Việt Nam đã hoàn thành các mục tiêu lớn của số hóa truyền hình mặt đất

Chiều ngày 12/01/2022, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 (Đề án số hóa truyền hình).

Tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm; Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng; cùng dự có đại diện các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan tại 63 điểm cầu trực tuyến…

2021112-u2.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam đã chuyển đổi mạng viễn thông từ analog sang số, tiếp theo là số hóa truyền hình và bây giờ là số hóa toàn diện, đưa toàn bộ thế giới thực lên không gian số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam đã hoàn thành 4 mục tiêu lớn của Đề án, đó là:

Một hoàn thành việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ truyền hình tương tự sang công nghệ truyền hình số thế hệ thứ hai, là công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất, trên phạm vi toàn quốc. Hiệu quả sử dụng tần số của truyền hình số mặt đất tăng 30 lần so với truyền hình tương tự, vì vậy, đã giải phóng được 112 Mhz thuộc băng tần 700MHz để sẵn sàng phủ sóng dịch vụ 5G toàn quốc trong khi vẫn có đủ tần số cho nhiều kênh truyền hình hơn trước đây.

Hai là đã mở rộng đáng kể vùng phủ sóng truyền hình mặt đất từ phủ trung tâm 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2011 tương đương 50% dân số đến nay đã vươn đến tất cả 63 địa phương toàn quốc tương đương với 80% dân số, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu truyền hình xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, gồm truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình Internet.

Ba là đã thu hút được nguồn lực xã hội để phủ sóng truyền hình mà trước kia dùng ngân sách nhà nước. Đến năm 2020, đã có 4 đơn vị trong đó có 3 công ty cổ phần tham gia truyền dẫn phát sóng. Nguồn lực xã hội tham gia số hoá truyền hình đã đạt được trên 50%.

Bốn là năm 2011, 100% các nhà đài vừa làm nội dung vừa truyền dẫn phát sóng thì đến nay 100% các đài PTTH địa phương đã được tổ chức, sắp xếp lại theo hướng chuyên môn hoá, tập trung vào khâu sản xuất nội dung chương trình và thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng. Trong 10 nước ASEAN, Việt Nam là nước thứ 5 hoàn thành dừng phát sóng truyền hình tương tự. 4 nước đã hoàn thành trước chúng ta là Brunei (năm 2017), Singapore, Malaysia (năm 2019) và Thái Lan (đầu năm 2020) đều là những nước có quy mô dân số nhỏ hơn và địa hình dễ phủ sóng hơn.

Bộ trưởng khẳng định: Chúng ta đã giữ đúng cam kết với toàn khối ASEAN là hoàn thành việc tắt sóng vào năm 2020. Trên thế giới, Việt Nam là nước thứ 78/193 nước hoàn thành việc dừng phát sóng truyền hình tương tự, thuộc nhóm các nước hoàn thành sớm. 

2021112-u1.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án số hóa truyền hình

Tập trung đi thẳng vào công nghệ hiện đại DVB-T2

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, để có được thành công trên, Việt Nam đã có những cách tiếp cận phù hợp để thực hiện thành công Đề án Số hóa truyền hình.

Đó là hoàn thành hành lang pháp lý trước. Ban chỉ đạo Đề án đã phối hợp cùng với các Bộ ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo ra cơ chế hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.

Kế tiếp là có lộ trình phù hợp, làm thí điểm trước tại Đà Nẵng, tiếp theo là các thành phố lớn, khu vực cao, sau đó là các tỉnh đồng bằng và cuối cùng là các địa phương vùng núi.

Chúng ta tập trung đi thẳng vào công nghệ hiện đại bằng cách chọn công nghệ DVB-T2 khi mới chỉ có 6 nước chọn công nghệ này nhưng đây là công nghệ tiên tiến, vừa có chất lượng cao, vừa tiết kiệm được băng tần hơn và thực tế chứng minh là chúng ta đúng. Đến nay 90% các nước sử dụng công nghệ này.

Sáng tạo, linh hoạt vận dụng cơ chế tài chính phù hợp. Trong khi ngân sách nhà nước còn khó khăn, Bộ TT&TT và các Bộ liên quan đã đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo thiết bị thu kỹ thuật số. Theo đó đã có gần 2 triệu hộ gia đình được hỗ trợ với trên 1.000 tỷ đồng.

20220112-m005.jpg

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến

Quan tâm và lắng nghe ý kiến của người dân, đặt người dân làm trung tâm. Đối với người dân khi tiếp cận sử dụng công nghệ mới, hiện đại sẽ gặp những khó khăn so với việc quen sử dụng công nghệ cũ. Vì vậy, Bộ TT&TT đã thiết lập riêng một tổng đài để tiếp nhận phản ánh, hỗ trợ các hộ dân trong việc chuyển đổi. Các khó khăn khi sử dụng công nghệ mới được hỗ trợ và xử lý kịp thời.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức. Việc tắt sóng truyền hình tương tự liên quan đến trên 20 triệu hộ gia đình trên toàn quốc nên việc truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhân dân phải nhận thức được tắt sóng tương tự là để nâng cao chất lượng truyền hình, để xem được nhiều kênh hơn, trong đó có những kênh chuyên đề về y tế, giáo dục, nông nghiệp giúp nâng cao đời sống.

Sự vào cuộc tích cực, chủ động của các địa phương trong việc triển khai Đề án. UBND các tỉnh, thành phố đã sát sao triển khai các nhiệm vụ của Đề án trên địa bàn, thành lập Ban chỉ đạo của địa phương, triển khai thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền, lựa chọn đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất để truyền tải chương trình truyền hình địa phương, hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Đề án số hóa truyền hình không đơn thuần là cuộc cách mạng về công nghệ

Chia sẻ tại hội nghị, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, Đề án số hóa truyền hình không chỉ đơn thuần là cuộc cách mạng về công nghệ mà đây còn là cuộc cách mạng về quản lý và tổ chức - đây cũng chính là phần khó nhất khi triển khai trong thực tiễn.

“Tư duy chuyển đổi tổ chức, bộ máy, thị trường là khó khăn nhất. Vì trong thời gian dài, các đài truyền hình, cơ quan báo chí tổ chức đưa hệ thống truyền dẫn ra khỏi đài truyền hình, thực hiện thị trường hóa và giao việc truyền dẫn phát sóng cho các doanh nghiệp làm thì rất khó khăn bởi trong nhận thức, báo chí thì không có sự tham gia của doanh nghiệp. Do đó, đây là cái vấp ngay cho lãnh đạo các cấp, bộ, ngành, địa phương. Làm sao chúng ta thuyết phục mọi người rằng việc tách truyền dẫn ra khởi các đài truyền hình mang lại lợi ích lớn cho đất nước, tiết kiệm nhiều tiền bạc trong về lâu dài khi đầu tư hạ tầng tập trung thay vì hạ tầng phân tán vô cùng tốn kém. Đây chính là khó khăn, thách thức lớn nhất.

Bộ TT&TT được giao thành lập Ban chỉ đạo triển khai đề án, đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để thay đổi tư duy, suy nghĩ. Đây là điều lớn nhất chúng ta đã làm được trong Đề án này” - Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nói.

2021112-u4_1.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện triển khai Đề án số hóa truyền hình 

Sau 9 năm triển khai, Đề án số hóa truyền hình đã giúp chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số, áp dụng thống nhất tiêu chuẩn DVB-T2 và giải phóng tài nguyên tần số.

Mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao chất lượng thu xem truyền hình phục vụ Nhân dân. Người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nhiều chương trình truyền hình với chất lượng cao, thu hẹp khoảng cách số về thông tin giữa vùng sâu, vùng xa và thành thị. Trước đây, với truyền hình tương tự chỉ thu xem được từ 3 đến 7 kênh chương trình có độ phân giải SD thì nay với truyền hình số có thể thu xem đến 70 kênh chương trình quảng bá miễn phí, trong đó có hàng chục kênh HD.

Hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất. Tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước. 

Để ghi nhận những thành tích và đóng góp của tập thể các đơn vị và cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện Đề án số hóa truyền hình trong nhiều năm qua, nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho 53 tập thể, 47 cá nhân và Kỷ niệm chương của Bộ TT&TT cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Đề án.

2021112-u3.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm trao Kỷ niệm chương cho các lãnh đạo, thành viên Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình mặt đất