân qua đời đều được nhân viên sạc pin hằng ngày để sẵn sàng nhận những cuộc gọi của người thân liên hệ. Chị tâm sự: “Khoảng 5 tuần khi mới vào Bệnh viện dã chiến số 16, các nhân viên y tế bị sốc nặng. Từ sáng sớm bước lên xe đến khi trở về nơi nghỉ, trên xe chỉ có sự im lặng. Đến bệnh viện, chỉ là những y lệnh, những trao đổi ngắn gọn về tình hình bệnh nhân.

Bác sĩ trực điều hành khi ấy phải nghe hàng trăm cuộc điện thoại mỗi ngày, không ngơi nghỉ, không có thời gian để ăn. Còn nhân viên Phòng Công tác xã hội phải gọi-nhận trung bình hơn 800 cuộc gọi mỗi ngày để thông báo tình trạng bệnh nhân trong khu hồi sức cho người thân của họ, thông báo ngày, giờ bệnh nhân COVID-19 mất.

Và có nhiều sự việc không chỉ 1-2 cuộc điện thoại có thể giải quyết được. Chúng tôi vô cùng stress và áp lực. Chưa bao giờ tôi thấy cuộc sống mong manh như thế. Đồng nghiệp của tôi đã phải thốt lên rằng: Những gì chứng kiến tại đây có lẽ đủ để đau thương cho cả một đời người. Nhưng cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân không cho phép chúng tôi chùn bước, nếu chúng tôi gục ngã, bệnh nhân biết trông vào đâu.

Và sự hồi phục của người bệnh chính là liều thuốc tinh thần lớn nhất khích lệ chúng tôi tiếp tục nỗ lực từng giây, từng phút để chiến đấu vì sự hồi sinh của người bệnh. Có những bệnh nhân rất nặng, phải thở máy hàng tháng tại ICU đã tỉnh, có những bệnh nhân tiến triển tốt lên rất nhanh. Sau hơn một tháng, số bệnh nhân giảm dần, một tín hiệu lạc quan khiến mỗi thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai tại Bệnh viện dã chiến số 16 cảm thấy những cố gắng miệt mài của mình đã có kết quả”.

Kết thúc quãng thời gian tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, trở về Hà Nội, được thỏa lòng mong nhớ các con, được ăn những món ăn ngon do ông xã nấu, chị lại nhớ đến quãng thời gian hối hả tại ICU Bạch Mai ở TP Hồ Chí Minh. Chị nhớ đến những giọt nước mắt của những bệnh nhân nặng khỏi bệnh được xuất viện, nhưng cũng vẫn chưa hết day dứt với những tiếng khóc nghẹn của người nhà bệnh nhân khi đến nhận lại kỷ vật của người thân đã mất...

“Đó là kỷ niệm, là ký ức khó quên trong cuộc đời làm nghề y của tôi. Đến nay, tôi vẫn kết nối với những người đồng nghiệp của mình ở TP Hồ Chí Minh để hoàn thành những công việc còn dang dở. Chúng tôi biết có những người chưa đến nhận được đồ của người thân nên chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì, bảo quản những tài sản đó cho những người đã mất và sẽ cố gắng bàn giao lại cho phía gia đình sớm nhất.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm công việc này với mong muốn góp phần làm vơi đi nỗi đau của những gia đình có người thân không may mất vì đại dịch COVID-19. Đặc biệt, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các nhóm thiện nguyện hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh”.

Bác sĩ Hoàng Thị Phú Bằng chia sẻ, dịch bệnh rồi sẽ qua đi nhưng kỷ niệm, ký ức sẽ còn mãi. Năm mới đầy hy vọng tươi sáng sẽ đến với chúng ta, yêu thương sẽ chiến thắng đại dịch và bình an sẽ đến với tất cả mọi người.