Chuyện về cựu chiến binh xây khu tưởng niệm Bác Hồ

Gần 20 năm sưu tầm hiện vật, tư liệu về Bác Hồ, mãi đến năm 2001, cựu chiến binh (CCB) Bùi Hữu Phước ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa) mới hoàn thiện Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên diện tích gần 2.000m2, với nhiều hạng mục như một bảo tàng thu nhỏ.

Trong những năm qua, nơi đây trở thành điểm đến của các tầng lớp nhân dân để tỏ lòng thành kính, biết ơn công lao trời biển của Bác Hồ kính yêu...

Bán nhà, lập nơi thờ Bác Hồ

Một sớm ngày đông, chúng tôi tìm về Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa). Khuôn viên nơi đây thật gần gũi, yên bình khi hệ thống âm thanh cất lên làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng của xứ Nghệ, với ca khúc “Làng Sen”.

Tiếp chúng tôi, CCB Bùi Hữu Phước nhớ lại những ngày đầu xây dựng nơi này. Ông kể: Năm 1995, sau khi nghỉ công tác, tôi đã dành nhiều thời gian, công sức để thực hiện dự định ấp ủ từ lâu, đó là lập khu tưởng niệm Bác Hồ. Không đắn đo, năm 1997, tôi chính thức bán ngôi nhà tại trung tâm TP Nha Trang và chiếc xe máy để đủ tiền xây dựng khu tưởng niệm Bác Hồ trên một khu vườn mới ưng ý.

cuphuocnhatrangbaoquanbaotang37490843am.jpg

Cựu chiến binh Bùi Hữu Phước bên những tư liệu, hiện vật quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những ý tưởng, bản vẽ thiết kế được tôi và các đội ngũ kỹ thuật bắt đầu thực hiện, gồm: Khu đền thờ Bác Hồ; không gian trưng bày hiện vật, tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác; phòng đọc Hồ Chí Minh, khuôn viên và tượng đài Bác, sân khấu sinh hoạt cộng đồng và tượng đài chiến sĩ công binh, ban thờ các anh hùng liệt sĩ... Năm 2001, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh rộng gần 2.000m2 (tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) chính thức khánh thành và đi vào hoạt động.

Chị Bùi Thị Thu Hà, con gái đầu của CCB Bùi Hữu Phước nhớ lại: "Ngày ba tôi bán nhà ở trung tâm thành phố để về xã Phước Đồng lập nơi thờ Bác bây giờ, điều kiện sinh hoạt cũng như đi lại của gia đình rất khó khăn, vất vả. Tôi nhớ ngày đó, quyết định bán nhà, ba cũng thương các con lắm. Nhưng trong gia đình, ai cũng nhận thấy tình yêu và tấm lòng thành kính của ba dành cho Bác là quá lớn nên cả nhà ủng hộ ba tuyệt đối...".

Để có một khu tưởng niệm về Bác Hồ thật gần gũi, trang trọng, CCB Bùi Hữu Phước lặn lội đi nhiều nơi để nghiên cứu, học hỏi, sưu tầm, tỉ mỉ từng chi tiết như đến các đơn vị: Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh đề nghị được sao chụp, phục chế nhiều hiện vật có giá trị gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Hay như giống sen được trồng trong đầm sen hôm nay, ông cũng mang về từ Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) nơi quê hương của Bác...

Đến nay, khu tưởng niệm đã có gần 300 tư liệu, hiện vật về Bác Hồ... Đặc biệt, mỗi lần khách đến tham quan, chính CCB Bùi Hữu Phước là người “hướng dẫn viên” đa tài, thông thuộc chi tiết và dẫn dắt người xem theo một logic câu chuyện về cuộc đời của Bác. Ví dụ, khi giới thiệu về nhà sàn của Bác, ông giải thích đến từng chi tiết, từ ý tưởng thiết kế đến thói quen của Bác lúc sinh thời, những vị trí Bác hay ngồi nghỉ ngơi... Hay khi giới thiệu về chiếc áo ka ki, cây gậy mây đều sát với các tài liệu tin cậy về Bác.

Để phục vụ khách tham quan ngày một tốt hơn, CCB Bùi Hữu Phước thường xuyên sửa sang, sắm mới và bổ sung hiện vật, tư liệu. Đặc biệt, năm 2017, ông tiếp tục phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh và các nhà thiết kế chuyên nghiệp về bảo tàng, tiếp tục nâng cấp, sửa chữa nhiều hạng mục, như: Đền thờ Bác, phòng trưng bày, nhà truyền thống...

Nhiều hiện vật, tư liệu tiếp tục được bổ sung, thay thế như bức tượng đồng chân dung Bác, biển, bảng, in mới ảnh tư liệu, hình ảnh. Nhiều ca khúc, thước phim tư liệu quý về Bác được con cháu ông hỗ trợ sao chép, lưu về kho tư liệu để phục vụ khách tham quan. Sau hơn 20 năm đưa vào hoạt động, nơi đây đã trở thành "địa chỉ đỏ", điểm đến học tập, giáo dục truyền thống của người dân địa phương và nhiều vùng, miền trên cả nước. 

Khu tưởng niệm của muôn đời sau

Tình cảm, tấm lòng tôn kính Bác Hồ của CCB Bùi Hữu Phước đã làm lay động lòng người. Nhiều tổ chức, cá nhân muốn chia sẻ, chung tay góp công, trao tặng hiện vật quý về Bác, như: Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng bức tượng đồng chân dung Bác Hồ; bà Nguyễn Thu Hà, nguyên cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh đã dồn nhiều tâm sức, không quản đường sá xa xôi, vất vả, đến trao đổi, góp ý cho khu tưởng niệm; hay CCB Nguyễn Đăng Giáp đã chung tay mua tặng một số vật tư phục vụ việc sửa chữa, làm mới... Thật xúc động, đầu năm 2021, bác sĩ Đào Duy Sang đã cất công từ Hà Nội vào tận Nha Trang để tặng bức chân dung Bác Hồ được dệt bằng chất liệu sợi hóa học mà ông đã lưu giữ hơn 56 năm qua, với tâm nguyện bức tranh được bảo quản lâu dài và giới thiệu đến công chúng...

Ngồi bên chúng tôi, CCB Bùi Hữu Phước tâm sự: “Tôi năm nay đã ngoài 86 tuổi, lại còn bệnh tật nữa, không biết ông trời gọi đi khi nào, nhưng trời cho sống được ngày nào thì tôi còn dâng hương, hoa tưởng nhớ Bác ngày ấy. Tôi đã để lại di nguyện và căn dặn con cháu: “Nơi đây là công trình của muôn đời để con cháu truyền tử lưu tôn, làm nơi tưởng niệm Bác Hồ, các thế hệ sau không được trao đổi, mua bán dưới bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào mà phải thường xuyên có trách nhiệm trùng tu và gìn giữ cho muôn đời sau”. 

Ông Hồ Sĩ Hoài, Chủ tịch Hội CCB xã Phước Đồng, TP Nha Trang cho biết: “Vào những dịp lễ tết, ngày kỷ niệm của đất nước, của dân tộc, bà con, đồng đội chúng tôi thường xuyên về đây dâng hương, hoa tưởng nhớ Bác và đồng đội. Những hiện vật, tư liệu hiện hữu nơi đây phản ánh chân thực về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Dù tuổi đã cao nhưng CCB Bùi Hữu Phước luôn là tấm gương sáng để đồng đội noi theo, học tập". 

Nắm đôi bàn tay gầy guộc và ngắm nhìn nụ cười sáng, lạc quan của CCB Bùi Hữu Phước lúc chia tay, trong tôi gợi lên những vần thơ của CCB Vũ Thanh Tâm (phường Phước Long, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) xúc động, tự hào viết về người đồng đội của mình: “Có một hoa viên cảnh tình nên thơ/ Tưởng niệm Bác Hồ, ấm lòng nhân nghĩa/ Là CCB tận tâm tạo tác/ Giản dị, khiêm nhường như lòng Bác kính yêu”...

CCB Bùi Hữu Phước sinh năm 1935, nguyên quán tại Đà Nẵng. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, nhập ngũ vào Đại đoàn 305. Năm 1960, khi đang mang quân hàm thượng sĩ, ông được tuyển chọn đi đào tạo chuyên ngành khảo cổ-bảo tàng, Trường Lý luận nghiệp vụ văn hóa và gắn bó cho đến lúc nghỉ hưu trên cương vị Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên...

Năm 2020, CCB Bùi Hữu Phước vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trước đó, ông đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng, bằng khen của UBND tỉnh Khánh Hòa, Hội CCB Việt Nam, UBND TP Nha Trang và UBND xã Phước Đồng...